.

Xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, gây nuôi tôm hùm đất

.
09:31, Thứ Bảy, 25/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây, tôm hùm đất (còn gọi là tôm càng đỏ) được rao bán nhiều trên thị trường dưới dạng thực phẩm có lượng dinh dưỡng cao và chắc thịt. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác nhận, tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và đây là loài ngoại lai xâm hại. Việc mua bán tôm hùm đất trên thị trường là trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường, cần ngăn chặn, xử lý kịp thời. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh.

PV: Tôm hùm đất hiện đang được bày bán rầm rộ tại thị trường Việt Nam, trong đó có Quảng Bình, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Ngọc Linh: Gần 2-3 tháng trở lại đây, thực trạng buôn bán, nhập khẩu “lậu” tôm hùm đất vào Việt Nam quá rầm rộ. Người tìm mua tôm hùm đất không gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là dễ dàng.

Bởi chỉ cần gõ cụm từ "mua tôm hùm đất" sẽ gặp hàng trăm các trang thông tin, mạng xã hội chào bán với mức giá chỉ từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg (giá sỉ chỉ 210.000 đồng/kg) với size 40-50 con/kg.

Mặc dù được rao bán công khai, nhưng đây là đối tượng được xác định là loài ngoại lai xâm hại thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

Tôm hùm đất cũng không có tên trong Phụ lục VIII, Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản"). Do vậy, việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản. Tôm hùm đất là sinh vật cấm nhập khẩu và không được bán công khai.

Tôm hùm đất được rao bán trên mạng xã hội với giá từ 320-350 nghìn đồng/kg (Nguồn: Internet)
Tôm hùm đất được rao bán trên mạng xã hội với giá từ 320-350 nghìn đồng/kg (Nguồn: Internet)

PV: Xin ông nói rõ hơn nguyên nhân vì sao tôm hùm đất lại bị cấm nhập khẩu và cấm bày bán công khai ở thị trường Việt Nam?

Ông Lê Ngọc Linh: Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tôm hùm đất, hay còn gọi là tôm càng đỏ, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Đây là loài ăn tạp sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao với môi trường.

Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Tôm hùm đất vòng đời ngắn, sinh sản nhanh lại có thể di chuyển trên cạn nên khả năng phát triển tràn lan khi thoát ra ngoài môi trường là rất lớn. Ngoài bản tính hung hăng và ăn tạp, tôm hùm đất còn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên sẽ là mối đe dọa đối với các loại tôm bản địa Việt Nam.

Trước tình trạng tôm hùm đất được rao bán tràn lan trên thị trường, ngày 17-5-2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn hỏa tốc về việc “Tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam”.

Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm; đồng thời, tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.

PV: Vậy Quảng Bình đang triển khai những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng buôn bán phi pháp tôm hùm đất trên địa bàn?

Ông Lê Ngọc Linh: Tôm hùm đất là một trong những loại hàng hóa cấm lưu thông và sử dụng trên thị trường. Chính vì thế, theo quy định, nếu phát hiện tôm hùm đất phát tán ra ngoài môi trường, các địa phương phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch để ngăn chặn các con đường lây lan của sinh vật từ bên ngoài vào Việt Nam.

Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục Thủy sản tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương, kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt chú trọng các con đường đưa tôm hùm đất vào Quảng Bình để xử lý nghiêm việc buôn bán trái phép này.

Quan trọng hơn là thông tin, tuyên truyền để cộng đồng hiểu tác hại của sinh vật ngoại lai, không tham gia mua bán. Khi phát hiện, chúng tôi không chỉ tịch thu tang vật, tiêu hủy theo quy định mà còn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không buôn bán, gây nuôi tôm hùm đất trái quy định của pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Hiền Phương (thực hiện)

,