Nỗ lực để Lệ Thủy là "miền quê đáng sống"

  • 08:49 | Thứ Sáu, 11/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Lệ Thủy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chương trình đã trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia. Đời sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Để thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Lệ Thủy đã sớm thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo (BCĐ) các cấp. BCĐ huyện phân công trách nhiệm cho các thành viên, phòng, ban, đơn vị phụ trách từng tiêu chí; phụ trách, chỉ đạo các xã còn nhiều tiêu chí chưa đạt và các xã còn yếu; lựa chọn khâu đột phá để tập trung chỉ đạo có hiệu quả.

Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM được triển khai sâu rộng đã khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể quần chúng nhân dân. Từ đó, bà con tích cực hiến đất đai, tài sản, đóng góp tiền, ngày công trong xây dựng NTM.

Hàng năm, BCĐ huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân; tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ vận hành chương trình từ huyện đến xã nhằm học hỏi những mô hình mới, cách làm sáng tạo của các địa phương khác.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Lệ Thủy đã xuất hiện ngày càng nhiều những khu vườn kiểu mẫu.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Lệ Thủy đã xuất hiện ngày càng nhiều những khu vườn kiểu mẫu.

Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các khâu quan trọng, nhất là về giao thông và các công trình phúc lợi gắn với đời sống người dân. Công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều mô hình sản xuất sử dụng công nghệ cao, các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị xuất hiện. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư tốt hơn, các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh nông thôn được bảo đảm, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới...

Tính từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt trên 734 tỷ đồng. Huyện đã có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 61,54%. Cuối năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 19 xã.

Bình quân mỗi xã đạt 15,88 tiêu chí/xã và phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt 17,16 tiêu chí/xã. Gần 10 năm qua, huyện đã bê tông hóa trên 91 km đường liên xã, 140 km đường liên thôn, 242 km đường ngõ xóm, 183 km đường nội đồng với 16 xã đạt tiêu chí giao thông; xây dựng được 97 km kênh mương, đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp hơn 250 công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất, đưa tiêu chí này đạt 25/26 xã.

Các tiêu chí liên quan đến xây dựng được quan tâm đúng mức. Hiện toàn huyện có 144 trường học được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đạt chuẩn quốc gia; xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 98 công trình nhà văn hóa, công trình thể thao xã, thôn. Nhiều chợ nông thôn đã được tu sửa, xây mới.

Huyện cũng đã lồng ghép các chương trình, nguồn vốn và tranh thủ sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để xóa nhà tranh, nhà tạm cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đến nay, đã có 23  xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư.

Đối với tiêu chí thu nhập, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng trong nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Từ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Toàn huyện đã có 21 xã đạt tiêu chí thu nhập. Số hộ nghèo giảm xuống còn 5,9%, lao động có việc làm đạt tỷ lệ 100%.

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy tâm sự: “Để cán đích NTM đúng lộ trình, xã đã chọn những tuyến đường cần ưu tiên để đầu tư, vận động nhân dân, doanh nghiệp cùng với Nhà nước chung tay xây dựng. Đồng thời, xã huy động nguồn vốn để tu bổ, xây dựng lại hệ thống trường học, nhà văn hóa thôn; vận động bà con trong xã tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, như: trồng rừng, chăn nuôi, phát triển các loại hình dịch vụ”.

Qua một thời gian triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, xã Trường Thủy đạt chuẩn NTM trước một năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3,8%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 7-9%, tổng thu nhập xã hội đạt 67 tỷ đồng/năm.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị địa phương.

Huyện xây dựng quy hoạch, đề án và lộ trình thực hiện chặt chẽ, khoa học, sát với tình hình thực tế; đồng thời, chú trọng việc huy động nguồn lực xã hội, nhất là nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, quản lý sử dụng đúng mục đích, dân chủ, công khai. Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết được tổ chức thường xuyên nhằm đúc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những sai sót, tồn tại, hạn chế và biểu dương khen thưởng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình”.

Từ kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Lệ Thủy phấn đấu đến năm 2030 có 100% các xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt NTM kiểu mẫu, 90% số bản được công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM. Hiện huyện đang tập trung chỉ đạo để phong trào xây dựng NTM bước lên tầm cao mới.

Trong đó, Lệ Thủy ưu tiên nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Mục đích cuối cùng là hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh để huyện Lệ Thủy trở thành “miền quê đáng sống”...

Xuân Vương