Mạng xã hội và xây dựng nông thôn mới: Cái "bắt tay" hiệu quả

  • 08:30 | Thứ Hai, 23/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong suốt lộ trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh, nhiều cách thức tuyên truyền đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của người dân, đưa nhiều vùng quê trở thành "mảnh đất đáng sống". Trong đó, cách thức truyền thông về xây dựng nông thôn mới qua mạng xã hội đang dần tạo được sự chú ý lớn trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ và những người con xa quê.

Trang Facebook "Đại Phong 1 làng quê" bấy lâu nay là địa chỉ tin cậy để con em thôn Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy) gửi gắm tình yêu quê hương, đặc biệt là những người con xa xứ.

Mới đây, các thông tin về lễ hội đua, bơi truyền thống trên sông Kiến Giang nhân dịp Quốc khánh 2-9 cũng được cập nhật đầy đủ, chi tiết, sinh động bằng hình ảnh, video clip… trên trang này và được đông đảo cộng đồng người Đại Phong trên mạng xã hội tích cực hưởng ứng, chia sẻ.

Các sản phẩm khởi nghiệp mới đều được giới thiệu rộng rãi thông qua mạng xã hội.
Các sản phẩm khởi nghiệp mới đều được giới thiệu rộng rãi thông qua mạng xã hội.

Ông Nguyễn Cao Tuấn, Trưởng thôn Đại Phong cho biết, thông qua trang Fanpage, các thông tin về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cũng được cập nhật liên tục, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, qua đó, góp phần kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, con em xa quê.

Chẳng hạn, những công trình dân sinh được các mạnh thường quân hỗ trợ xây mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp đều được công khai trên trang Fanpage, từ quá trình quyên góp, kế hoạch thực hiện cho đến khâu triển khai, hoàn thiện… Tất cả đều minh bạch, công khai, tạo niềm tin với người dân.

Ngoài ra, các hoạt động khác, như: khuyến học khuyến tài, giúp đỡ, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn… cũng được cập nhật thông tin, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Một số chủ trương, quy định mới của tỉnh, huyện… cũng thường xuyên được cập nhật, trao đổi. Có thể nói, trang Fanpage thực sự là một cầu nối liên kết người dân Đại Phong ở mọi miền đất nước.

Không chỉ gói gọn trong việc làng việc nước, mạng xã hội còn phát huy hiệu quả trong nhân rộng, tạo cơ hội phát triển cho các mô hình khởi nghiệp, tạo điều kiện giải quyết tiêu chí việc làm, thu nhập, hộ nghèo của mỗi địa phương.

Anh Hoàng Minh Tú, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp Lệ Thủy chia sẻ, nhờ trang Fanpage "Cộng đồng khởi nghiệp Lệ Thủy" trên mạng xã hội Facebook, các hoạt động của CLB được điều hành thống nhất, nhất quán, suôn sẻ và mang lại hiệu quả tích cực.

Được thành lập từ tháng 1-2019, trang Fanpage này không chỉ đơn thuần kết nối, chia sẻ thông tin với các thành viên CLB, mà còn tạo sự liên kết với lãnh đạo huyện, các ban, ngành, đoàn thể và cả mở rộng thị trường cho các sản phẩm của CLB.

Nhiều nông sản của thành viên CLB được các đối tác, công ty chú ý, tạo cơ hội, điều kiện để mở rộng thị trường, như: măng tây, nhút tép, hạt sen, khô cá lóc, khô cá nục… Fanpage "Cộng đồng khởi nghiệp Lệ Thủy" cũng là địa chỉ tin cậy để các thành viên CLB giới thiệu những sản phẩm, mô hình phát triển kinh tế mới, hoặc thăm dò thị trường, tìm hướng đi thích hợp. Các bài viết về những mô hình khởi nghiệp hiệu quả của Fanpage "Cộng đồng khởi nghiệp Lệ Thủy" có lượt truy cập lớn, từ 40.000-50.000 lượt xem.

Ngoài Fanpage này, CLB cũng thành lập thêm trang "Sản phẩm khởi nghiệp Lệ Thủy" để tăng cường sự kết nối, lan tỏa. Anh Hoàng Minh Tú hào hứng chia sẻ thêm, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người trẻ trong hành trình khởi nghiệp.

Thông qua mạng xã hội, các hoạt động của CLB Khởi nghiệp thanh niên Lệ Thủy được cập nhật liên tục đến các thành viên.
Thông qua mạng xã hội, các hoạt động của CLB Khởi nghiệp thanh niên Lệ Thủy được cập nhật liên tục đến các thành viên.

Thời gian tới, CLB sẽ nỗ lực phát huy hơn nữa hiệu quả của các trang mạng xã hội, đồng thời qua đó sẽ xác lập một thương hiệu riêng cho cộng đồng khởi nghiệp Lệ Thủy trên mạng xã hội.

Thực tế cho thấy, thông qua các trang mạng xã hội, nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới của các địa phương được triển khai minh bạch, công khai và tạo sự chú ý lớn, góp phần kêu gọi nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, đây chủ yếu mới là các hoạt động tự phát, chưa có sự quan tâm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Và chỉ có một số ít trang mạng xã hội được quan tâm, định hướng.

Chính vì vậy, nhằm phát huy tính hiệu quả của các trang mạng xã hội trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, rất cần sự quan tâm, chú ý của chính quyền địa phương, các cấp quản lý để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

Đồng thời, cũng rất cần những cuộc điều tra, nghiên cứu bài bản về tính hiệu quả của cách truyền thông này bên cạnh những phương thức tuyên truyền truyền thống, nhất là đối với người trẻ, để từ đó có những định hướng phát triển phù hợp.

Mai Nhân