Giúp nhau thoát nghèo từ mô hình nuôi thỏ

  • 10:27 | Thứ Năm, 29/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm gần đây, một số nông dân tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn đưa các loại cây, con giống mới về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập, từng bước nâng cao đời sống và góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, mô hình nuôi thỏ là một ví dụ điển hình.

Đến thôn Tân Lực, xã Tân Thủy không khó để tìm được trang trại muôi thỏ của anh Nguyễn Danh Hiếu. Năm 2014, nhờ học được phương pháp nuôi thỏ từ các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã đầu tư chuồng trại để thực hiện mô hình nuôi thỏ.

Đến nay sau, hơn 5 năm, trang trại của anh đã có trên 2.000 con thỏ, chủ yếu là thỏ mắt hồng New Zealand, trong đó có hơn 300 cặp thỏ sinh sản. Nhờ có kiến thức, thực hiện nuôi theo chu trình khép kín, từ khâu con giống đến khi xuất bán, lại biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh, nên đàn thỏ của anh phát triển tốt.

Ngoài bán thỏ con, thỏ thịt, anh còn bán thỏ giống cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Tùy theo lượng thỏ bán ra, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 10 triệu đồng.

Nuôi thỏ giúp nhiều hộ nông dân xã Tân Thủy tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nuôi thỏ giúp nhiều hộ nông dân xã Tân Thủy tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Hiếu cho biết: “Thỏ là loại gặm nhấm rất ít bị dịch bệnh và dễ nuôi. Có thể tận dụng nguồn thức ăn rau, cỏ tại chỗ, kết hợp với cám, ngô. Sau khi nuôi từ 3 đến 3,5 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg và có thể xuất bán với giá bình quân 70-80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 50-60 nghìn đồng/con.

Đặc biệt, thỏ đến tuổi sinh sản cứ sau 30-35 ngày sẽ đẻ một lứa, mỗi lứa trung bình từ 7-8 con. Điều quan trọng nhất khi nuôi thỏ là chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo. Đồng thời, người nuôi phải chú ý tách thỏ mới sinh với thỏ mẹ để bảo đảm môi trường sạch sẽ cho thỏ con; tiêm phòng đúng giai đoạn; giữ ấm chuồng trại về mùa đông, thoáng mát trong mùa hè…”.

Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi thỏ của anh Hiếu đã được nhiều tổ chức, cá nhân tới thăm quan học tập kinh nghiệm và mua giống. Hội Nông dân huyện và các cơ sở hội đã chủ động đưa hội viên tới tham quan, học tập kinh nghiệm. Nuôi thỏ đã mang lại cho anh một cuộc sống khá giả với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Tương tự, với trên diện tích gần 50m2, gia đình anh Trần Hữu Toản, thôn Tân Thái, xã Tân Thủy cũng đã xây dựng khu chuồng trại với các ô nuôi thỏ. Để dễ quản lý và chăm sóc, trên mỗi ô, anh đều đánh dấu theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển của thỏ. Hàng ngày, anh vệ sinh chuồng trại để tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nhờ đó, đàn thỏ phát triển rất tốt.

Anh Toản cho biết: "Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa biết đầu ra như thế nào nên gia đình tôi chỉ mua 2 cặp thỏ giống. Thấy thỏ dễ nuôi, phát triển tốt lại hút hàng nên gia đình tôi mạnh dạn mua thêm 7 cặp thỏ giống về chăn nuôi. Từ ngày nuôi thỏ đến nay, kinh tế gia đình tôi chuyển biến rõ rệt”. Với mức giá  bán 70.000-80.000 đồng/kg đối với thỏ thịt, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông có được khoản thu nhập đáng kể.

Với nhiều ưu điểm, như: dễ nuôi, có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ rộng, nghề nuôi thỏ được nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Thủy triển khai để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Dương Đức Hoãn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy cho biết, thời gian qua, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tận dụng tối đa các điều kiện về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Trong đó, mô hình nuôi thỏ bước đầu đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Nếu giá cả thị trường tiếp tục ổn định, nuôi thỏ sẽ giúp bà con xóa nghèo, làm giàu hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, theo dõi tiêm phòng dịch bệnh cho đàn thỏ thường xuyên được xã quan tâm.

Hiện nay, trong khi các loại vật nuôi khác đang gặp khó khăn về dịch bệnh, đầu ra thì mô hình nuôi thỏ đã và đang mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn xã, qua đó, góp phần mở rộng loại hình chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, từng bước xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, để nuôi thỏ đạt được thành công, thực sự là hướng đi đúng, ngoài đầu tư mở rộng quy mô nuôi thỏ, việc tìm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm cần được các hộ nông dân tính toán kỹ lưỡng.

Phạm Hà