Nông thôn mới-10 năm nhìn lại - Bài 2: Những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ

  • 08:32 | Thứ Hai, 11/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với những thành tựu quan trọng sau một thập kỷ xây dựng nông thôn mới (NTM), vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế và nhiều bài học cần rút ra để duy trì bền vững các tiêu chí và bảo đảm không bị chệch hướng. Và quan trọng nhất là bảo đảm mục đích cuối cùng của NTM là thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
 
Tại các hội nghị về xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện và cấp cơ sở, bên cạnh những con số, sự kiện khẳng định thành công của công cuộc xây dựng NTM, luôn xuất hiện những băn khoăn, trăn trở.
 
Trong giai đoạn đầu triển khai, việc một số địa phương hiểu chưa đúng về chủ trương và cách thức xây dựng NTM đã vô tình làm biến mất nhiều hình ảnh làng quê truyền thống khi những hàng rào bằng cây xanh bị chặt bỏ, thay vào đó là hàng rào, cổng được xây dựng kiên cố. Và rất nhiều địa phương tập trung đầu tư các tiêu chí hạ tầng, là nhóm tiêu chí “ngốn” nhiều kinh phí.
  Những hình ảnh làng quê truyền thống dần biến mất trong “làn sóng” xây dựng NTM những ngày đầu
Những hình ảnh làng quê truyền thống dần biến mất trong “làn sóng” xây dựng NTM những ngày đầu
Việc quá chú trọng vào tiêu chí này đã có lúc tạo áp lực đối với người dân khi họ phải đóng góp nhiều kinh phí, dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện tại một số địa phương. Vụ việc đáng tiếc tại xã Tân Thủy (huyện Lệ Thuỷ) vào năm 2014, khi chính quyền xã khấu trừ tiền hỗ trợ bão lụt của người dân để xây dựng NTM là một bài học đắt giá. Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều địa phương “háo hức” đầu tư các tiêu chí hạ tầng bởi những điều tế nhị phía sau “bên A, bên B” thay vì nỗ lực đầu tư tiêu chí phát triển sản xuất, vốn là tiêu chí quan trọng để phát triển đời sống người dân và tác động tích cực đến chất lượng xây dựng NTM.
 
Xây dựng NTM đã khó, nhưng duy trì NTM bền vững lại càng khó hơn. Thực tế cho thấy, một số địa phương sau khi về đích NTM đã sớm có tư tưởng thỏa mãn, chủ quan dẫn đến buông lỏng việc giám sát để giữ vững các tiêu chí.
 
Xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) là một ví dụ cụ thể khi từ một xã điểm về xây dựng NTM, tình trạng vệ sinh môi trường nơi đây đã trở nên nhức nhối mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng. Phải đến thời gian gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thị xã, tình trạng này mới được cải thiện. Một số công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi đã bị xuống cấp sau vài năm xây dựng. Tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương nói chung, các xã NTM nói riêng đang diễn biến phức tạp…
 
Việc triển khai một cách cứng nhắc trong xây dựng NTM và hậu quả của nó cũng là vấn đề từng được quan tâm thảo luận.
 
Sau 10 năm xây dựng NTM, đối với tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7), toàn tỉnh có trên 150 chợ. Bên cạnh những chợ hoạt động hiệu quả, số chợ lãng phí, xuống cấp, xây dựng để “đối phó” với bộ tiêu chí chiếm khá nhiều. Tình trạng chợ bỏ hoang hay cho thuê tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh đã gây ra sự lãng phí rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM còn hạn hẹp.
 
Tương tự, tiêu chí nhà văn hoá cũng cần có sự xem xét cẩn trọng trong hành trình xây dựng NTM thời gian tới, bởi nếu làm không khéo, sẽ lặp lại tình trạng lãng phí như chợ nông thôn khi đầu tư xây dựng chỉ để hoàn thành tiêu chí thay vì xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân.
Nhiều chợ nông thôn bị bỏ hoang
Nhiều chợ nông thôn bị bỏ hoang
Một số tiêu chí, như: thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm…, đang là thách thức đối với nhiều địa phương, bao gồm cả những xã về đích NTM và xã đang trên hành trình phấn đấu.
 
Ông Cao Quý Hà, Phó chủ tịch UBND xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) cho biết, với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương, Cảnh Dương đã về đích NTM vào cuối năm 2014. Những năm qua, xã đã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí để duy trì bền vững các thành tựu đã đạt được. Tuy nhiên, hiện tại, các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm… đang là băn khoăn, trăn trở lớn của địa phương. Vài năm trở lại đây, hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ nghề biển-nghề chính của người dân địa phương ngày càng hạn chế. Hoạt động hậu cần nghề cá và dịch vụ, thương mại cũng bị ảnh hưởng. Số lao động thiếu việc làm ngày càng tăng. Những khó khăn này đã và đang trực tiếp tác động đến thu nhập của người dân. Về lâu dài, việc duy trì và giảm tỷ lệ hộ nghèo, huy động các nguồn lực để duy trì các tiêu chí và hướng đến xây dựng NTM nâng cao sẽ rất khó khăn. Hiện tại, tỷ lệ lao động thiếu việc làm đang có nguy cơ gia tăng. Địa phương cũng đang nỗ lực để giải bài toán khó này nhằm duy trì bền vững các tiêu chí NTM.
 
Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang gặp phải khó khăn như xã Cảnh Dương, dẫn đến tình trạng người dân tìm đường xuất khẩu lao động bằng cả hai con đường là chính thức và bất hợp pháp. Đối với lao động xuất khẩu bất hợp pháp, họ phải đối mặt với những thiệt hại cả về vật chất và tính mạng.
 
Ngoài ra, các tiêu chí như tổ chức sản xuất với yêu cầu về hợp tác xã, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí trường học… cũng là những thách thức với nhiều địa phương trong việc “trả nợ” tiêu chí và duy trì sau khi về đích. Đối với yêu cầu về hợp tác xã, một số địa phương thành lập hợp tác xã chỉ nhằm đối phó để hoàn thành tiêu chí, thay vì xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Các tiêu chí về nhà văn hóa, trường học… thì gặp khó về quỹ đất, kinh phí đầu tư hoặc hoạt động thiếu hiệu quả, gây lãng phí.
 
Những khó khăn nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng dù từ bất cứ nguyên nhân nào, việc rút ra những bài học kinh nghiệm và tìm các giải pháp để khắc phục nhằm giữ vững các tiêu chí, tạo đà xây dựng NTM nâng cao là điều cần phải nhanh chóng triển khai, nếu không mục tiêu NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao và hoàn thành huyện NTM sẽ là mục tiêu xa vời!
 
Ngọc Mai
 
Bài 3: Bài học kinh nghiệm và giải pháp