.

Quy hoạch biển Nhật Lệ: Mạnh dạn trước khi quá muộn!

.
08:10, Thứ Bảy, 06/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với mục đích trả bãi biển lại cho người dân, đồng thời, tạo dựng công viên cây xanh phục vụ cộng đồng, tỉnh Bình Định đã có chủ trương di dời các nhà hàng phía bãi biển vịnh Quy Nhơn, trong đó có 3 khách sạn trị giá nghìn tỷ đồng. Ở dải đất miền Trung đầy nắng và gió, Quảng Bình có sự tương đồng với nhiều bãi biển đẹp, như: Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Ninh, Đá Nhảy... Vậy nhưng, quá trình đô thị hóa dường như bóp nghẹt không gian biển làm ảnh hưởng nhu cầu thụ hưởng du lịch của du khách thập phương...

Bãi biển Nhật Lệ là danh thắng đã in dấu trong lòng du khách trong và ngoài nước không chỉ với bãi cát trắng, sạch sẽ, hải sản thấm đậm vị mặn mòi của biển mà còn gắn với di chỉ Bàu Tró-một trong những nơi phát tích của người Việt cổ.

Các cơ sở kinh doanh án ngữ trước bãi biển Nhật Lệ, phía Đông đường Trương Pháp, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới.
Các cơ sở kinh doanh án ngữ trước bãi biển Nhật Lệ, phía Đông đường Trương Pháp, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới.

Cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, người dân ngày càng có “của ăn của để” nên nhu cầu thụ hưởng đời sống ngày càng cao, trong đó có nhu cầu du lịch.

Do vậy, các bãi biển trên địa bàn tỉnh đón nhận ngày một nhiều hơn du khách thập phương đến nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm..., phù hợp với xu hướng du lịch là kinh tế mũi nhọn. Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn, đường sá... ở các bãi biển đua nhau mọc lên, nhất là ở Nhật Lệ, Bảo Ninh, Đá Nhảy.

Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, xây dựng, có thể các cơ quan chức năng chưa định hình được sự phát triển nhanh chóng của du lịch biển nên hiện tượng xé nhỏ, manh mún, bê tông hóa... ở các bãi biển vẫn xảy ra.

Quá trình này đã trở thành "phong trào", trong khi đó, cơ quan quản lý chú trọng số lượng chứ không phải chất lượng cơ sở dịch vụ du lịch nên không gian biển bị bóp nghẹt, du khách và người dân khi đến biển Nhật Lệ dường như lạc vào “ma trận” hàng quán hai bên đường Trương Pháp (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới).

Chính vì sự quy hoạch theo kiểu “đo bò làm chuồng” nên vào mùa du lịch cao điểm, tuyến đường Trương Pháp ken đặc xe cộ từ cầu Hải Thành đến tận giáp xã Quang Phú. Không có bãi đậu xe, nên mọi người trưng dụng luôn lòng đường, vỉa hè để đậu đỗ, đón trả khách, khiến người đi bộ không còn không gian di chuyển, các phương tiện lưu thông buộc phải phạm luật, làm mất an toàn giao thông trong khu vực này.

Anh Mai Đức Thành, một du khách ở Hà Nội cho biết, bãi biển Nhật Lệ rất đẹp, hải sản ngon nhưng nơi đây quy hoạch chưa hợp lý nên hàng quán, phương tiện đậu đỗ... làm bó hẹp không gian biển.

Giá như Quảng Bình mạnh dạn quy hoạch lại bãi biển Nhật Lệ để đưa hàng quán về phía Tây đường Trương Pháp, không cấp phép xây dựng thêm nhà hàng, khách sạn còn phía Đông dành bãi biển cho cộng đồng.

Khi đó, giá trị nhận được sẽ lớn hơn vì không gian biển được mở rộng, đồng thời, bảo tồn rừng dương mẹ Nghèng để làm công viên sinh thái thay vì chặt hạ khi xây dựng các công trình bê tông cốt thép.

Ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng ban quản lý các bãi tắm biển cho hay, hiện tại, ở bãi biển Nhật Lệ và Bảo Ninh có 40 cơ sở dịch vụ ẩm thực cố định, 60 hàng quán và 30 cơ sở dịch vụ khác, riêng các khách sạn bên kia đường Trương Pháp đơn vị không quản lý.

Quy hoạch ở bãi biển Nhật Lệ đến nay đã bộc lộ sự bất hợp lý, lạc hậu, không đồng bộ khi không “đón” được nhu cầu phát triển, trong đó, bức bối nhất là việc bố trí hợp lý nhà vệ sinh công cộng.

Nên chăng quy hoạch lại một số điểm hàng quán ở phía Đông, bởi vì phía Tây đường Trương Pháp nhà nước đã cho thuê đất nên cơ hội rất ít cho người bản địa? Có lẽ, nên xây dựng các mô hình hàng quán đơn giản theo từng điểm như ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) để tạo không gian và đáp ứng nhu cầu hóng mát của du khách.

Về lâu dài, các bãi biển phải có quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng, như: điện nước, đường sá, điểm thu gom rác thải, điểm đậu đỗ xe... Nhưng quan trọng nhất là để có những bãi biển đẹp thu hút du khách, cần có những nhà quy hoạch có tầm nhìn và tâm, ông Tiến cho biết thêm.

Hàng quán bày bán trên vỉa hè đường ven sông Nhật Lệ, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.
Hàng quán bày bán trên vỉa hè đường ven sông Nhật Lệ, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Tương tự như ở bãi biển Nhật Lệ, vỉa hè của tuyến đường ven sông từ cầu Nhật Lệ 1 đến Nhật Lệ 2 ở xã Bảo Ninh cũng có nguy cơ bị hàng quán lấn chiếm làm nơi buôn bán làm tuyến đường nhách nhác, mất vệ sinh và ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Hiện tượng này phát sinh khiến không gian vãn cảnh Đồng Hới về đêm của du khách bị bó hẹp, đồng thời mất đi hình ảnh thành phố du lịch của Đồng Hới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, tuyến đường ven sông Nhật Lệ đang chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 để hoàn thiện hệ thống thoát nước, lan can..., nên các hàng quán bày bán trên vỉa hè là tạm thời, trong khi chính quyền không cho phép.

Tuyến đường này có vỉa hè phục vụ du khách ngắm cảnh, hiện vốn đầu tư đã có sẵn nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, các nhà máy sản xuất đá lạnh sẽ được di dời lên khu hậu cần nghề cá. Khi tuyến đường hoàn thiện sẽ trở thành điểm nhấn của TP. Đồng Hới, phát triển kinh tế du lịch về phía Đông, mà bán đảo Bảo Ninh là phần lõi trong chiến lược này.

Với gần 120km bờ biển, trong đó các bãi biển đẹp được ví như là trái tim của du lịch biển, do vậy, Quảng Bình rất cần một “tổng đạo diễn” phát huy nguồn tài nguyên này cũng như chú trọng xây dựng ý thức cộng đồng cùng tham gia để du lịch biển không chỉ là tiềm năng, thế mạnh... như bấy lâu nay!

Trần Minh Văn

,