"Triệu phú" sứa biển

  • 07:55 | Thứ Bảy, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khởi nghiệp từ chiếc xe đông lạnh nhỏ, rong ruổi khắp các bãi biển thu mua sứa tươi đưa vào Quảng Trị bán, giờ đây chị Ngô Thị Điệp, ở thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung (huyện Lệ Thủy) đã trở thành “triệu phú” từ chế biến sứa. Cơ sở chế biến hải sản Khánh Điệp không chỉ là nơi thu mua sứa cho ngư dân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Chị Ngô Thị Điệp có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt toát lên vẻ bình dị, chất phác nhưng đầy bản lĩnh của người con gái miền biển. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lại đông con nên tuổi thơ của chị cũng là chuỗi ngày gian khó, vất vả cùng cha mẹ bươn chải kiếm sống dọc bãi biển quê hương. Lớn lên, lập gia đình, chị trở thành người phụ nữ tháo vát, bám biển buôn cá, tôm, cùng chồng gánh vác kinh tế lo cho các con ăn học.

Chị Ngô Thị Điệp kể, trước đây, sau mỗi mùa biển động, sứa theo sóng biển tấp vào bờ rất nhiều nhưng không ai quan tâm. Ngư dân đi tàu về bắt được sứa cũng chỉ đổ bỏ bởi không có ai thu mua.

Trong một lần chở cá vào Quảng Trị bán, chị biết được ở đây người ta thu mua sứa để chế biến xuất khẩu. Với bản tính nhanh nhẹn, chị nhanh chóng bắt được mối thu mua sứa của ngư dân trong thôn đưa vào nhập bán cho thương lái.

Sản phẩm sứa muối Khánh Điệp ngày càng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Sản phẩm sứa muối Khánh Điệp ngày càng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

“Nhu cầu bán sứa của ngư dân rất nhiều nhưng xe của gia đình nhỏ không thể chở hết. Thu mua sứa tươi chở đi nhập xa lại rất hao, nhiều khi lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều đêm, tôi luôn trăn trở mình phải làm gì đó để giúp ngư dân bán được sứa mà không phải chở đi nơi khác”, chị Điệp chia sẻ.

Nghĩ là làm, sau một thời gian tìm hiểu, chị đã liên kết với một chủ cơ sở chuyên chế biến sứa ở Thanh Hóa đưa máy móc, kỹ thuật vào mở xưởng ngay tại xã Ngư Thủy Trung. Những ngày đầu mở xưởng, người dân đến nhập sứa rất đông, có thời điểm xưởng không thể thu mua hết lượng sứa ngư dân đem đến.

Lúc này, chị Điệp nhận ra chế biến sứa không còn là công việc thời vụ mà có thể duy trì quanh năm, tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Chị đã mạnh dạn bàn với chồng đứng ra thành lập cơ sở chế biến sứa để phát triển kinh tế gia đình.

Lúc đầu, cơ sở chế biến sứa của gia đình chị chỉ thu mua sứa của ngư dân trong thôn bởi quy mô nhà xưởng còn nhỏ. Với mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, chị đã đứng ra vận động thêm 4 chị em thân thiết cùng thành lập cơ sở chế biến hải sản Khánh Điệp chuyên thu mua và chế biến sứa.

Sau khi cơ sở đi vào hoạt động ổn định, chị đã vận động bà con ngư dân đóng thêm ghe, thuyền khai thác sứa với lời hứa sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm của người dân. Kể từ đây, người dân xã biển Ngư Thủy Trung và các xã lân cận Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Bắc có thêm việc làm và thu nhập ổn định từ nghề khai thác sứa. Có những ngày được mùa biển, cơ sở của chị thu mua hàng chục tấn sứa. Chị cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm khách hàng tiềm năng để tiêu thụ hàng hóa sau chế biến.

Nhờ đó, công việc sản xuất chế biến sứa của chị gặp nhiều thuận lợi và ngày càng phát triển. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của chị chế biến, tiêu thụ 700-800 tấn sứa, sau khi trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng/năm. Không những vậy, cơ sở của chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 10-15 lao động tại địa phương, với thu nhập 200.000-300.000 đồng/ngày.

Với sự nỗ lực, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, chị Điệp đã biến sứa từ một món ăn dân dã trở thành đặc sản quê hương có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ðặt chữ tín lên hàng đầu, quá trình chế biến sứa, chị chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu lựa chọn nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến khâu đóng gói sản phẩm.

Mỗi năm, người dân chỉ thu hoạch sứa trong 3 tháng, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 hàng năm. Thời điểm này, cơ sở chế biến hải sản Khánh Điệp phải thuê thêm 20-25 công nhân mới có thể vừa thu mua sứa cho dân, vừa chế biến kịp thời để không làm mất vị tươi ngon của sứa. Chị trực tiếp hướng dẫn công nhân từng công đoạn trong quá trình chế biến sức. Sứa tươi thu mua về được cắt riêng các bộ phận chân, tay, bìa, rồi cho vào bể quay từ 8-10 giờ để tách dịch nhớt khỏi con sứa.

Sau đó, xả hết nước, cho nước ngọt vào quay trong 1 giờ nữa để làm sạch rồi đưa sứa ra bể muối. Sứa được ngâm muối, phèn trong khoảng 1 tuần. Khi nào nước ngâm sứa trở nên trong thì sứa chín có thể đóng gói và đưa đi phân phối tại các tỉnh thành trong cả nước.

Ngoài mở xưởng thu mua và chế biến sứa, cơ sở chế biến hải sản Khánh Điệp còn thu mua cá và ruốc biển (còn gọi là khuyết). Theo chị Điệp, từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, cơ sở sẽ tập trung thu mua cá của ngư dân để phân phối cho các chủ hàng ngoại tỉnh.

Thời điểm từ tháng 8 đến tháng10 là khoảng thời gian thu mua và bán khuyết biển. Vào những tháng được mùa, cơ sở chị bán ra 7-9 tấn cá/ngày, 30-40 tấn ruốc/ngày… cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

Không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình, chị còn tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chị em phụ nữ có nhu cầu học hỏi, tham quan cơ sở chế biến của mình. “Bản thân tôi luôn ý thức được việc phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình là rất cần thiết, làm giàu thì mới có điều kiện giúp đỡ những người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Hiện tại, tôi đang vận động thêm nhiều chị em cùng tham gia thành lập tổ liên kết chế biến hải sản nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ trên địa bàn”, chị Điệp bày tỏ.

Tuy mải miết với công việc làm ăn nhưng chị Điệp luôn quan tâm chăm lo cho gia đình, con cái. Các con chị đều chăm ngoan học giỏi. Công việc bận rộn nhưng chị Điệp vẫn nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động của địa phương, sống chan hòa, tình cảm và được bà con lối xóm yêu mến.

Lan Chi