.

Đánh thức vùng gò đồi Phú Định

.
08:59, Thứ Sáu, 31/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững, hiệu quả là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền xã Phú Định, huyện Bố Trạch. Trong những năm qua, cùng với toàn huyện, xã Phú Định đã tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng trên vùng gò đồi. Việc tập trung đầu tư, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng phía Tây Bố Trạch.

Đến thăm gia đình ông Lê Quang Lợi, tại thôn Tân Định, ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là một rừng cao su gãy đổ sau bão. Nhiều năm trước đây, ông Lợi cùng với nhiều người nông dân Phú Định hăng hái đầu tư công sức, tiền của để trồng cao su với ý chí vươn lên làm giàu mạnh mẽ.

Và khi thứ “vàng trắng” không giữ mãi thế độc canh, thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa cây, đa con được gia đình lựa chọn. Trên tổng diện tích đất đồi rộng hơn 3 ha, ông Lợi đã dành hơn 2 ha để phát triển 1.000 gốc tiêu sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Hiện mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong việc tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Với hướng phát triển mô hình kinh tế tổng hợp đa cây, đa con, ngoài cây tiêu, gia đình ông còn trồng hơn 2.000 gốc cây ăn quả. như: mít, chuối, na dai, vải thiều… và các loại nông sản theo từng mùa vụ, như: sắn, dưa hấu…

Ông Lê Quang Lợi chia sẻ: “Qua quá trình tìm hiểu và trồng thử nghiệm nhiều loại cây, tôi nhận thấy, với độ dốc thấp, chất đất ở đây hoàn toàn phù hợp để phát triển cây tiêu. Cùng với đó, tôi cũng đang sưu tầm nhiều loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng để nhân giống và tiến hành trồng đại trà.

Phương châm của tôi là lấy ngắn nuôi dài và không để tấc đất nào bỏ hoang.” Bên cạnh trồng trọt, từ năm 2017, ông  Lợi đã mạnh dạn phát triển nghề nuôi ong lấy mật, hiện ông đang duy trì 100 đàn ong mỗi năm.

Nếu như gia đình ông Lê Quang Lợi thành “triệu phú” nhờ cây tiêu thì gia đình chị Nguyễn Thị Diên thành công nhờ trồng rừng và chăn nuôi trang trại tổng hợp. Vượt qua rất nhiều khó khăn, vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, hiện tại gia đình chị Nguyễn Thị Diên đang có 1 ha cao su vào kỳ khai thác, nhận chăm sóc hơn 2 ha keo, trồng thâm canh trên 500 gốc tiêu cùng 5 hồ nuôi cá các loại. Mỗi năm, gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định từ 250-300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Diên chia sẻ: “Trước đây, theo tư duy truyền thống, gia đình chỉ tập trung vào những cây trồng chủ lực của địa phương, như: tiêu, cao su, keo… Nhưng sau khi tham gia các lớp tập huấn và tham quan học hỏi mô hình ở các nơi khác, nay gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để làm thêm mô hình trồng rau sạch từ việc cải tạo vườn tạp để tăng thêm nguồn thu nhập”.

Hiện nay, ở vùng gò đồi Phú Định có hàng trăm hội viên nông dân tích cực xây dựng các trang trại, gia trại... với thu nhập từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Lê Văn Khuyến, Bí thư Đảng ủy xã Phú Định cho biết: “Trong lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sau khi rà soát đánh giá các tiêu chí, chúng tôi nhận thấy phát triển kinh tế vùng gò đồi sẽ là hướng đi trọng tâm trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Hiện, xã đang tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây hồ tiêu với diện tích trên 45 ha; xây dựng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vay vốn ưu đãi; chú trọng công tác đào tạo nghề có lao động nông thôn…”.

Hiệu quả từ chủ trương phát triển kinh tế vùng gò đồi của huyện Bố Trạch nói chung, xã Phú Định nói riêng đã tạo được bước đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Có thể khẳng định , tiềm năng kinh tế vùng gò đồi đã được đánh thức và đang vươn mình mạnh mẽ. Với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành cũng như sự năng động của mỗi một hộ dân, kinh tế vùng gò đồi ở xã Phú Định đang thực sự góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi một cách bền vững.

Hồng Thắm
(Đài TT-TH Bố Trạch)

,