Phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp: Hướng tới sự đồng bộ, hiện đại

  • 07:54 | Thứ Bảy, 31/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Với điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, Quảng Bình đang tranh thủ mọi nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại…

Quảng Bình hiện có 2 KKT và 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lập quy hoạch chi tiết xây dựng. Xác định việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các KKT, KCN là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, thời gian qua, Quảng Bình đã tranh thủ mọi nguồn vốn, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN.

Trong đó, công tác quy hoạch được chú trọng với việc tập trung hoàn thành các quy hoạch khu chức năng, bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch chung KKT, KCN và lợi ích của địa phương nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế -xã hội.

Năm 2010, hầu như chưa có quy hoạch quan trọng nào được phê duyệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN còn lạc hậu, cơ bản mới chỉ đầu tư tại KCN Cảng biển Hòn La và KCN Tây Bắc Đồng Hới. Vậy nhưng đến nay, Quảng Bình đã hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La với diện tích 10.000ha; Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Cha Lo với diện tích gần 55.000 ha và quy hoạch chi tiết 7/8 KCN với tổng diện tích khoảng 1.800 ha.

Một số KCN và khu chức năng trong KKT trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bước đầu hoàn thành các hạng mục thiết yếu, từ giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng hệ thống trục chính giao thông cho đến hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải...; qua đó đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN Quảng Bình được đầu tư theo hướng đồng bộ.
Hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN Quảng Bình được đầu tư theo hướng đồng bộ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh cho biết, hệ thống các KKT, KCN Quảng Bình có vị trí địa lý rất thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh; vừa phù hợp và gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế Đông-Tây, vừa bảo đảm liên kết hợp tác với các khu kinh tế khác trong khu vực, như: Lao Bảo, Cầu Treo (Quảng Trị), Vũng Áng (Hà Tĩnh)...

Sự kiện cầu Hữu Nghị III khánh thành nối liền Thái Lan-Lào với Quốc lộ 12A đã góp phần tạo thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh hạ tầng hành lang kinh tế Đông-Tây từ Cha Lo về đến Hòn La.

Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật các KKT, KCN của Quảng Bình vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng; cơ sở hạ tầng một số KCN, KKT chưa xây dựng đồng bộ; nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương.

Với thực tế đó, những năm qua, Ban quản lý KKT đã tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh để huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng KKT, KCN. Năm 2009, Ban quản lý KKT tỉnh đầu tư KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo với tổng số vốn 202,5 tỷ đồng. Đến nay, Ban đã đầu tư thêm tại KCN Bắc Đồng Hới, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KKT Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo với tổng số vốn 1.980 tỷ đồng.

Trong đó, riêng KKT cửa khẩu Cha Lo đã được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng tại Khu trung tâm cửa khẩu, khu vực Bãi Dinh với tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 450 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chủ yếu, như: san nền, đường giao thông nội vùng, kè, công trình cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà làm việc liên ngành tại cửa khẩu. KKT Hòn La đã được đầu tư trên 1.350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các công trình thiết yếu, như: KCN cảng biển Hòn La; KCN Hòn La II; hệ thống các đường trục kết nối trong KKT với các tuyến giao thông huyết mạch bên ngoài; nhà máy xử lý nước thải; đường nối KKT Hòn La với KCN xi măng tập trung Tiến Hóa-Châu Hóa-Văn Hóa... 

Nhằm phát huy hiệu quả hệ thống KKT, KCN, xứng đáng là “đầu tàu kinh tế”, Ban quản lý KKT tỉnh chú trọng công tác quy hoạch phát triển, mở rộng KKT, KCN trên cơ sở gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và cụm dân cư nông thôn.

Trong năm 2019, Ban quản lý KKT tỉnh tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp, gồm: hạ tầng khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ KKT cửa khẩu Cha Lo giai đoạn 2; công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo giai đoạn 2, nhà liên ngành và quốc môn KKT cửa khẩu Cha Lo... Hiện tại, các công trình cơ bản bảo đảm đúng tiến độ thực hiện dự án với số vốn bố trí năm 2019 là 46,7 tỷ đồng.

“Trên cơ sở tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn đầu tư nước ngoài, Ban quản lý KKT tỉnh sẽ tích cực kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh lĩnh vực hạ tầng, trong đó, ưu tiên việc cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, giao thông để đấu nối đồng bộ với hạ tầng bên ngoài; có cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu áp dụng các hình thức đầu tư đối tác công-tư PPP nhằm từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN theo hướng đồng bộ, bền vững, gắn với việc phát triển hệ thống tiện ích công cộng ngoài hàng rào KKT, KCN”, ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng Ban quản lý KKT tỉnh cho biết thêm.

Thanh Hải