.

"Start-up" ở Đồng Trạch

.
08:32, Thứ Ba, 19/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với sức trẻ cùng khát khao lập nghiệp, khởi nghiệp "start-up", những người trẻ ở Đồng Trạch (Bố Trạch) thực hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại thu nhập cao, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở quê hương.

Đến thăm mô hình xưởng mộc của đoàn viên Phan Văn Tình ở thôn 5, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, chúng tôi rất ngỡ ngàng trước cơ ngơi của chàng trai 9X này. Sớm xác định khởi nghiệp bằng con đường học nghề, nên khi học xong bậc THCS, anh đã theo học nghề mộc ở nhiều cơ sở mộc mỹ nghệ khác nhau. Nhờ niềm đam mê và tinh thần chịu khó học hỏi, nên sau 3 năm anh đã thành thạo nghề.

Mô hình xưởng mộc của đoàn viên Phan Văn Tình tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương.
Mô hình xưởng mộc của đoàn viên Phan Văn Tình tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương.

Năm 2012, với sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch, anh mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng để thành lập cơ sở mộc cho riêng mình. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự nỗ lực của bản thân và sự động viên, khích lệ của các cấp bộ đoàn, anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu, dần ổn định sản xuất và tạo dựng được vị trí vững chắc trong nghề.

Vừa làm nghề, anh Tình vừa tìm tòi, nghiên cứu, trau dồi kỹ thuật với những người đi trước, đồng thời, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội...

Nhờ vậy, sản phẩm của anh ngày càng được hoàn thiện với độ tinh xảo cao, mẫu mã đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn. Với đôi bàn tay khéo léo của một người thợ giỏi cộng với sự cần mẫn trong lao động, sản xuất, mỗi tháng, cơ sở mộc của anh Tình làm ra hàng chục sản phẩm, như: bàn, ghế, giường, tủ và các đồ dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, để tăng lợi nhuận và mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, anh đã đầu tư mở một cửa hàng bán các sản phẩm của mình tại địa phương.

Như vậy, với một xưởng mộc, một xưởng cưa, một cửa hàng, anh Phan Văn Tình không chỉ tạo dựng được nghề nghiệp phù hợp cho bản thân với thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng, trong đó có 6 đoàn viên, thanh niên.

Cùng chung chí hướng khởi nghiệp trên quê hương như anh Phan Văn Tình, nhưng đoàn viên Phạm Đình Nghĩa ở thôn 7b, xã Đồng Trạch lại chọn cho mình một hướng đi khác, đó là thực hiện mô hình kinh tế gia trại tổng hợp. Sinh năm 1991, ở vùng đất cát Đồng Trạch, sau khi học xong trung học phổ thông, vì điều kiện gia đình không cho phép, anh gác lại giấc mơ giảng đường, theo học nghề cơ khí rồi sang Nhật làm việc.

Sau ba năm lao động ở nước ngoài, anh trở về quyết tâm lập nghiệp trên đồng đất quê hương. Anh Nghĩa cho biết: “Năm 2015, với số tiền 150 triệu đồng tích góp được khi xuất khẩu lao động, tôi đã triển khai mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt. Với diện tích đất gần 3.000m2 do UBND xã cho thuê, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gà, vịt và thực hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới”.

Được tư vấn, hỗ trợ những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, trồng trọt từ các lớp tập huấn do các cấp bộ đoàn tổ chức, cộng với đức tính cần cù, chịu khó, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia trại của anh Nghĩa luôn duy trì hàng trăm con gà, vịt trong chuồng, gần 2.000m2 đất trồng rau xanh.

Các loại rau do anh sản xuất đều tuân thủ những yêu cầu cơ bản về mặt vệ sinh, an toàn thực phẩm, từ khâu làm đất, gieo trồng, đến chăm sóc và thu hoạch. Để có nguồn nước sạch phục vụ sản xuất, anh đã lắp đặt hệ thống tưới phun sương lấy nước từ động cát Đồng Trạch để tưới cho vườn rau, vừa giảm công sức lao động, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do tích cực ứng dựng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, sản phẩm sạch nên gia trại của anh Nghĩa đã trở thành địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp gà, vịt, rau xanh cho các chợ đầu mối và các nhà hàng trên địa bàn huyện Bố Trạch. Mỗi năm, anh thu về nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi, trồng trọt gần 150 triệu đồng. Có được điểm tựa vững chắc từ chăn nuôi, trồng trọt, anh tiếp tục đầu tư hệ thống ao hồ với diện tích 2ha để nuôi trồng thủy sản.

Với 4 hồ nuôi, trong đó có 3 hồ nuôi tôm, 1 hồ nuôi cua, những năm thời tiết thuận lợi, tôm cua phát triển tốt, anh xuất bán khoảng 10 tấn tôm, 6 tạ cua, sau khi trừ chi phí, anh có thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng, mô hình kinh tế tổng hợp của anh Phạm Đình Nghĩa cũng đã trở thành điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở địa phương.

Anh Dương Đức Tân, Bí thư Đoàn xã Đồng Trạch khẳng định: “Mô hình kinh tế của đoàn viên Phan Văn Tình, Nghĩa Phạm Đình Nghĩa cũng như các mô hình khởi nghiệp khác ở Đồng Trạch sẽ tạo thêm động lực, niềm tin để Đoàn xã Đồng Trạch vận động thanh niên tích cực, chủ động lao động sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tích cực khởi nghiệp để tạo dựng tương lai vững chắc”.

Với vai trò của mình, Đoàn xã Đồng Trạch đã có rất nhiều hoạt động cổ vũ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Đoàn xã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn cho thanh niên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giúp thanh niên có định hướng trong một số lĩnh vực địa phương có tiềm năng, như: nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, du lịch, dịch vụ.

Mô hình kinh tế gia trại tổng hợp của anh Phạm Đình Nghĩa là một trong những điển hình của phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Đồng Trạch.
Mô hình kinh tế gia trại tổng hợp của anh Phạm Đình Nghĩa là một trong những điển hình của phong trào thanh niên khởi nghiệp ở Đồng Trạch.

Từ những cố gắng đó, hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 30 trang trại, gia trại, mô hình kinh doanh, dịch vụ do thanh niên làm chủ sản xuất có hiệu quả, thu hút nhiều lao động là thanh niên trên địa bàn tham gia.

Anh Dương Đức Tân, Bí thư Đoàn xã Đồng Trạch cho biết: “Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, vận động đoàn viên thanh niên tích cực lao động sản xuất và tham gia các phong trào Đoàn tại địa phương để những bạn trẻ trong xã thêm mạnh dạn, tự tin, chủ động hơn trong mọi công tác nhằm đóng góp nhiều hơn cho các phong trào của địa phương”.

Qua một thời gian thực hiện phong trào “Thanh niên khởi nghiệp” cho thấy, mỗi đoàn viên, thanh niên ở xã Đồng Trạch tuy có cách làm khác nhau, hướng đi khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển. Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, tác động đến đoàn viên thanh niên, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Có thể những dự án khởi nghiệp của thanh niên không phải dự án nào cũng thành công, nhưng bằng bàn tay, khối óc của tuổi trẻ, nhiều thanh niên xã Đồng Trạch đang từng ngày phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết để phát triển kinh tế, tạo dựng tương lai.

Lệ Quyên
 

,