Nhiều hộ nghèo làm ăn khấm khá nhờ vốn tín dụng ưu đãi

  • 08:45 | Thứ Bảy, 30/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, hàng nghìn lượt khách hàng trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ 19 chương trình tín dụng của NHCSXH để đầu tư nâng cao đời sống, dân trí và phát triển kinh tế. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp cho nhiều khách hàng có cơ hội thoát nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu chính đáng.

Gia đình anh Đinh Minh Lưu ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn (Minh Hóa) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Trước đây, gia đình anh Lưu cũng như nhiều hộ nghèo trong xã đều sống chủ yếu dựa vào rừng nên thu nhập rất bấp bênh. Nhận thấy rõ việc nghề đi rừng, phát rẫy, làm nương dần dần khiến rừng cạn kiệt, nên anh bàn với vợ mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc.

Năm 2009, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã, gia đình anh Lưu được tín chấp cho vay vốn NHCSXH với số tiền 30 triệu đồng. Anh mua 3 con bò mẹ sinh sản và tận dụng vùng đất có sẵn để khoanh vùng trồng cỏ chăn nuôi.

Nguồn vốn tín dụng CSXH là một trong những “đòn bẩy” giúp bà con huyện Quảng Ninh vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn tín dụng CSXH là một trong những “đòn bẩy” giúp bà con huyện Quảng Ninh vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, anh còn trồng thêm 10ha keo lai, đào 2 hồ nuôi cá, nuôi lợn rừng sinh sản. Tính đến thời điểm này, trang trại tổng hợp của gia đình có 35 con lợn nái và lợn thịt; 22 con trâu, bò; đàn gia cầm hơn 200 con. Tổng thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng.

Trước đây, hộ gia đình anh Hồ Thân, người Bru-Vân Kiều, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) thuộc diện hộ nghèo. Được sự hỗ trợ của địa phương và PGD NHCSXH huyện, năm 2016, anh Thân vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo để chăn nuôi, sản xuất.

Từ nguồn vốn vay, gia đình anh đầu tư khoanh vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung thay vì chăn thả tự do. Sau đó một năm, anh vay thêm 20 triệu đồng nguồn vốn nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn để xây dựng hệ thống cung cấp nước nhằm chủ động nguồn nước sạch phục vụ cho gia đình và tưới tiêu đồng cỏ, cung cấp thức ăn cho gia súc.

Nhận thấy điều kiện phù hợp và được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp của xã và huyện, anh tiếp tục làm thêm mô hình nuôi dê núi và heo rừng. Năm 2019, anh Thân tiếp tục đề nghị vay bổ sung thêm 40 triệu để mở rộng quy mô chăn nuôi. Tính đến nay, trang trại chăn nuôi của anh Hồ Thân có 6 con bò, 15 con heo rừng, 20 con dê núi và nhiều gia cầm khác.

Theo thông tin từ NHCSXH tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 10-2019, dư nợ cho vay hộ nghèo còn khoảng 523 tỷ đồng, 12.128 khách hàng còn dư nợ với tổng lượt vay từ đầu năm đến nay gần 2.700 lượt.

Ông Nguyễn Hồng Liêm, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo giảm đến 77 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Điều đó không đồng nghĩa với việc chất lượng tín dụng đi xuống mà do số lượng hộ nghèo được cải thiện về điều kiện kinh tế ngày càng tăng cao, trong đó, nhờ sự tác động rất lớn từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH nên số hộ nghèo giảm hẳn, chuyển sang giai đoạn cận nghèo và mới thoát nghèo.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay, thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức hội cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm theo quy định, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của các hộ gia đình.

Đồng thời, đơn vị tổ chức giao ban hàng tháng tại các điểm giao dịch để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Qua đó, đơn vị sẽ đánh giá được kết quả, hiệu quả của chương trình tín dụng chính sách, phát hiện những sai sót, tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay.

Hiền Phương