.

Xã Nam Trạch: Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

.
08:55, Thứ Tư, 20/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, nông dân xã Nam Trạch (Bố Trạch) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng mía, ngô lấy thân cho giá trị kinh tế cao hơn, nhất là ở những vùng đất trồng sắn, cao su kém hiệu quả. Đây là hướng đi mới nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân.

Xây dựng thương hiệu mía Nam Trạch

Nam Trạch là một trong những địa phương có diện tích hoa màu khá lớn của huyện Bố Trạch và cũng là nơi có diện tích trồng mía lớn của tỉnh ta. Trải qua rất nhiều thăng trầm, khó khăn, đến nay, cây mía vẫn được người nông dân Nam Trạch chọn là cây trồng chính trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ gắn bó với cây mía, đời sống của nhiều hộ dân ở đây đã thêm khấm khá, ổn định, không ít hộ làm giàu được từ chính cây mía.

Cây mía là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Trạch.
Cây mía là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Trạch.

Nếu như năm 2015, toàn xã có 25 ha mía thì đến nay diện tích này tăng dần lên gần 60 ha, tập trung ở các thôn Chánh Hòa, Hòa Trạch, Sao Sa. So với cây sắn, lạc, đậu…, theo đánh giá của người dân nơi đây, cây mía là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn và dễ tìm đầu ra hơn.

Bởi, cây mía phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Nam Trạch nên có thân vàng, đốt thưa, nhiều nước và ngọt. Đến mùa thu hoạch, các tư thương tìm về tận nơi để mua rồi bán lại cho các hàng quán ép nước phục vụ nhu cầu giải khát cho người dân. Thị trường tiêu thụ cây mía Nam Trạch khá rộng, gồm các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh…

Ông Nguyễn Quang Hải, thôn Hòa Trạch cho biết, cây mía đã và đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Trạch. Người trồng mía nơi đây đã biết áp dụng một số biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đúng thời điểm, thời vụ, nên năng suất và chất lượng cao. Gia đình ông hàng năm trồng được 0,5ha, theo giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng thu về hơn 40 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ, vì sản phẩm làm ra chủ yếu để ép lấy nước phục vụ nhu cầu giải khát, nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, năm nào nắng hạn thì được giá hơn những năm mưa nhiều. Một số người dân tự nấu mật mía để bán nhưng vẫn còn nấu theo kiểu thủ công, năng suất thấp.

Theo ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết: "Hiện đầu ra của cây mía Nam Trạch vẫn còn bấp bênh do chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài, để người dân yên tâm sản xuất, chính quyền địa phương đang định hướng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây mía, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tìm thị trường ổn định cho người trồng mía.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân về biện pháp chọn giống, thâm canh phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo hướng sạch và an toàn để cây mía đứng vững trên thị trường giải khát hiện nay".

Duy trì và phát triển diện tích trồng mía đang là hướng đi, bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu, cây trồng của Nam Trạch. Cây mía đã thực sự góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân. Hiệu quả kinh tế từ cây mía là đòn bẩy vững chắc, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở địa phương.

Tăng thu nhập từ trồng ngô lấy thân

Cây trồng truyền thống của người dân Nam Trạch trước đây chủ yếu là cao su, sắn, mía…, nhưng thời gian gần đây, cây sắn giá cả bấp bênh, cây cao su bị gãy đổ sau bão hiệu quả kinh tế thấp…, nên nhiều người dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng cây ngô lấy thân, phục vụ cho các trang trại làm thức ăn cho bò sữa trong và ngoại tỉnh.

Về Nam Trạch trong những ngày đầu năm, người dân nơi đây ai cũng vui mừng khi cây ngô đã đến kỳ thu hoạch để bán cho các doanh nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Cứ xe đến ruộng là có tiền nên khi chúng tôi hỏi về cây ngô ai cũng hứng khởi.

Người dân Nam Trạch chuẩn bị thu hoạch ngô lấy thân để bán cho các doanh nghiệp nuôi bò sữa.
Người dân Nam Trạch chuẩn bị thu hoạch ngô lấy thân để bán cho các doanh nghiệp nuôi bò sữa.

Với năng suất ước tính 40 tấn/ha và giá thành bao tiêu 1.100 đồng/kg, trừ chi phí vận chuyển, mỗi héc-ta người dân Nam Trạch thu về gần 40 triệu đồng, giá trị kinh tế cao hơn so với cùng diện tích trồng sắn trước đây. Hiện toàn xã Nam Trạch có hơn 90ha đất trồng ngô lấy thân.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Văn, thôn Chánh Hòa là một trong những hộ dân thực hiện việc chuyển đổi diện tích trồng sắn và cây cao su kém hiệu quả sang trồng ngô nguyên liệu với diện tích 1ha. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, Công ty TNHH Lê Dũng Linh thu mua ngay tại đồng ruộng, nên gia đình anh yên tâm phát triển sản xuất. Với mỗi héc-ta ngô, gia đình anh thu hoạch được 40 tấn/vụ, nếu trồng được 3 vụ, trừ chi phí, mỗi năm, anh cũng thu về gần 80 triệu đồng.

Theo anh Văn thì trồng ngô lấy thân thời gian ngắn, ít tốn công chăm sóc, đầu tư ít vốn hơn so với trồng ngô lấy hạt. Với loại cây này, mỗi năm, diện tích canh tác có thể quay vòng được 3 vụ nên tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Ngoài ra, nông dân sẽ không phải lo lắng chuyện thu hoạch, bảo quản ngô hạt cũng như sự thất thường của thời tiết. Trong thời gian tới, bà con sẽ chú trọng năng suất cũng như chất lượng của cây ngô để hợp tác lâu dài với các trang trại chăn nuôi.

Ngoài cây mía và cây ngô, chính quyền địa phương vẫn khuyến khích người dân duy trì diện tích trồng sắn, hiện toàn xã vẫn trồng được 450ha sắn nguyên liệu. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng nông nghiệp nên thu nhập người dân tăng lên đáng kể, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Nam Trạch là 41,8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,6%. Dự kiến, năm 2019, địa phương sẽ hoàn thành và cán đích nông thôn mới.

Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi năng động và đúng đắn trong chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, tuy nhiên, để kết quả chuyển đổi bền vững, hiệu quả và ổn định, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ vay vốn cần có sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan.

Thanh Hoa
 

,