Có công mài sắt, có ngày nên... cơ nghiệp

  • 17:56 | Thứ Bảy, 19/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ít ai hình dung được chỉ cách đây vài năm về trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Giang và anh Nguyễn Thanh Bình ở xã Cự Nẫm (Bố Trạch) cơ cực, loay hoay giữa bộn bề cuộc sống. Vợ chồng chị Giang có lúc tưởng như phải "bỏ cuộc" trên đường mưu sinh, bởi hễ trồng cây gì, nuôi con gì, đổ bao công sức trên vùng đất đồi khô cằn, nhưng sắp đến kỳ thu hoạch, xuất bán thì thiên tai, bão lũ ập đến cuốn đi tất cả, khó chồng khó... Thế nhưng với ý chí, nghị lực miệt mài gây dựng, cùng với chịu khó học hỏi, đến nay, chị Giang đã tìm được hướng đi mới, trở thành giám đốc HTX dược liệu với nguồn vốn hàng tỷ đồng; đặc biệt đã tạo được sinh kế cho nhiều người dân địa phương.

Đất không phụ công người

Chị Nguyễn Thị Giang (sinh năm 1981) và anh Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1979) ở thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm. Hiện chị Giang là Giám đốc HTX dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm (HTX dược liệu).

Cây cà gai leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi vùng đồi khô cằn, thích ứng với biến đổi khí hậu, là hướng đi mới cho người dân phía Tây huyện Bố Trạch.
Cây cà gai leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi vùng đồi khô cằn, thích ứng với biến đổi khí hậu, là hướng đi mới cho người dân phía Tây huyện Bố Trạch.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa mới xây dựng, chị Giang kể: "Hai vợ chồng tôi từng có thời gian đi làm công lấy lương, người thì vào làm tận thành phố Đồng Hới, người thì làm ở xã Hưng Trạch. Vợ chồng, con cái xa cách, thiếu thốn tình cảm mà cuộc sống cũng không được no đủ. Trong lúc ở quê đất đai lại bỏ hoang. Nghĩ mãi, tôi và chồng quyết định về quê lập nghiệp".

Ban đầu, hai vợ chồng cũng trồng đủ thứ, như: ổi, keo, tràm hoa vàng..., chăm sóc các loại vật nuôi, như: bò, gà... "Nhưng điều kiện thời tiết vùng đất đồi nơi đây khắc nghiệt quá, mùa hè nắng nóng khô hạn, mùa thu đông đến thì mưa bão. Có vụ, vợ chồng chăm bẵm hết cách, sắp đến kỳ thu hoạch thì bão đến cuốn đi, thiệt hại nặng nề lắm. Không chỉ gia đình tôi mà người dân quanh vùng đều cùng chung cảnh ngộ", anh Bình nhớ lại.

Không chịu khuất phục, chị Giang, anh Bình quyết "thua keo này, bày keo khác". Họ trăn trở, tìm hiểu, đọc các loại sách báo, nghiên cứu về các giống cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng vùng gò đồi. Thế rồi  năm 2015, họ quyết định lựa chọn cây cà gai leo và đất đã không phụ công người khi loại cây dược liệu này phát triển, mang lại hiệu quả tích cực.

Thế nhưng, có vụ hăng hái sản xuất, thu hoạch dược liệu thô nhiều quá, xuất bán không hết, hoặc bị ép giá, ủ lại hàng tấn, bị hỏng... Chị Giang lại tiếp tục mày mò, tìm hiểu rồi vay mượn, tìm nguồn kinh phí đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị và nhân công để chế biến theo chuỗi khép kín và cho ra sản phẩm cao cà gai leo, lấy thương hiệu “Thanh Bình”.

Niềm tin tạo dựng cơ nghiệp

Chị Nguyễn Thị Giang tâm sự, niềm tin để HTX dược liệu tiếp tục sản xuất sản phẩm cao cà gai leo bắt đầu từ sự phản hồi tích cực của đa số các khách hàng khi sử dụng.

Anh Nguyễn Trường Chinh, ở xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch), cho biết, từ khi sử dụng cao cà gai leo Thanh Bình như một thức uống hàng ngày, anh thấy trong người khỏe hẳn, cảm giác nhẹ nhõm, ăn được, ngủ được, rồi mụn nhọt, mề đay trên người dần biến đâu hết và không tái phát.

"Không chỉ khách hàng trong tỉnh, trong huyện, một số khách hàng ở các tỉnh, như: Bình Dương, Điện Biên..., đều gọi điện đặt mua thêm và phản hồi rất tốt khi từng sử dụng sản phẩm cao cà gai leo", chị Giang cho biết thêm.

Dù đã tìm hiểu kỹ về cây cà gai leo và được nhiều nhà khoa học với các công trình nghiên cứu khẳng định, chị Giang, anh Bình cũng không thể ngờ được hiệu quả thực tế của loại dược liệu này.

Đặc biệt, cà gai leo còn là loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi vùng đất đồi khô cằn miền Trung; thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xói mòn và giữ được chất đất; cây dễ trồng, dễ chăm bón, chống chịu nắng nóng; thân leo thấp, là là mặt đất nên mưa bão cùng không làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của cây.

Từ 0,5 ha diện tích thử nghiệm ban đầu, đến nay, HTX dược liệu đã liên kết với 25 hộ dân trên địa bàn trồng trên 10 ha cây cà gai leo. Các cây đều đang sinh trưởng phát triển tốt; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với sản lượng 14 tấn thô/năm. Qua quy trình chế biến công phu, bảo đảm sạch, mỗi tấn dược liệu thô sẽ cho khoảng 1.500 lọ cao (dung tích 100ml), giữ nguyên giá trị dược liệu.

Ngoài sản phẩm cao cà gai leo, HTX của chị Giang còn trồng và sản xuất các loại dược liệu khác, như: cao lạc tiên dành cho người mất ngủ; cao lá vằng cho phụ nữ và viên tinh nghệ mật ong... HTXđã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh các loại sản phẩm.

HTX chị Nguyễn Thị Giang (đứng trước) đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị nấu cao hiện đại, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
HTX chị Nguyễn Thị Giang (đứng trước) đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị nấu cao hiện đại, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, HTX cũng đã ký kết nhiều hợp đồng cung cấp thức uống cho các văn phòng, trụ sở công ty, cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch và các hiệu thuốc tây tại Đồng Nai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Đến nay, sau những năm tháng miệt mài gây dựng, với số vốn ban đầu ít ỏi, HTX dược liệu do chị Giang làm chủ đã có nguồn vốn lên đến trên 2 tỷ đồng; cơ sở vật chất, như: máy móc thiết bị và nhà xưởng... trên 1 tỷ đồng.

Quan trọng hơn, HTX đã giải quyết việc làm cho người dân địa phương, với 30 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ, có mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, cây dược liệu cà gai leo còn là sự lựa chọn, trở thành hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng gò đồi phía Tây huyện Bố Trạch.

Với những sẻ chia tâm huyết đối với cộng đồng, HTX dược liệu đã chuyển giao thành công kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà gai leo cho các hộ dân ở xã Xuân Trạch, Hòa Trạch; đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích trồng cà gai leo và các cây dược liệu khác, như: lạc tiên, đinh lăng, thìa canh, chè vằng tại các xã Phú Định, Sơn Trạch...

Những người dân có tiềm năng về đất đai và nhu cầu sản xuất nhưng không đủ vốn sẽ được HTX ứng trước nguồn vốn và hỗ trợ giống cây trồng để tổ chức sản xuất. HTX thực hiện cam kết cùng các hộ sản xuất nhận cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

"Vì sự tin yêu, gắn bó và phản hồi tích cực của khách hàng với sản phẩm sạch cao cà gai leo Thanh Bình, thời gian tới, HTX dược liệu sẽ tiếp tục tạo niềm tin bằng cách chế biến, giữ vẹn nguyên những tinh túy từ thiên nhiên của cây cà gai leo và một số dược liệu quý khác...”, chị Nguyễn Thị Giang chia sẻ thêm.

Hương Trà