.
Chuyện quản lý:

Làm gì để bảo vệ thương hiệu du lịch Phong Nha?

.
09:58, Thứ Ba, 04/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Mới đây, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng thực hiện một cuộc “đại hạ giá” bất thường, khiến cho giá của một phòng nghỉ lưu trú ở đây đang ở mức 150.000-200.000 đồng/người/đêm giảm xuống chỉ còn khoảng 30.000-50.000 đồng/người/đêm.

Điều đáng nói, cuộc đại hạ giá không chỉ là hiện tượng đơn lẻ của một hoặc một vài cơ sở, mà có sự “bắt tay” liên minh đồng loạt của nhiều cơ sở. Sự bắt tay “làm giá” này của một số những người kinh doanh dịch vụ du lịch khiến cho những người nông dân mạnh dạn đầu tư vào làm du lịch lâm vào cảnh điêu đứng, không giảm không được, nhưng giảm thì thua lỗ.

Câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh của những người làm du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ ngấm ngầm và đơn lẻ. Thế nhưng, việc cạnh tranh đến mức bắt tay nhau “đại hạ giá” chỉ vì lợi ích của một vài người, một nhóm người làm du lịch trong thời gian gần đây lại là điều bất thường.

Bởi lẽ, cuộc “đại hạ giá” này không nhằm mục đích thu hút du khách, mà thực chất, động cơ và mục đích của nó là "cuộc chiến ngầm" về tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, trích phần trăm “hoa hồng” không đồng đều.

Thứ nữa, thời gian này không phải là mùa vắng khách nên không cần những “gói” kích cầu quá đà như vậy? Chưa rõ, việc hạ giá giữa mùa du lịch cao điểm có thực sự thu hút du khách đến với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng hay không?

Tuy nhiên, từ đây, du khách nước ngoài đã có những nghi ngờ, lo lắng, phân vân về chất lượng dịch vụ. Trong suy nghĩ và lựa chọn của họ, du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã có “vấn đề”. Tâm lý phản ứng ngược với sự việc nói trên của du khách là có cơ sở. Bởi, tiền nào thì của ấy thôi! Vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng họ, những người kinh doanh du lịch ở đây đang tự rẻ rúng mình và rẻ rúng cả những giá trị của di sản?

Những người làm du lịch ở đây thừa hiểu, họ làm chuyện đó vì mục đích gì, thế còn những nhà quản lý du lịch, chính quyền địa phương thì sao? Trả lời báo chí về vấn đề nói trên, những người có trách nhiệm liên quan, những người quản lý du lịch cho đó là điều “bất thường” trong công tác quản lý, vì vậy ai muốn làm gì thì làm, mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác và chia sẻ. Họ còn cho rằng, sự cạnh tranh không lành mạnh này sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của du lịch Phong Nha.

Vậy ra, những người có trách nhiệm đã biết, thậm chí còn biết rất rõ sự việc và những hậu quả của nó để lại cho ngành du lịch tỉnh nhà. Song, làm gì để chấn chỉnh, bảo vệ du lịch Phong Nha và đưa hình ảnh, thương hiệu di sản này phát triển, chưa thấy ai nói gì?

Chả nhẽ, cứ chờ đợi và chờ đợi đến lúc vi phạm xảy ra, họ mới vào cuộc quản lý? Nên nhớ, du lịch là ngành kinh tế rất nhạy cảm và rất dễ tổn thương. Một yếu tố nhỏ cũng sẽ tác động rất lớn đến hình ảnh của du lịch và tâm lý du khách.

Dương Công Hợp

,