.

Quả ngọt trên đất cằn

.
16:52, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Bố Trạch hôm nay không chỉ nổi tiếng là quê hương miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, với dòng Son thơ mộng trên bến dưới thuyền và thắng cảnh Đá Nhảy… thu hút hàng vạn du khách, mà còn có những cánh đồng màu mỡ, những gò đồi tiềm năng cho mùa quả ngọt từ chủ trương phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 
Gieo mùa quả ngọt
 
Với 28 xã, 2 thị trấn, Bố Trạch có diện tích tự nhiên rộng, địa hình đa dạng với đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển. Toàn huyện có 195.760 người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.
 
Nhờ những chủ trương đúng đắn, phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa hình, đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bố Trạch đã phát huy tiềm năng đất đai, từng bước phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người dân.
Trồng, chăm sóc và thu hoạch sâm Bố Chính của Công ty Tuệ Lâm tại Bố Trạch.
Trồng, chăm sóc và thu hoạch sâm Bố Chính của Công ty Tuệ Lâm tại Bố Trạch.
“Trong những năm qua, cùng với bao trăn trở, vận dụng linh hoạt các chương trình, dự án, huyện Bố Trạch đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư, giúp người nông dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả để đưa nhiều giống cây ăn quả, dược liệu vào sản xuất.
 
Qua đó, nhiều nông dân đã sáng tạo, biết nắm cơ hội để biến những mảnh đồi khô cằn trở thành vùng đất cho giá trị kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ trao đổi.
 
Điểm qua những kết quả cơ bản trong quá trình thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển cho biết thêm: Lúa, ngô vẫn là nhóm cây trồng chủ lực của huyện.
 
Trong đó, sản xuất lúa đã có sự chuyển dịch mạnh sang giống chất lượng cao có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày, với cơ cấu giống lúa chất lượng cao đã chiếm 71%. Vì vậy năng suất, chất lượng lúa những năm qua chuyển biến đáng kể.
 
Các giống ngô mới năng suất cao như NK4300, NK6410, NK6326 cũng được đưa vào sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng thâm canh, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai đạt 95% diện tích sản xuất trên toàn huyện... Hiện, một số địa phương trên địa bàn huyện đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để sản sản xuất ngô làm thức ăn gia súc mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần so với trồng sắn, như: Nam Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch.
 
Huyện cũng đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung có thương hiệu, như: ổi Hòa Trạch, Hưng Trạch, chuối Hưng Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, cam Nông trường Việt Trung...
 
Những vùng đất gò đồi Bố Trạch đã đổi thay không ngừng bởi những nông dân dám nghĩ dám làm. Nếu như trước đây, toàn huyện có trên 8.500 ha diện tích đất trồng cao su thì nay đã chuyển đổi sang trồng các loại với 4.500 ha, chủ yếu là dược liệu quý, gồm cà gai leo, chè hòe, đinh lăng, kim tiền thảo, ba kích.
 
Bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX Dược liệu và Nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm cho biết, được huyện đầu tư hỗ trợ kinh phí xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, HTX đã đi vào sản xuất cơ bản ổn định, với các sản phẩm sạch được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận nhãn hiệu Thanh Bình, gồm: cao cà gai leo, cao chè vằng, cao lạc tiên, viên tinh bột nghệ mật ong.
 
Cứ mỗi ha dược liệu mỗi năm cho thu từ 70-80 triệu đồng. Với việc đầu tư công nghệ sản xuất theo chuỗi, hiện nay, HTX giải quyết việc làm cho 20 lao động, mức thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
Vào thời điểm này, đến các vùng đất gò đồi ở các xã, thị trấn: Nông trường Việt Trung, Lý Trạch, Đại Trạch, Nam Trạch sẽ bắt gặp những rừng hoa phớt hồng của một loài sâm quý nở. Đó là giống sâm Bố Chính được khôi phục do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (Công ty Tuệ Lâm) đầu tư sản xuất. Đây là loại dược liệu quý có giá trị bổ dưỡng cao. Sau hơn 3 năm triển khai dự án phục hồi và phát triển, toàn huyện đã có 35 ha sâm bắt đầu cho thu hoạch.
 
Ông Lê Đức Hạnh, Giám đốc Công ty Tuệ Lâm cho hay: Sau thời gian gieo trồng, thử nghiệm, cho thấy cây sâm Bố Chính thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay đã cho thu hoạch, sản lượng vụ đầu thành công với khoảng trên 10 tấn sâm thô.
 
Với kết quả ban đầu, Công ty Tuệ Lâm đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 65 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ, với mức lương 5-7 triệu đồng/lao động/tháng. Đây thực sự là một cơ hội mới cho người dân địa phương trong việc tận dụng nguồn đất đai vùng gò đồi, đa dạng hóa cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Giám đốc Công ty Tuệ Lâm Lê Đức Hạnh chia sẻ thêm: “Với mong muốn đưa sâm Bố Chính trở thành một trong những sản vật du lịch đặc trưng của trên quê hương "hai giỏi", Công ty Tuệ Lâm sẽ đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhằm chế biến thành phẩm có chất lượng cao từ sâm như: trà sâm, kẹo sâm, rượu sâm, cao sâm...”.
 
Để đất cằn mãi nở hoa
 
Với các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Bố Trạch có nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ, tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để bà con nông dân tiếp tục có động lực, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thay thế những gì không còn phù hợp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
 
Các địa phương trên địa bàn cũng chủ động lồng ghép, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Huyện tiếp tục có những chính sách phù hợp hỗ trợ khâu xây dựng nhãn mác, thương hiệu đối với một số sản phẩm tiềm năng thực hiện theo chuỗi giá trị.
 
Đối với một số diện tích đất cao su kém hiệu quả, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây tiềm năng theo quy hoạch. Bố Trạch đang liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở chế biến để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho một số sản phẩm như: cam Nông trường Việt Trung, ổi Hòa Trạch, Hưng Trạch, cà gai leo, hoa Lý Trạch...
 
“Một giải pháp mang tính chiến lược là huyện có cơ chế để quảng bá các sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu trên địa bàn huyện như: cà gai leo Thanh Bình, nấm sạch Tuấn Linh, tiêu Phú Quý, rau sạch An Nông...; khuyến khích các cơ sở nói trên mở rộng quy mô, liên kết các tổ hợp tác, nông dân thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
 
Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, tổ chức chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận người dân, nhất là đối với các loại cây trồng mới, như: rau VietGAP, cây dược liệu, nấm; xây dựng các mô hình chuyển đổi hiệu quả để nhân dân học tập và làm theo.
 
Từ đó, đưa ngành nông nghiệp Bố Trạch phát triển bền vững, thu nhập bình quân hàng năm của người dân trên địa bàn đến năm 2020 đạt 48 triệu đồng trở lên.”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định.
 
Hương Trà
,