Vững vàng Tây Trạch

  • 09:01 | Thứ Hai, 02/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là địa bàn vùng gò đồi nằm về phía Tây huyện Bố Trạch, xã Tây Trạch vốn có địa hình, đất đai, khí hậu không thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã luôn đoàn kết, khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn, tiếp tục đồng sức, đồng lòng, vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp.

Quá khứ hào hùng

Lật giở từng trang cuốn lịch sử Đảng bộ xã, ông Nguyễn Tiến Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tây Trạch nhắc về những hoạt động sôi nổi trên quê hương của những ngày thu tháng Tám năm 1945. Chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa của Tỉnh bộ Việt Minh, tại Bố Trạch, tối 21-8-1945, Huyện bộ Việt Minh triệu tập hội nghị cán bộ Việt Minh toàn huyện ở ga Kẻ Rấy.

Tây Trạch tận dụng từng tấc đất để sản xuất lúa.
Tây Trạch tận dụng từng tấc đất để sản xuất lúa.

Tại đây, hội nghị đã bàn bạc thống nhất kế hoạch tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện đường Hoàn Lão và Thanh Khê; huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia, lấy lực lượng tự vệ và các đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt. Trong đó, đội tự vệ xã Tây Trạch có các đồng chí: Dương Văn Chấn, Nguyễn Thúy, Lê Xàng, Hoàng Dược, Nguyễn Văn Chư, Dương Mại, Nguyễn Xuân Tho...

Đúng 1 giờ sáng 23-8-1945, lệnh khởi nghĩa được phát đi, đoàn quân khởi nghĩa tiến về Hoàn Lão rồi từ đây tỏa ra các hướng bao vây huyện đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, tự vệ và lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ huyện đường, bắt tri huyện và thu toàn bộ giấy tờ, đồng triện. Cờ đỏ sao vàng kéo lên khắp huyện đường.

Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như cả nước, cả tỉnh, Tây Trạch đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả của nạn đói năm 1945, phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang... Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tăng gia sản xuất! tăng gia sản xuất ngay! tăng gia sản xuất nữa!", cán bộ và nhân dân xã Tây Trạch đã tập trung vào hoạt động sản xuất, cải thiện đời sống.

Với khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng", đất hoang đều được nhân dân Tây Trạch khai phá, mở rộng thành đất sản xuất. Chỉ trong thời gian ngắn, Tây Trạch đã vượt qua khó khăn, cam go, đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng chính quyền, phát triển các tổ chức đoàn thể, thực hiện thành công nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Khi tiếng súng của thực dân Pháp vừa nổ trên đất Quảng Bình, nhân dân Tây Trạch già trẻ gái trai đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Cán bộ, lực lượng du kích và nhân dân Tây Trạch một lòng kiên trinh bám đất đất, bám làng chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kế thừa truyền thống của làng quê cách mạng, hàng trăm con em đã lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…

Ngày mới hôm nay

Trước khi chúng tôi về thăm Tây Trạch, lãnh đạo huyện Bố Trạch khẳng định: Tây Trạch hôm nay đã trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của Bố Trạch và hiện đang vững vàng phấn đấu xây dựng NTM nâng cao.

Tây Trạch hiện có 1.353 hộ với 5.416 nhân khẩu, sinh sống ở 9 thôn. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Tây Trạch đã thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường.

Vì vậy, những năm qua, kinh tế-xã hội của xã phát triển đáng kể, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Trạch đạt từ 12 đến 12,5%; tổng sản lượng lương thực đạt 2.000 đến 2.100 tấn/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đến nay còn 1,55%.

Ông Dương Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch dẫn chúng tôi đến thăm một số trang trại tổng hợp phát huy hiệu quả trên vùng đất cằn, cho biết: "Khắc ghi lời Bác Hồ dạy năm xưa, Đảng bộ, nhân dân Tây Trạch quyết tâm tận dụng lợi thế về nguồn đất đai để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Tây Trạch đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng 40% so với đầu năm 2016".

Ngoài việc vận động nhân dân không bỏ ruộng hoang và tận dụng từng tấc đất để sản xuất lúa, hiện Tây Trạch đầu tư 2 mũi nhọn trong phát triển kinh tế, đó là động viên người dân địa phương tham gia xuất khẩu lao động và mở rộng chăn nuôi kết hợp trồng trọt.

Mô hình chăn nuôi gà, bò trên đất trồng cao su của gia đình bà Hoàng Thị Iu, ở thôn 1 Võ Thuận là một điển hình. Bà Iu cho hay, trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo khó khăn. Nhà đông con, chồng mất sớm, một mình bà vất vả với cuộc sống mưu sinh. Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà đã mở rộng chăn nuôi trên đất trồng cao su.

Mô hình chăn nuôi gà, bò trên đất trồng cao su của người dân Tây Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi gà, bò trên đất trồng cao su của người dân Tây Trạch mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, trang trại của bà có quy mô hàng nghìn con gà thịt, gà đẻ trứng và hàng chục bò lai..., thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Gia đình bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định.

Ngoài chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Tây Trạch cũng tương đối phát triển. Nhiều người dân chịu khó làm thợ nề, sản xuất gạch block phục vụ xây dựng và mở rộng nghề buôn bán nhỏ.

Mặc dù là xã vùng gò đồi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, song chương trình xây dựng NTM ở Tây Trạch đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư cho các công trình trong lộ trình xây dựng NTM là 24,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 12,65 tỷ đồng.

Về đích NTM năm 2017, hiện Tây Trạch vẫn giữ vững các tiêu chí đạt được và đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt xã NTM nâng cao. Trong những tháng đầu năm 2019, Tây Trạch đã khởi công và hoàn thành đoạn đường nhựa đi từ xã đến Hòa Trạch với tổng trị giá 515 triệu đồng và tiếp tục đầu tư bê tông hóa các đoạn đường còn lại, đồng thời nâng cấp giao thông nội đồng...

Từ một xã có xuất phát điểm thấp, tiềm năng hạn chế, nhưng với định hướng đúng đắn, phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cần cù, chịu khó, của người dân, Tây Trạch hôm nay đã có những bước phát triển vững chắc và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, là một điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM.

Hương Trà