Chuyện quản lý:

Nông thôn mới nhưng…"già"?!

  • 08:31 | Thứ Hai, 19/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - 1. Để đáp ứng tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, một xã ở huyện nọ "phải" thành lập 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải đặt ra là nguồn nhân lực cho HTX, bởi trên thực tế, số lao động ở lứa tuổi dưới 25, hoàn thành lớp 12 trên địa bàn đếm đi đếm lại cũng chỉ có trên dưới 50 người, số còn lại đã đi xuất khẩu lao động hoặc vào Nam, ra Bắc làm ăn xa. Vậy là cả hai HTX đều có giám đốc trên 70 tuổi và 55 tuổi. Ban giám đốc, hội đồng quản trị, ban kiểm sát viên cũng từ 60 tuổi trở lên.

Vị Phó Chủ tịch UBND xã bày tỏ lo ngại, với nguồn nhân lực "già" như vậy, nhiều hoạt động của HTX sẽ gặp khó vô cùng, nhất là trong các khâu đòi hỏi sự trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm, như: tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ cao…

Mặc dù các bác, các ông rất nhiệt huyết, có kinh nghiệm, nhưng quả thực để phát triển các chuỗi sản xuất theo hướng giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường không phải là việc dễ dàng. Thậm chí, mới đây, với nguồn hỗ trợ của huyện để xây dựng chuỗi giá trị cho một nông sản truyền thống địa phương, khi được chính quyền xã giao công việc, 1 HTX đã từ chối bởi "sợ làm không nổi"... Chính quyền xã phải tích cực vận động, hứa hỗ trợ hết sức thì HTX mới đồng ý trong âu lo (?!).

2. Cũng ở một xã đã đạt nông thôn mới (ngay ở trung tâm một huyện nọ), thực trạng chung diễn ra là cả Bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã đều không biết soạn thảo văn bản bằng máy tính, còn để tìm đọc thông tin trên Internet cũng phải cần có người hướng dẫn "tận tình".

Thành ra chiếc máy tính để trong phòng làm việc cũng chỉ… như "minh họa" mà thôi và khá vất vả cho đội ngũ làm công tác hành chính bởi phải "toát mồ hôi" gõ lại văn bản mỗi khi có việc "sếp" nhờ.

Được biết, chỉ còn một vài năm nữa là các lãnh đạo này sẽ kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng, khi được hỏi tại sao những việc đơn giản như soạn thảo văn bản bằng máy tính hay sử dụng Internet lại không thể học, các vị đều cho rằng: "Thôi, mình già rồi, để lớp trẻ sau lên làm sẽ biết thôi", vậy mà có cán bộ cũng đã gần hết 2 nhiệm kỳ. Trong suốt thời gian đó, tại sao họ không thể bỏ một chút thời gian để học, bởi sự trì trệ, bảo thủ của "tuổi già" hay tâm lý "làm sếp" trông chờ, ỷ lại?

Rõ ràng, tình trạng "già" từ lớp người lao động đến lãnh đạo đang là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh ta. Không ít địa phương gặp khó trong phát triển nguồn nhân lực để mở rộng các mô hình sản xuất chứa hàm lượng công nghệ cao, các HTX, tổ hợp tác kiểu mới năng động sáng tạo…

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, như: đô thị hóa nông thôn, sự chuyển dịch lao động…, còn đó một số nguyên nhân chủ quan của chính địa phương và người lao động (sự trì trệ lạc hậu, ngại đổi mới, trong chờ nguồn nhân lực bên ngoài…).

Chính vì vậy, để nông thôn mới phải thật sự "mới" từ nội dung đến hình thức, từ cảnh quan, môi trường sống đến con người, trong khi chờ đợi những chính sách, hướng đi mới của cấp trên để giải quyết sự "già" hóa nông thôn, việc cần làm ngay của mỗi địa phương là xem xét nguồn nhân lực một cách thấu đáo, có kế hoạch, hướng đi cụ thể trong sử dụng và phát triển lao động nông thôn, đồng thời tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", vội vàng trong sử dụng lao động dẫn đến các hệ lụy buồn.

Quảng Hạ