Bảo vệ môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống: Hướng tới các giải pháp bền vững

  • 10:52 | Thứ Tư, 11/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, Quảng Bình hiện có 28 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận với trên 29.770 cơ sở sản xuất, thu hút trên 57.610 lao động tham gia. Các làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất ổn định đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển cũng đặt ra cho các làng nghề, làng nghề truyền thống Quảng Bình những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Vẫn còn những trăn trở…

Nằm cạnh Quốc lộ 1A, làng nghề truyền thống Mai Hồng (thuộc thôn 8, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch) vốn nổi tiếng với nghề rèn đúc truyền thống. Trao đổi với phóng viên, ông Châu Minh Vững, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 8 chia sẻ, những năm trước đây, 100% người dân làng nghề truyền thống Mai Hồng đều theo nghề rèn đúc.

Tên gọi “xóm lò rèn” hay biểu tượng hình bông lúa in trên mỗi sản phẩm nông nghiệp của HTX Mai Hồng thời kỳ đó đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân địa phương.

Đổi mới công nghệ sản xuất sẽ giúp các làng nghề bảo vệ môi trường bền vững.
Đổi mới công nghệ sản xuất sẽ giúp các làng nghề bảo vệ môi trường bền vững.

Tuy nhiên, đến nay, làng nghề này chỉ còn khoảng 45% hộ dân theo nghề truyền thống, số còn lại đã chuyển sang các ngành nghề dịch vụ. Cũng theo ông Vững, do quy mô sản xuất thu gọn và đặc biệt là các hộ dân đã cải tiến máy móc, dùng các sản phẩm inox để thay thế cho các vật liệu bằng gang, sắt… nên các nguy cơ ô nhiễm môi trường ở làng nghề trước đây, như: ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi..., cũng đã được hạn chế nhiều.

Tuy nhiên, do các hộ gia đình ở làng nghề truyền thống Mai Hồng chủ yếu tận dụng sân nhà để sản xuất cơ khí nên công tác kiểm soát khói bụi, nước thải, khí thải vẫn chưa được xử lý triệt để, nguồn nước thải chủ yếu vẫn được xả thẳng ra sông Lý Hòa.

Tại làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch), với việc sản xuất hàng chục nghìn cái bánh tráng mỗi ngày, vấn đề xử lý nước thải đang được người dân hết sức quan tâm.

Theo chị Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX làng nghề truyền thống Tân An, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tất cả nguồn nước trong quá trình làm bánh đều đã được người dân lọc lại và tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, riêng quá trình sản xuất bún phải sử dụng rất nhiều nước. Với thực tế làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung như hiện nay, việc xả thẳng nguồn nước thải ra hệ thống kênh, mương cũng là điều khiến các hộ dân nơi đây thực sự trăn trở.

Theo ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề trên địa bàn tỉnh ta tuy không thực sự “nóng” như nhiều địa phương khác trên cả nước nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề đáng quan tâm.

Với số lượng nhóm nghề phong phú, như: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, nghề làm hương, chổi đót, nước mắm, khoai deo, nón lá…, các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình đều sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu từ nông, lâm, thủy sản tại địa phương.

Quy mô các làng nghề còn nhỏ, giá trị sản xuất không lớn, các ngành nghề sản xuất ít có chất độc hại tác động đến môi trường nên việc xử lý môi trường chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác thu gom rác thải, xử lý để giữ gìn vệ sinh môi trường.

Cần cơ chế quản lý phù hợp

Hiện nay, công tác quản lý môi trường tại các làng nghề vẫn tồn tại nhiều bất cập do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất. Mặt khác, các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình nằm phân tán trong khu dân cư, nguy cơ ô nhiễm chỉ giới hạn trong phạm vi một khu vực thôn, làng, xã nên rất khó quy hoạch.

Các nguy cơ ô nhiễm về nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… đều cần phải được xử lý theo đúng quy trình với nguồn kinh phí đầu tư lớn trong khi đa số các hộ sản xuất tại làng nghề đều là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Kèm theo đó, hệ thống quản lý môi trường làng nghề còn hạn chế nên chưa có được những con số thống kê về tổng lượng cũng như tính chất của khí thải, nước thải và rác thải.

Ở góc độ quản lý nhà nước, theo ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương, một trong những giải pháp tối ưu để kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các làng nghề chính là việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung; đồng thời, tại các khu vực này, phải được quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường. Tuy nhiên, đây là giải pháp không thể làm được trong một sớm một chiều bởi nguồn kinh phí của tỉnh còn rất hạn hẹp.

Để bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề truyền thống được tốt hơn, trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường làng nghề để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ, ít có chất độc hại tác động đến môi trường.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Bình chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ, ít có chất độc hại tác động đến môi trường.

Thực tế thời gian qua, Trung tâm Môi trường nông thôn thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ tỉnh ta xây dựng mô hình “Nông dân chung tay bảo vệ môi trường làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới” tại làng nghề truyền thống nón lá Quy Hậu (xã Liên Thủy) và mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải, khắc phục ô nhiễm góp phần bảo vệ môi trường làng nghề truyền thống” tại các làng nghề ở xã Quảng Văn.

Các mô hình góp phần tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc quản lý, thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, sản xuất tại cộng đồng dân cư và làng nghề truyền thống.

“Hiện nay, địa bàn tỉnh ta không có làng nghề nào nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm được đưa vào Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 577/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Do đó, trước mắt, các làng nghề, làng nghề truyền thống cần nhân rộng các mô hình thực hiện xử lý môi trường có hiệu quả tốt; khuyến khích các làng nghề ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường; có cơ chế khuyến khích hình thành các hương ước, quy chế bảo vệ môi trường của các làng, xã để buộc mọi người lao động có trách nhiệm bảo vệ môi trường và giám sát bảo vệ môi trường.

Về lâu dài, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải theo quy trình; gắn công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống với chương trình xây dựng nông thôn mới và chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương”, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết thêm.

Thanh Hải