.

Ký kết EVFTA-EVIPA: Thành công kép sau 9 năm đàm phán

.
16:52, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)

Ký kết EVFTA và EVIPA tiếp tục là một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia và tạo ra những cơ hội, vận mệnh mới cho đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức được ký kết tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu.

Đây tiếp tục là một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm vị thế quốc gia và tạo ra những cơ hội, vận mệnh mới cho đất nước.

9 năm đàm phán và “thành công kép”

Để đi đến ký kết 2 hiệp định quan trọng là Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam đã phải trải qua một quá trình kéo dài tới 9 năm.

Cụ thể:

- Tháng 10-2010: Việt Nam và EU khởi động đàm phán Hiệp định.

- Tháng 6-2012: bắt đầu đàm phán.

- Tháng 10-2012 đến tháng 8-2015: tiến hành 14 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán giữa kỳ.

- Ngày 4-8-2015: kết thúc cơ bản đàm phán.

- Ngày 1-12-2015: chính thức kết thúc đàm phán.

- Ngày 1-2-2016: công bố văn bản Hiệp định.

- Ngày 26-6-2018: EVFTA được tách làm 2 Hiệp định là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

- Tháng 6-2018: chính thức hoàn tất quá trình rà soát pháp lý EVFTA và thống nhất các nội dung của EVIPA.

- Tháng 8-2018: hoàn tất rà soát pháp lý EVIPA.

- Ngày 17-10-2018: Ủy ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA

- Ngày 25-6-2019: Hội đồng châu Âu thông qua nội dung, mở đường cho việc ký kết các Hiệp định.

- Ngày 30-6-2019: chính thức ký EVFTA và EVIPA.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc đi đến ký kết thành công hai Hiệp định này thể hiện trình độ của Việt Nam trong tổ chức đàm phán về các vấn đề kỹ thuật với những nội dung cao, đa dạng và rất sâu.

Không phải một mà là 28 quốc gia thành viên của EU. Đây đều là những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng đồng thời là những quốc gia có khuôn khổ pháp luật và trình độ cao. Mục tiêu và toan tính kế hoạch của các nước trong liên minh châu Âu EU cũng khác nhau.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chúng ta đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt và sự vào cuộc sâu rộng, mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị mà đặc biệt là các cơ quan của quản lý nhà nước. Tôi muốn nói đến vai trò của đoàn đàm phán Chính phủ và các bộ ngành. Đặc biệt phải kể đến sự tham vấn giữa Chính phủ, đoàn đàm phán với các doanh nghiệp để đảm bảo tối đa lợi ích của Việt Nam khi tham gia Hiệp định."

Hàng loạt những vấn đề lớn đã đặt ra trong quá trình đàm phán, có những vấn đề liên quan đến cam kết trong nội dung hiệp định nhưng có cả những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến nội dung cụ thể trong hiệp định nhưng Nghị viện châu Âu vẫn đặt ra như những yêu cầu để xem xét ký kết hiệp định với Việt Nam.

Đã có nhiều lúc cả Cao ủy Thương mại và các đối tác của chúng ta chỉ ký duy nhất hiệp định EVFTA còn để lại EVIPA để tính tiếp. Vì vậy, “Việc chúng ta đạt được nghị quyết của Hội đồng Châu Âu cho ký của hai Hiệp định EVFTA và EVIPA chính là thành công kép."

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu thông qua. Dự kiến, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020, còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là 2 năm để EP và nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, hai Hiệp định này vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam.

- Nhiều cơ hội cho Việt Nam

Theo phân tích của ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam vì những Hiệp định này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường vào các thị trường xuất khẩu lớn. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi vì hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm giá.

Ông Ousmane Dione cho rằng những cam kết trong Hiệp định không chỉ nhằm giảm thuế mà còn liên quan tới các vấn đề khác như mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp đầu tư và quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như hướng đến làn sóng cải cách tiếp theo.

Còn theo nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, EVFTA và EVIPA được ký kết mang ba ý nghĩa lớn.

Một là, Hiệp định được ký kết chắc chắn sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn. Đó là thị trường EU. Điều này giúp cho chúng ta nâng cao được chính năng lực của nền kinh tế, mặt khác lại có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị mới, chuỗi giá trị toàn cầu ở mức cao nhất.

Hai là khi Hiệp định được thực thi chúng ta sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU.

Thứ ba, nếu tính cộng hưởng lại, chúng ta vừa tăng cường hội nhập, vừa tranh thủ được thị trường phát triển kinh tế cũng tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Theo Bộ Công Thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.

Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

- Lẫn thách thức

Nhưng những cơ hội cũng mang tới thách thức. Ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam sẽ phải tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng những lợi ích của Hiệp định này và chịu được sự cạnh tranh gia tăng ở thị trường nội địa trong một số lĩnh vực nhất định.

Hai là, trong một số lĩnh vực nhất định sẽ có những quy định về xuất xứ nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi việc tái cấu trúc các chuỗi giá trị. Ví dụ như việc sản xuất may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các nguyên liệu thô và sẽ phải tái cấu trúc nguồn cung ứng đầu vào để tuân theo các quy định về xuất xứ.

Trong khi việc giảm thuế tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, việc này cũng đồng thời giảm nguồn thu và do đó Việt Nam cần phải huy động các nguồn tài chính công thay thế cho phát triển.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, những thách thức từ việc thực hiện hai hiệp định với EU sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, duy trì nhịp độ phát triển tốt và bền vững hơn trong dài hạn.

Theo Phương Anh (TTXVN/Vietnam+)

,