.

Làm giàu từ đất hoang

.
08:51, Thứ Năm, 06/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Di dân lên vùng đất Hải Lưu, Quảng Tiến (Quảng Trạch) khai hoang, lập nghiệp từ năm 1990, với đôi bàn tay cần cù, chịu khó, ông Phan Xuân Chiệu đã biến 21,5 ha diện tích đất khô cằn thành trang trại tổng hợp có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, trang trại mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 400 triệu đồng.

Kể về hành trình lên vùng đồi lập nghiệp, ông Phan Xuân Chiệu tâm sự, vợ chồng ông vốn là người xã Quảng Hải, nhưng do cuộc sống khó khăn phải "khăn gói" lên vùng Quảng Tiến làm nghề gạch ngói.

Thế nhưng, chẳng bao lâu, HTX gạch ngói giải thể, cuộc sống đói nghèo buộc vợ chồng ông phải bàn nhau "cơm đùm gạo bới" lên vùng đồi thôn Hải Lưu khai hoang, lập nghiệp. Lúc mới lên, vùng đất này heo hút không một bóng người.

“Nhiều lúc tôi loay hoay không biết mình sẽ làm gì với vùng đất khô cằn, sỏi đá này. Nhưng rồi vợ chồng tôi cũng quyết tâm khai hoang trồng trọt, chăn nuôi", ông Chiệu chia sẻ.

Hệ thống súng phun nước hiện đại được ông Phan Xuân Chiệu áp dụng cho trang trại của mình
Hệ thống súng phun nước hiện đại được ông Phan Xuân Chiệu áp dụng cho trang trại của mình.

Đất chẳng phụ công người, sau nhiều năm bỏ công, bỏ sức, trang trại tổng hợp của vợ chồng ông cũng dần hình thành. Đến nay, với diện tích 21,5 ha, trang trại trồng từ các loài cây ăn quả lâu năm, như: xoài, bưởi, đến các cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: thông, tràm... và 5 hồ nuôi cá nước ngọt. Bình quân, mỗi năm, gia đình ông có thu nhập gần 400 triệu đồng. Nhờ trang trại này, vợ chồng ông đã nuôi 6 đứa con ăn học, trưởng thành và sắm sửa thêm máy cày, máy múc, xe vận tải để phục vụ canh tác, sản xuất.

Ông Chiệu cho biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, vợ chồng ông phải đổ biết bao mồ hôi và cả nước mắt. Ông tâm sự, cách đây mấy năm, nhận thấy cây cao su và cây tràm vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với vùng đất đồi, vợ chồng ông đã dồn hết vốn liếng và công sức để đầu tư trồng cây cao su và tràm.

Vậy nhưng, đợt bão năm 2017 đã phá hủy toàn bộ hàng chục diện tích cao su và tràm của gia đình ông. Nhìn công sức của mình bỏ ra lâu nay bỗng chốc bị bão phá tan tành, vợ chồng ông không khỏi buồn chán. Thế nhưng, không nản lòng, ông bà lại động viên nhau lấy lại tinh thần và tiếp tục tìm những cây trồng mới phù hợp với điều kiện của vùng để vực lại kinh tế.

Ông cho hay, để tìm những cây trồng vừa cho giá trị kinh tế cao vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, ông đã không bỏ qua cây trồng nào. Thấy cây gì hiệu quả, phù hợp với chất đất, ông lại hào hứng trồng thử nghiệm. Mới đây, vợ chồng ông đã chuyển 4 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dứa, một loại cây mà theo ông là khá phù hợp với vùng đất đồi và thời tiết ở đây. Sau vụ trồng dứa này, gia đình ông thu lãi 70 triệu đồng.

Hiện tại, vợ chồng ông đang trồng thử nghiệm các loại cây trồng khác, như: bưởi da xanh, cam, lựu và bơ. Ông Chiệu cho biết, nếu cây trồng nào phát triển tốt và cho năng suất cao, sắp tới, ông sẽ chuyển đổi sang trồng với diện tích lớn hơn. Đặc biệt, ông cũng sẽ chuyển toàn bộ diện tích trồng lạc và ngô sang trồng cây sâm Bố Chính. Đây là cây trồng hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho trang trại gia đình ông.

Không chỉ nghiên cứu, tìm tòi những cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai của trang trại, để tăng hiệu quả sản xuất, ông Chiệu cùng người con trai út trong gia đình còn học hỏi áp dụng những công nghệ tưới nước hiện đại vào trồng trọt thông qua mạng Internet. Anh Phan Đình Nguyên, con trai ông Chiệu cho hay: "Ngoài chọn cây gì để trồng thì nước tưới là một trong yếu tố quan trọng quyết định năng suất cây trồng.

Chính vì vậy, tôi đã gợi ý cho bố đầu tư số tiền 180 triệu đồng để mua hệ thống súng phun nước bán kính rộng về lắp đặt. Ưu điểm của hệ thống tưới này là có thể tiết kiệm nguồn nước và không phải tốn công như phương pháp tưới thủ công, trong khi đường kính mỗi súng bắn nước rộng đến 120m nên có thể tưới được diện tích nhiều hơn". Anh cũng cho biết, trước đó, gia đình anh cũng đã áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhưng không phù hợp với diện tích lớn như trang trại gia đình anh.

Với những cách nghĩ cách làm năng động, ông Phan Xuân Chiệu không chỉ làm giàu cho gia đình mà hàng tháng ông còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người dân trong vùng.

Mô hình trang trại của ông cũng đã được công nhận là mô hình kinh tế tiêu biểu cấp huyện. Đó là "quả ngọt" cho công sức hàng chục năm lao động vất vả của ông và gia đình, đồng thời là minh chứng cho ý chí quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, nghèo khó và sự cần cù, miệt mài của người nông dân Quảng Trạch.

Đ.N

,