.

Cùng Đồng Hới bừng sức sống mới

.
16:53, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau khi Quảng Bình trở về địa giới hành chính cũ, với những tiềm năng và lợi thế, những người con Đồng Hới giàu nghị lực và trí tuệ, biết nuôi dưỡng khát vọng đã nỗ lực đưa vùng đất này vươn lên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế-văn hóa, khoa học-công nghệ của tỉnh. Suốt 3 thập kỷ qua, Đồng Hới đã khẳng định vị thế của mình trong đội hình những đô thị trẻ của cả nước. Trên hành trình đó, cảm xúc về những ngày đầu gian khó vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm các thế hệ người Đồng Hới…
 
1. Nhìn về những bộn bề công việc của ngày đầu mới chia tách tỉnh, ông Hoàng Thanh Nga, nguyên Bí thư Thị ủy Đồng Hới (từ năm 1991-1995) dường như vẫn còn nguyên những cảm xúc âu lo, trăn trở. Trí nhớ của tuổi 78 vẫn minh mẫn, ông chậm rãi: “Trong 14 năm sáp nhập tỉnh, chúng ta tập trung xây dựng chủ yếu ở địa phận Huế-nơi đặt tỉnh lỵ của Bình Trị Thiên.
 
Bởi vậy, khi những người con của Đồng Hới trở về xây dựng quê hương, khó khăn chồng chất khó khăn, lớn nhất là thiếu thốn nghiêm trọng về cơ sở vật chất, cơ quan làm việc, chỗ ở cho gia đình cán bộ từ Huế về.
 
Lúc bấy giờ, Thị ủy nhường hẳn trụ sở cho Cơ quan Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tạm thời lấy trụ sở của Công ty xây dựng thủy lợi 1. Còn Chi cục muối phải giải thể để sắp xếp tạm 6 cơ quan: Mặt trận, các đoàn thể cấp tỉnh, Ban Thanh tra chính quyền và Báo Quảng Bình. Riêng một số ngành, đoàn thể tỉnh thì về “ở chung” với cơ quan, đoàn thể thị xã hoặc mượn tạm nhà dân…”.
 
Kể lại thời kỳ này, ông Phạm Văn Thử, nguyên Chủ tịch UBND TX. Đồng Hới cứ mãi xuýt xoa: “Số lượng cán bộ, công nhân viên ở Huế trở về Quảng Bình khoảng trên 4.400 người.
 
Nếu kể cả gia đình cán bộ nhân viên và đồng bào thị xã vào Huế làm ăn sinh sống xin hồi cư thì tổng cộng gần 2 vạn người. Vấn đề quan trọng trước mắt là giải quyết nơi ăn, chỗ ở ổn định cho hàng nghìn cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội, công an… UBND tỉnh lúc bấy giờ quyết định tổ chức bước đầu duyệt quy hoạch tổng thể và kế hoạch xây dựng đô thị mới cho TX. Đồng Hới.
Ảnh: Hoàng An
Ảnh: Hoàng An

Trên cơ sở đó, tỉnh chủ trương cho thị xã tiến hành cấp đất cho cán bộ và nhân dân làm nhà ở, xây dựng trụ sở các cơ quan, khu dân cư và vạch tuyến, phân lô, làm đường sá, điện, nước.

Các công trình văn hóa - xã hội bắt đầu hình thành, các trục giao thông đô thị lần lượt mở rộng, phố chợ được mở mang… Không khí và cảnh tượng TX. Đồng Hới giống như một đại công trường xây dựng thực thụ…”.

 
2. Với tôi, ký ức về một ngày mùa thu năm 1989 vẫn còn đọng mãi. Cả gia đình “sum họp” trên chiếc xe tải cũ kỹ và về đến Đồng Hới vào buổi chiều muộn. Thị xã im lìm trong ánh nắng cuối ngày đã nhạt màu và những con đường vắng tênh, xơ xác. Đồng Hới của 30 năm về trước là những tuyến đường nắng bụi, mưa lầy, đêm mịt mù. Là những khu nhà lợp tôn tạm bợ, thấp lè tè trên cát trắng nóng ran và những xóm nhà dân vạn chài ven sông tối tăm…
 
Rồi đầu những năm 2000, tôi cũng như bao nhiêu người Đồng Hới ra đường đón xuân ngỡ ngàng với những con đường lớn được nâng cấp và một vài siêu thị mi-ni ở đường Lý Thường Kiệt, Mẹ Suốt… 30 năm sau, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, chính quyền và nhân dân TP. Đồng Hới đã có bước đột phá trong công tác quy hoạch đô thị với những công trình giao thông, kiến trúc hiện đại.

Giờ đây, thành phố tập trung mở rộng không gian đô thị theo nhiều hướng, từ đó những công trình mới, những con đường mới, những khu dân cư mới được hình thành theo quy hoạch.

Hàng loạt công trình hiện hữu, trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình tăng tốc, "vươn vai" của Đồng Hới. Đúng sau 15 năm “cuộc chia tay lịch sử ấy”, TX. Đồng Hới được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh.

Đồng Hới hôm nay có các khu công nghiệp lớn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố. 

Nối liền giữa hai bờ Nhật Lệ là những cây cầu được thiết kế độc đáo, hiện thực hóa ước mơ biến cát phía đông thành phố thành “vàng”.
 
Cảng hàng không Đồng Hới phục vụ các loại tàu bay dân dụng lớn với tổng công suất 10 triệu lượt khách/năm, giúp tỉnh nói chung và thành phố nói riêng tham gia hiệu quả vào chương trình du lịch “Con đường di sản miền Trung”.
 
Hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị mới, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại… đã đưa Đồng Hới trở thành đô thị hiện đại, năng động, trẻ trung đầy sức hút và vẫn đang đổi thay từng ngày.
 
3. Lần giở từng trang của cuốn Lịch sử Đảng bộ TX. Đồng Hới, 30 năm là khoảng thời gian không dài, nhưng sự thay đổi, phát triển của Đồng Hới thực sự nhanh chóng, vượt bậc. 
 
Nếu ở Đại hội Đảng bộ Đồng Hới lần thứ XV (nhiệm kỳ 1991-1995) kế hoạch thu ngân sách đạt 2,5 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ bản 22 tỷ đồng và xóa hộ thiếu đói, còn hộ nghèo chiếm 15% số hộ toàn thị xã… thì đến Đại hội Đảng bộ TP. Đồng Hới lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015-2020), thành phố phấn đấu tổng thu ngân sách đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng; huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, đầu tư các dự án mở rộng không gian đđô thị đạt trên 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% và thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 3.200-3.500 USD (tương đương 65-70 triệu đồng)…
 
Sự phát triển của Đồng Hới hôm nay là minh chứng cho sự đúng đắn từ chủ trương chia tách của Đảng và Nhà nước và còn đó những bài học từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, sự nỗ lực vươn lên của các thế hệ nối tiếp nhau. Chứng kiến và nắm bắt khá sâu sắc sự đổi thay của Đồng Hới theo năm tháng, ông Hoàng Thanh Nga bày tỏ: “Lịch sử thành phố sẽ ghi nhận 30 năm Đồng Hới trở về địa giới cũ là một thời kỳ phát triển đầy ấn tượng trên chặng đường kiến thiết và xây dựng.
 
Đặc biệt, các thế hệ mai sau sẽ không quên những năm tháng thành phố vươn lên với một ý chí mạnh mẽ, một nghị lực lớn lao, quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực, cống hiến quên mình... ”.
 
Thùy Lâm
,