Chuyện quản lý:

Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn!

  • 08:24 | Thứ Tư, 02/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ hình thành 4 trung tâm du lịch, đó là: Phong Nha-Kẻ Bàng, Nhật Lệ-Bảo Ninh, Vũng Chùa-Đảo Yến, nghỉ dưỡng Bang và du lịch văn hóa, tâm linh phía Nam của tỉnh.

Trên cơ sở đó, xây dựng Quảng Bình là điểm đến du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đến năm 2020, lượng khách du lịch sẽ đạt 5,5 triệu lượt người.

Từ đó đến nay, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và nhân dân, lĩnh vực du lịch đã có những bước chuyển biến đáng khích lệ.

Sông Nhật Lệ qua góc nhìn từ đường bay ngắm cảnh Đồng Hới-Đà Nẵng.
Sông Nhật Lệ qua góc nhìn từ đường bay ngắm cảnh Đồng Hới-Đà Nẵng.

Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch đã không còn “ngủ yên” mà chuyển mình mạnh mẽ, gặt hái những thành quả đáng ghi nhận, khi lượng khách đến tỉnh ngày càng tăng, các loại hình du lịch, dịch vụ phát triển khá nhanh, nhiều đường bay mới khai trương..., kéo theo đó, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản. Chỉ tính riêng năm 2019, lĩnh vực du lịch đã mang đến những con số phấn khởi, như: 9 tháng đón 4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu khoảng 4.400 tỷ đồng.

Bên cạnh những “mùa quả ngọt” thì vẫn còn đó sự bộn bề, vì chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc mục tiêu 5 năm 2016-2020 về phát triển du lịch nhưng theo đánh giá thì cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch còn thiếu đồng bộ, sản phẩm du lịch còn ít so với tiềm năng; kỹ năng hướng dẫn, phục vụ của nguồn nhân lực còn yếu; vấn đề gìn giữ vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa được hiệu quả; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa có sự đột phá...

Thiết nghĩ, để phát huy thành quả, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực du lịch, có lẽ trên cơ sở thế mạnh hiện có (hang động, biển...), rất cần những hoạch định chính sách dài hơi với phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa"...

Mỗi địa phương nên hình thành các loại hình du lịch riêng có, tổ chức các lễ hội đan xen bổ trợ cho nhau, tránh tình trạng mùa cao điểm thì dư thừa lễ hội, nhưng đến mùa thấp điểm thì yên ắng không tạo được điểm nhấn ấn tượng...

Có thể thấy, những năm vừa qua, để thu hút được du khách thập phương vào mùa thấp điểm, một số cơ sở ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng đã phát triển các loại hình du lịch mới, đó là điều đáng khích lệ và nhân rộng.

Tuy nhiên, sẽ rất khó duy trì và phát triển nếu không có sự “điều hòa” của cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời với đó là vai trò của hiệp hội du lịch, có như vậy mới hạn chế hiện tượng phong trào kiểu như “anh có, tôi cũng có” trong lĩnh vực du lịch.

Hơn 365 ngày còn lại là quảng thời gian không còn dài của giai đoạn 2016-2020, tin rằng, lĩnh vực du lịch sẽ tiếp tục ghi dấu ấn về sự phát triển bởi các chính sách, sản phẩm mới để Quảng Bình thực sự là điểm hẹn không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước!   

Trần Minh Văn