.
Quảng Trạch:

Khi cây dược liệu nở hoa trên đất cằn

.
08:56, Thứ Tư, 20/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn đưa các giống cây dược liệu vào trồng tại những vùng gò đồi, đất lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, cải thiện mức sống. Chính nhờ trồng cây dược liệu, nhiều bà con đã có thêm cơ hội việc làm, thực sự thoát nghèo và vươn lên khấm khá...

Chị Phan Thị Xuyến là hộ nghèo ở thôn 7, xã Quảng Thạch, kinh tế gia đình sống chủ yếu dựa vào khoảng 800 m2 đất lúa. Trước đây, vào thời gian nông nhàn, chị Xuyến thường làm thêm đủ thứ nghề, như: nhặt hạt dẻ, hái sim, lá vằng... để kiếm thêm nguồn thu nhập trang trải sinh hoạt gia đình và nuôi con đang độ tuổi ăn học.

Nông dân xã Quảng Thạch thu hoạch cây cà gai leo.
Nông dân xã Quảng Thạch thu hoạch cây cà gai leo.

Chị Xuyến tâm sự: "Nhờ chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, cuối năm 2017, gia đình được tham gia vào tổ hợp tác trồng cà gai leo ở thôn 7. Kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác, tôi không còn phải vất vả đi thu hái lâm sản phụ vào lúc nông nhàn, mà chuyên tâm hơn vào việc đồng áng và mô hình trồng cà gai leo.

Chỉ với 1.300 m2 đất đồi cằn cỗi trong khu vườn này, gia đình tôi đã có thêm việc làm thường xuyên, thu về khoảng 15 triệu đồng/năm tiền lãi ròng nhờ trồng cà gai leo...".

Dẫn chúng tôi ra vạt đất đồi phía sau lưng nhà, chị Phan Thị Thủy, thôn 7, xã Quảng Thạch cho hay: "Trước đây, khu đất cằn cỗi này bị bỏ hoang vì toàn cây bụi. Sau đó, gia đình đã cải tạo để trồng cây keo lai, nhưng hiệu quả về kinh tế quá thấp, nguy cơ rủi ro về thiên tai rất cao.

Với sự hỗ trợ từ Ban Quản lý Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (Dự án SRDP), tổ hợp tác trồng cà gai leo thôn 7 và thôn 8 của xã Quảng Thạch đã được thành lập vào tháng 12-2017 với 30 thành viên tham gia, diện tích thực hiện bước đầu là 4 ha. Đa số các thành viên ở hai tổ hợp tác này đều là hộ nghèo và cận nghèo. Bản thân tôi được bầu làm tổ trưởng ở thôn 7".

"Lứa cà gai leo này gia đình tôi đã cắt đến lần thứ 4 rồi. Cứ sau 3 tháng thì thu hoạch một lần và sau 3 năm thì tiến hành trồng mới lại. Quá trình chăm sóc cà gai leo được tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng sản xuất nông sản sạch, không sử dụng phân bón hóa chất độc hại. Dù mới bắt tay vào thực hiện mô hình trồng cây dược liệu này được hơn 1 năm, nhưng bình quân mỗi lứa đều cho năng suất trên 50 kg thân, lá khô/sào.

Toàn bộ mô hình trồng cà gai leo ở xã Quảng Thạch đều do Công ty Sơn Trung Du (đóng tại huyện Bố Trạch) cung ứng giống và thu mua sản phẩm. Hiện nay, cà gai leo phơi khô được Công ty Sơn Trung Du thu mua với giá thành 30 nghìn đồng/kg", chị Thủy cho biết thêm.

Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch phấn khởi cho biết: "Từ năm 2017 đến nay, xã Quảng Thạch đã mạnh dạn chỉ đạo nhân dân chuyển đổi đất gò đồi kém hiệu quả sang trồng tập trung cây ăn quả, cây sắn. Đặc biệt, xã chuyển mạnh sang trồng các loại cây dược liệu, như: gừng, nghệ, nén, cà gai leo. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 8 lần so với trồng keo, tràm..".

Để tìm hiểu thêm về mô hình trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã đến khu vực xóm Phúc Tây, thôn Phúc Kiều của xã Quảng Tùng. Được biết, trước đây, khu vực này là những diện tích đất sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả ở địa phương.

Từ chủ trương nâng cao hiệu quả, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, đầu năm 2017, chính quyền xã Quảng Tùng đã đồng ý cho Công ty TNHH tổng hợp Vinh Huê thuê một khu đất rộng hơn 1 ha để trồng thí điểm cây húng quế và sả nhằm lấy nguyên liệu sản xuất tinh dầu ngay tại địa phương.

Nông dân xã Quảng Tùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sả để chế biến tinh dầu.
Nông dân xã Quảng Tùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sả để chế biến tinh dầu.

Sau khi thí điểm thành công mô hình nói trên, Đảng bộ xã Quảng Tùng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây dược liệu lên 7 ha và đang tiếp tục mở rộng thêm. Hiện tại, cứ một sào (500 m2) đất lúa được thuê lại để trồng cây dược liệu, Công ty sẽ trả số tiền hơn 1 triệu đồng/năm. Nếu được Công ty thuê vào làm, mỗi lao động sẽ được nhận khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, Công ty này đang tạo công ăn việc làm khá ổn định cho 10 lao động ở địa phương. Sản phẩm tinh dầu sả và húng quế do Công ty sản xuất đã được cơ quan chức năng kiểm định, đánh giá đạt chất lượng tốt và được nhiều đơn vị trong và ngoài nước đặt hàng.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích kịp thời trong sản xuất nông nghiệp đã động viên người dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả tích cực.

Đến thời điểm này, toàn huyện Quảng Trạch đã chuyển đổi được hàng trăm ha đất trồng lúa và đất gò đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, như: cà gai leo khoảng 17 ha (Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Hưng...); sâm Bố Chính khoảng 3 ha (Quảng Tiến, Quảng Lưu); đinh lăng 2 ha (Quảng Liên); nghệ hơn 30 ha (Quảng Thạch, Quảng Hợp); sim trên 70 ha (Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Tiến...); sả, húng quế khoảng 7ha (Quảng Tùng)...

Văn Minh

 

,