Để thị trường bất động sản Quảng Bình phát triển bền vững

  • 08:42 | Thứ Bảy, 30/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Sau giai đoạn “nóng” với hàng loạt dự án hạ tầng khu dân cư được khởi động và giá đất được đẩy lên cao, thị trường bất động sản (BĐS) Quảng Bình đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Quảng Bình đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thị trường BĐS Quảng Bình trong thời gian qua?

Ông Lê Anh Tuấn: Có thể nói, trước đây, các sản phẩm BĐS chủ yếu tại Quảng Bình là đất nền từ các dự án hạ tầng khu dân cư do Nhà nước đầu tư và đất lẻ, đất chuyển mục đích sử dụng do Nhà nước tổ chức đấu giá.

Hạ tầng các khu đô thị ở Quảng Bình được đầu tư đồng bộ.
Hạ tầng các khu đô thị ở Quảng Bình được đầu tư đồng bộ.

Nhưng từ năm 2018 đến nay, sản phẩm BĐS cung cấp ra thị trường khá phong phú do có thêm đất nền tại các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị và đặc biệt là sự hình thành của BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đất nền, hiện nay, Quảng Bình đang triển khai các dự án đô thị với các thiết chế hoàn chỉnh và nhà ở xây sẵn, các dự án nhà chung cư, nhà ở xã hội đang chuẩn bị đầu tư.

Sau giai đoạn giảm sâu và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, từ giữa năm 2018, thị trường BĐS Quảng Bình có sự biến động lớn, tăng từ 150-200% so với năm 2017; năm 2019 tiếp tục tăng thêm 140-160% so với năm 2018.

Việc thị trường BĐS Quảng Bình khởi sắc và phát triển mạnh cả về lượng giao dịch và giá trị BĐS xuất phát từ việc nền kinh tế của tỉnh đã đạt được những bước tiến lớn, nhất là về lĩnh vực du lịch, dịch vụ; kèm theo đó là sự phát triển của các dự án hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở thương mại… Đặc biệt, việc nhiều công ty BĐS lớn, như: Vingroup, FLC, đầu tư vào Quảng Bình đã thu hút c các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngoài tỉnh quan tâm, đầu tư BĐS trên địa bàn, từ đó, thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh.

PV: Nhằm kiểm soát, bình ổn thị trường BĐS, Sở Xây dựng đã tham mưu tỉnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách như thế nào?

Ông Lê Anh Tuấn: Năm 2019, khi thị trường BĐS có xu hướng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hiện tượng “bong bóng” BĐS, tác động xấu đến nền kinh tế xã hội, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 6-6-2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh.

Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức các đợt kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của một số đơn vị môi giới, kinh doanh BĐS có dấu hiệu can thiệp, đầu cơ, thâu tóm thị trường làm cho thị trường có hiện tượng "sốt ảo", dễ nảy sinh hệ lụy không tốt.

Sở Xây dựng cũng đã tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ môi giới BĐS cho trên 80 cá nhân hành nghề môi giới trong và ngoài tỉnh, đưa hoạt động môi giới của các chủ thể đi vào nền nếp, góp phần cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.

Ngoài ra, công tác nắm bắt diễn biến thị trường để có hướng tham mưu về giá cả, nguồn cung sản phẩm đất nền đã được các cơ quan Nhà nước thực hiện khá tốt và luôn có sự điều tiết từ cơ quan Nhà nước về giá cả và nguồn cung; qua đó, góp phần hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ hiện tượng tăng đột biến của thị trường BĐS.

PV: Những năm gần đây, việc quy hoạch các dự án BĐS ở Quảng Bình có nhiều tín hiệu lạc quan, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ông Lê Anh Tuấn: Đối với việc thiết kế quy hoạch các dự án BĐS tại Quảng Bình, quan điểm nhất quán của tỉnh và Sở Xây dựng vẫn là ưu tiên giữ lại các không gian thoáng rộng, ao hồ mặt nước, đặc biệt, phải khơi thông các dòng chảy để tạo thành các "linh mạch" kết nối với các đô thị, kể cả việc phải xây mới các sông, hồ nhân tạo.

Quảng Bình đã rất thành công trong các dự án BĐS coi trọng các yếu tố này, như: Dự án khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo, Nam Trần Hưng Đạo, dự án khu dân cư ven sông Lệ Kỳ, dự án Bắc Lê Lợi, dự án nhà ở thương mại Đức Ninh Đông, dự án nhà ở thương mại Bắc Trần Quang Khải, dự án Nam Hùng Vương, Nam Bàu Ri…

Tuy nhiên, muốn đạt được các yếu tố bền vững phải xem xét tổng thể một loạt các giải pháp trong đó quy hoạch chi tiết các dự án BĐS phải hướng đến phát triển bền vững. Hiện nay, các đồ án quy hoạch với mục tiêu phát triển các dự án BĐS tại khu vực miền Trung nói chung và tại Quảng Bình nói riêng đang gặp phải vấn đề chung, đó là các chỉ tiêu về cây xanh trong các khu đô thị mới, các khu dân cư chưa được ưu ái và chỉ dừng lại ở mức đủ để đạt chỉ tiêu phục vụ 5-7m2/người.

Điều này dẫn đến tính tiện ích đô thị thấp, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai kém, các sản phẩm BĐS sẽ na ná nhau, không phong phú. Để phát huy tính bền vững cho các dự án, bản thân các dự án phát triển BĐS phải bổ sung các yếu tố tạo nên sự bền vững cho dự án của mình, giảm tỷ lệ đất ở, tăng tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong các khu nhà ở và xây dựng các công trình xanh….

Đối với đặc thù đô thị Quảng Bình, cần ưu tiên giải quyết các vấn đề về quy hoạch các trục đường rộng, có nhiều bãi đỗ xe trong các khu đô thị mới, tiết kiệm quỹ đất bằng việc phổ biến mô hình ở chung cư, xây dựng các hệ thống thoát nước lớn, kết nối các hồ, như: kênh Cầu Tây nối khe Đuyên-sông Lệ Kỳ, khơi mạch sông Cầu Rào lên đến KCN Tây Bắc Đồng Hới, xây dựng hệ thống kênh mương kết nối các hồ liên khu vực Hoàn Lão-Trung Trạch, kiến tạo các hồ mới ở Bảo Ninh, Dinh Mười; quy hoạch và ưu tiên xây dựng các khu công viên-cây xanh lớn, như: công viên trung tâm ven sông Cầu Rào, công viên ven đường Cao Thắng-Lộc Ninh...

Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai hiệu quả góp phần tạo quỹ đất, phát triển thị trường BĐS.
Công tác giải phóng mặt bằng được triển khai hiệu quả góp phần tạo quỹ đất, phát triển thị trường BĐS.

PV: Xu hướng phát triển của thị trường BĐS tại Quảng Bình và một số giải pháp để giúp thị trường ổn định, phát triển lành mạnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Thời gian tới, bên cạnh đất nền, nhiều loại hình BĐS mới bắt đầu hình thành sẽ góp phần đa dạng hóa thị trường BĐS và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Điều đó cho thấy, cùng với sự phát triển chung, BĐS Quảng Bình hứa hẹn nhiều tiềm năng cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm; mặt bằng giá cả được dự báo sẽ có sự tăng trưởng đều hàng năm ở mức từ 15%-25%.

Để thị trường BĐS Quảng Bình phát triển ổn định, lành mạnh, song song với việc tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Quảng Bình sẽ thông tin rộng rãi về tình hình thị trường BĐS trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất; thực hiện quy hoạch các khu vực phát triển đô thị và hạ tầng khu dân cư; làm tốt công tác định giá khởi điểm; quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty kinh doanh, môi giới BĐS…

Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng đầu tư thêm kinh phí để mang lại lợi ích bền lâu cũng như cuộc sống đích thực cho người sử dụng. Tuy nhiên, để chi phí không là rào cản, tỉnh cần xây dựng các cơ chế khuyến khích, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa làm gia tăng giá trị của các dự án BĐS. Được như vậy, thị trường BĐS Quảng Bình sẽ ngày càng phát triển bền vững, lành mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải (thực hiện)