Người chăn nuôi lao đao vì dịch tả lợn châu Phi

  • 08:29 | Thứ Năm, 14/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch tả lợn châu Phi (DLTCP) đang bùng phát và lây lan rộng trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, chính quyền và cơ quan chức năng đang căng mình để khống chế và dập dịch, người chăn nuôi cũng đang trong tình cảnh hết sức khó khăn.
 
Tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không xin được việc, năm 2017, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân, ở thôn Hòa Bình, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa vay vốn để đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Đến năm 2018, lứa lợn xuất bán đầu tiên mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng. Xác định được hướng phát triển kinh tế hiệu quả, hai vợ chồng chị Ngân mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Sang đầu năm 2019, gia đình chị chăn nuôi 30 con lợn rừng, trong đó có 2 con lợn nái, 1 lợn đực giống và 27 con lợn thịt. Nếu xuất bán được lứa lợn này, chị Ngân dự định mua thêm lợn giống, sửa sang lại chuồng trại để phát triển lâu dài.
 
Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, đàn lợn rừng của gia đình chị Ngân được phát hiện bị DTLCP nên phải tiêu hủy hết 10 con, trong đó có 1 lợn nái và 1 đực giống, thiệt hại ước tính trên 60 triệu đồng. Chị Ngân thở dài cho biết, ngoài số lợn đã bị bệnh, chết phải tiêu hủy theo quy định, số còn lại đang tiếp tục khoanh nuôi, theo dõi theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Mỗi ngày, chị phải tiêu tốn số tiền thức ăn không hề nhỏ.
 
Đó là khó khăn chung của những hộ chăn nuôi có lợn bị dịch phải tiêu hủy và khoanh đàn để theo dõi, còn những hộ may mắn hơn, khi đàn lợn chưa bị lây dịch, cũng lâm vào tình cảnh nan giải không kém, bởi lợn đến kỳ xuất chuồng mà không thể bán được.
 
Gia đình anh Đoàn Thanh Định ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) là hộ chăn nuôi lợn có tiếng trong vùng. Từ nhiều năm nay, anh Định đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, chăn nuôi với số lượng lớn. Nhờ chăn nuôi, gia đình anh đã có điều kiện để cho con cái ăn học, mua sắm được nhiều vật dụng trong nhà. Nhưng từ cuối tháng 10-2019, khi xã Đồng Hóa phát hiện có dịch tả lợn châu Phi thì hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn bị cấm hẳn. Vì vậy, gia đình anh Định cùng nhiều hộ chăn nuôi khác đang phải “khóc đứng, khóc ngồi” vì lợn không bán được mà chi phí thức ăn lại cao.
Đàn lợn của gia đình anh Đoàn Thanh Định, xã Đồng Hóa đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không bán được do địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi
Đàn lợn của gia đình anh Đoàn Thanh Định, xã Đồng Hóa đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không bán được do địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi
Theo anh Định, gia đình anh có 50 con lợn (trong tổng đàn 160 con) đã đến kỳ xuất chuồng với trọng lượng mỗi con khoảng 70kg. Bình quân mỗi ngày một con ăn hết 3,5kg thức ăn công nghiệp. Với giá thức ăn như hiện tại thì mỗi ngày anh phải chi phí trên 1 triệu đồng tiền thức ăn cho 50 con lợn đang chờ bán. Nếu dịch bệnh kéo dài thì thiệt hại cũng không thua kém gì những trường hợp lợn bị bệnh phải tiêu hủy.
 
Cũng theo anh Định, mặc dù trong tình cảnh khó khăn như vậy nhưng bản thân anh cũng như các hộ chăn nuôi khác đều đồng tình và chấp hành nghiêm các quy định và hướng dẫn của địa phương về phòng chống dịch, không bán lợn khi chưa có công bố hết dịch.
Toàn huyện Tuyên Hóa hiện có tổng đàn lợn hơn 24.000 con với hàng nghìn hộ chăn nuôi. Trong đó, chỉ có một số ít trang trại, gia trại chăn nuôi với số lượng lớn; còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Đến ngày 5-11-2019, DTLCP đã lan rộng trên địa bàn 10/20 xã, thị trấn của huyện. Số lượng lợn bị bệnh và chết phải tiêu hủy là 190 con, tổng trọng lượng 10.700kg, liên quan đến 31 hộ ở 22 thôn. 
 
Hiện, các cấp chính quyền và người dân đang phải “oằn mình” để phòng, chống dịch với hy vọng sẽ sớm khống chế và dập tắt dịch. 
 
Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết, Trung tâm đang phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống và dập dịch nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch ra diện rộng. Theo đó, khi phát hiện lợn mắc DTLCP thì tổ chức tiêu hủy ngay những con lợn đã chết và có triệu chứng bệnh; hướng dẫn hộ chăn nuôi tiếp tục chăm sóc, điều trị và theo dõi đàn lợn còn lại; thực hiện nuôi nhốt lợn tại chuồng, trại, không được bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn chết ra môi trường; thực hiện nghiêm túc quy định vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi...
 
Huyện Tuyên Hóa cũng đã chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, cấm mua bán thịt lợn tại những xã, thị trấn đã công bố dịch, lập các trạm kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển lợn từ vùng dịch ra ngoài và ngược lại, hạn chế người và phương tiện ra vào những điểm đã phát hiện dịch. 
 
Bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như đời sống của người dân, ngoài các giải pháp cấp bách để ngăn chặn và dập tắt dịch, chính quyền các cấp cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
 
X.Phú