Nghĩ khác… để khởi nghiệp

  • 09:16 | Chủ Nhật, 11/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong thời đại công nghiệp 4.0, nhiều bạn trẻ Quảng Bình đã mạnh dạn nghĩ khác, tìm những hướng đi hoàn toàn mới mẻ, độc đáo để khởi nghiệp. Đó có thể từ những ý tưởng ống hút tre, an toàn với môi trường và người sử dụng, từ những hạt sen truyền thống được khoác thêm "áo mới", hay những vật lưu niệm du lịch mang hồn cốt quê hương… Dù với hướng đi nào, mục tiêu chung của lớp thanh niên thế hệ mới chính là truyền cảm hứng, nhân rộng chí hướng làm giàu, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Gia đình trồng sen làm kinh tế từ cách đây 10 năm, nhưng mãi đến hơn 1 năm trở lại đây, ý tưởng “nâng tầm” giá trị của cây sen mới manh nha xuất hiện trong suy nghĩ của chàng trai trẻ Phan Thanh Sơn (SN 1993, thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch).

Các sản phẩm làm từ tre của A.M Farm rất được khách hàng trên thế giới ưa chuộng.
Các sản phẩm làm từ tre của A.M Farm rất được khách hàng trên thế giới ưa chuộng.

Từ thực tế hạt sen thô của gia đình mình và nhiều hộ gia đình khác trong thôn thường xuyên bị tư thương ép giá, điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp đi lặp lại, Sơn quyết tâm phải tiên phong xây dựng thương hiệu riêng cho sen quê nhà và thành lập tổ hợp tác sản xuất sen.

Mặc dù đã có việc làm ổn định tại một cơ quan Nhà nước, nhưng Sơn vẫn dành nhiều tâm sức để tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm từ sen, xu hướng thị trường, nhu cầu tiêu thụ... Xác định phải tạo được uy tín, xây dựng được thương hiệu mới có thể duy trì chỗ đứng trên thị trường, Sơn quyết tâm theo đuổi phát triển thương hiệu Sen Thanh Sơn.

Tiếp đó, Sơn mạnh dạn đầu tư các loại máy (máy bóc vỏ, máy đánh trắng, máy hút chân không…) để sản xuất các sản phẩm từ sen, như: hạt sen, trà tâm sen, trà lá sen, trà bông sen, bột sen nguyên chất...

Ngoài ra, yếu tố bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đẹp cũng được Sơn quan tâm chú trọng. Tín hiệu vui là các sản phẩm từ sen của Sơn rất được khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng dần từ trong xã, toàn huyện đến nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh. Vì vậy, bên cạnh lấy sen từ các hồ của gia đình, Sơn còn bao tiêu thêm sản phẩm của bà con.

Mùa hè năm nay, Sơn còn nhanh nhạy đầu tư thêm chòi lá, cầu tre cho đầm sen nhà mình để thu hút du khách gần xa đến tham quan, chụp ảnh, vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm từ sen, vừa tạo thêm thu nhập.

Thanh Sơn hào hứng chia sẻ, chỉ sau 1 năm đổi mới, doanh thu các sản phẩm từ sen đã tăng lên gấp 3 lần, thị trường mở rộng, không bị động vào tư thương nữa.

Sắp tới, Sơn sẽ mạnh dạn phát triển thêm một số sản phẩm mới từ sen như tơ sen để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nâng tầm một sản phẩm truyền thống quen thuộc không phải là việc dễ dàng, do đó, Sơn rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ thêm về nguồn vốn để đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại hơn, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Không phát triển sản phẩm truyền thống mà hoàn toàn đi theo một hướng đi mới, Hoàng Thị Thủy (SN 1989, Văn Thủy, Lệ Thủy) lại âm thầm xây dựng “thế giới riêng” của ống hút tre mang thương hiệu của Nông trại An Mã (Bamboo Straws from A.M Farm).

Cách đây ba năm, khi lang thang trên mạng tìm kiếm ống hút sữa phù hợp cho đứa con đầu lòng, Thủy bất chợt nhìn thấy thông tin về ống hút tre.

Lúc bấy giờ, phong trào sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong thực phẩm chưa rầm rộ như hiện nay. Nhưng, nhanh nhạy nhận thấy tiềm năng từ vật liệu có sẵn của địa phương và đón đầu xu hướng sử dụng vật liệu “xanh”, Thủy quyết tâm theo đuổi bất chấp sự hoài nghi của nhiều người thân. Thậm chí, Thủy cười lớn chia sẻ: “Chồng em cũng không hiểu vợ làm gì với từng ấy ống hút tre!”.

Một trong nhưng may mắn của Thủy là gặp được một chàng thanh niên người Anh cùng chí hướng. Chính đàn anh này đã hỗ trợ cho Thủy rất nhiều trong buổi đầu khởi nghiệp và nhất là tạo dựng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp ở châu Âu. Đó chính là lý do mà sản phẩm làm đến đâu, tiêu thụ đến đó và rất được khách hàng phương Tây đánh giá cao về chất lượng.

Tuy nhiên, như theo tâm sự của Thủy, sự ghi nhận này là kết quả của cả một quá trình dài miệt mài nghiên cứu, tìm hiểu và nhiều thất bại.

Ban đầu, Thủy đơn giản chỉ làm ống hút (lấy nguyên liệu chủ yếu từ Minh Hóa, Tuyên Hóa... và làm thủ công bằng tay đối với đa số công đoạn), sau đó, theo nhu cầu của khách hàng, Thủy nghiên cứu làm thêm túi đựng ống hút, cọ rửa...

Vừa sản xuất, vừa lắng nghe sự góp ý của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm, giờ đây, sản phẩm ống hút tre của AM Farm là đối tác của nhiều thương hiệu ống hút tre lớn trên thế giới, như: Jungle Straws (Anh), Little Green Panda (Úc), Green Panda (Pháp), Bambustro (Bỉ)... Thủy cho biết, sản phẩm có thị trường phân phối chủ yếu ở thị trường nước ngoài, nhất là thị trường châu Âu.

Đồng thời, Thủy cũng sử dụng nhiều lao động địa phương trong tất cả các công đoạn sản xuất. Trong thời gian tới, Thủy có kế hoạch mở rộng phát triển một số sản phẩm từ tre, như: cốc tre, bình đựng trà, đồ lưu niệm bằng tre...

Nguồn vốn tích lũy từ sản xuất ống hút tre được Thủy dành cho một chiến lược dài hơi hơn: xây dựng nông trại sạch An Mã (A.M). Thủy chia sẻ, trang trại được phát triển theo hướng sẽ phục vụ cho du lịch trải nghiệm, mọi sản phẩm đều tự cung tự cấp, bảo đảm tiêu chí an toàn, sạch và thân thiện môi trường.

Đa dạng hóa các sản phẩm từ sen góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở Quảng Phương.
Đa dạng hóa các sản phẩm từ sen góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn ở Quảng Phương.

Hiện tại, Thủy đang triển khai giai đoạn đầu là quy hoạch, cải tạo, định hình và trồng sim. Trong tương lai, trang trại hứa hẹn sẽ là điểm đến sinh thái hấp dẫn cho khách du lịch thập phương và người bản địa.

Anh Hoàng Minh Tú, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp thanh niên huyện Lệ Thủy cho biết, những ý tưởng độc, lạ trong khởi nghiệm như của Hoàng Thị Thủy là một trong những thế mạnh của CLB.

Vì vậy, CLB luôn nỗ lực hỗ trợ tích cực cho các thành viên để biến ý tưởng thành hiện thực, đồng thời tạo mọi điều kiện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Mới đây, nhân sự kiện Lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vào dịp Quốc khánh 2-9 sắp tới, CLB đã phối hợp với anh Châu Ngọc Toàn sản xuất thử nghiệm các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch độc đáo (mõ tre và mô hình thuyền bơi), thu hút sự quan tâm chú ý của khách hàng. Đây sẽ là sản phẩm lưu niệm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống, có bản sắc độc đáo riêng và là tặng phẩm ý nghĩa cho du khách gần xa.

Thực tế cho thấy, dù khởi nghiệp theo hướng đi nào, yếu tố quyết định vẫn nằm ở chính bản lĩnh, ý chí quyết tâm, dám dấn thân của người trẻ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Chính vì vậy, rất cần thêm nữa những cơ chế, chính sách, chiến lược phù hợp, sát thực tiễn để hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, từ đó, các ý tưởng mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Mai Nhân