Gạch không nung-chất lượng, hiệu quả- Bài 1: Bước "quá độ" đầy cam go

  • 08:43 | Thứ Hai, 12/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (GKN) đến năm 2020, ngày 25-6-2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1449/QĐ-UBND về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bắt đầu từ năm 2016 trở đi, 100% công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở tỉnh ta đều bắt buộc xây bằng gạch không nung. Quá trình chuyển đổi từ vật liệu truyền thống sang GKN trong thực tế phát sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, chất lượng GKN đang là câu hỏi chưa tìm ra lời giải thỏa đáng khi thời gian gần đây hàng loạt công trình sử dụng GKN có dấu hiệu nứt nẻ, đứt gãy…

Ông Hoàng Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Xây dựng ví GKN là một “đứa con sinh sau đẻ muộn” trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. “Mặc dù có rất nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, giá thành giảm, dễ thi công… nhưng từ khi xuất hiện trên thị trường đến nay, GKN chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng vật liệu xây dựng. Nếu không có sự “nâng đỡ” từ cơ chế, chủ trương của nhà nước, GKN sẽ khó cạnh tranh.

Hiện tại, GKN đang đối mặt với tranh cãi về chất lượng khi nhiều công trình sử dụng loại vật liệu này xuất hiện dấu vết nứt nẻ, đứt gãy không quy luật”. Xem ra bước "quá độ" của GKN vẫn tiếp tục đầy những cam go.

“Bà đỡ” cho GKN

Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 8-12-2017 của Bộ Xây dựng, Quyết định 1449/QĐ-UBND và các văn bản liên quan về chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 được xem là “bà đỡ” của GKN. Nếu không có sự “bảo hộ” của nhà nước, chắc chắn GKN sẽ khó lòng cạnh tranh với gạch truyền thống.

Quyết định số 1449/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phát triển vật liệu không nung đến năm 2020 và lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, quy định tất cả các công trình sử dụng vốn nhà nước như trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học… bắt buộc phải sử dụng GKN.

Các công trình xây dựng ở huyện Quảng Ninh sử dụng gạch không nung.
Các công trình xây dựng ở huyện Quảng Ninh sử dụng gạch không nung.

Lộ trình thực hiện như sau: đến năm 2015, sản xuất đạt 60 đến 80 triệu viên/năm, chiếm 18 đến 25% so với vật liệu xây; đến năm 2020 đạt từ 120 đến 160 triệu viên/năm, chiếm từ 30 đến 40% so với vật liệu xây.

Tại các đô thị loại III phải sử dụng 100% GKN từ năm 2014; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% GKN; sau năm 2015, tất cả đều sử dụng GKN. Theo lộ trình này, bắt đầu từ tháng 6-2016, các đô thị, như TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn, TT. Kiến Giang, TT. Hoàn Lão, TT. Đồng Lê đều sử dụng 100% GKN tại tất cả các công trình có vốn nhà nước.

Qua hơn 5 năm thực hiện Quyết định 1449/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở sản xuất GKN đủ tiêu chuẩn, được phép cung cấp GKN cho thị trường, công suất trên 160 triệu viên/năm.

Bài toán chất lượng công trình sử dụng GKN

Quá trình sử dụng GKN cho các công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều luồng dư luận xung quanh các hiện tượng nứt nẻ, đứt gãy không theo quy luật. Những hiện tượng này xuất hiện ở thời điểm hoàn thành xong phần thô, chuyển sang tô trát tường từ 10 đến 15 ngày, các vết nứt chân chim, vết rạn, đứt gãy tập trung ở khu vực nách cửa, nơi tiếp giáp với dầm bê tông, trụ cột, góc tường…

Năm 2018, khi dư luận phản ánh về hiện tượng nứt nẻ của các công trình sử dụng GKN, Sở Xây dựng đã cho thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng là “Chưa có cơ sở kết luận việc sử dụng GKN gây nứt như phản ánh”.

Bước sang năm 2019, hàng loạt công trình sử dụng GKN lại có “triệu chứng” nứt nẻ, đứt gãy. Chủ các đơn vị thi công nghi ngờ chất lượng GKN là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Ở đây, có thể loại trừ yếu tố đơn vị thi công làm dối, làm ẩu, “rút ruột” công trình vì các công trình phân bố nhiều địa bàn khác nhau, không phải một đơn vị, doanh nghiệp đảm nhận.

Công trình nhà đa chức năng, Trường THCS TT. Quán Hàu (Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư trên 7 tỷ đồng, khởi công từ năm 2017, dự kiến hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng cho năm học mới 2019-2020. Trong quá trình nghiệm thu kỹ thuật vào tháng 5-2019 đã phát hiện nhiều vết nứt kéo dài dọc các bờ tường cả bên trong lẫn bên ngoài, nhiều nơi vết nứt chạy dài từ 1 đến 2m. Sau khi phát hiện ra sự cố này, đơn vị thi công tiến hành khắc phục, xử lý bằng cách đục các vết nứt, lấy hỗn hợp xi măng cùng phụ gia trám lại.

Tương tự, công trình Điểm trường mầm non Hạ Vàng, Trường mầm non Sơn Trạch có tổng kinh phí xây dựng 8 tỷ đồng gồm 8 phòng học 2 tầng, khởi công năm 2018, dự kiến đưa vào sử dụng năm học mới 2019-2020. Qua kiểm tra kỹ thuật trước khi bàn giao công trình, phát hiện thấy nhiều vết nứt kéo dài dọc các bức tường cả bên trong lẫn bên ngoài. Tất cả 8 phòng học đều có vết nứt, các vết nứt không theo quy luật cụ thể, nhiều vệt dài đến 2m.

Kỹ sư xây dựng Trần Lích, Phụ trách Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bố Trạch lý giải: “GKN là vật liệu xây dựng mới, đòi hỏi quy trình xây dựng phải có tiêu chuẩn riêng, trong lúc đó đội ngũ thợ xây Quảng Bình phần lớn trưởng thành từ thực tiễn, không qua trường lớp đào tạo, không được bồi dưỡng các quy chuẩn xây GKN. Đơn cử trong sử dụng GKN có áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9377-2:2012 do Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng biên soạn quy định cho giai đoạn tô trát.

Theo đó, quá trình tô trát ở những vị trí xung yếu như khe, nách tường hay bị co giãn, các mảng tường lớn đều phải gia cố bằng lưới thép hoặc lưới thủy tinh chống nứt nẻ, đứt gãy. Nếu chúng ta được phổ biến rộng rãi kỹ thuật xây dựng GKN theo đúng tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9377-2:2012 chắc chắn sẽ hạn chế hiện tượng nứt nẻ, đứt gãy của các công trình sử dụng GKN trên địa bàn”.

Ngô Thanh Long

Bài 2: “Minh oan” cho chất lượng gạch không nung!