.

Phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp: "Chìa khóa vàng" tái cơ cấu ngành

.
08:47, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với việc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh ta đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá theo hướng điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu ngành và phát huy lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn, ngành nông nghiệp đã tập trung ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao vào sản xuất. Đây được xem là "chìa khoá vàng" nhằm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới...

Tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao đang là "điểm nhấn" tạo đột phá cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình nông nghiệp thông minh 4.0 được Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam ứng dụng để sản xuất các loại hoa, quả đạt chất lượng cao.
Mô hình nông nghiệp thông minh 4.0 được Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam ứng dụng để sản xuất các loại hoa, quả đạt chất lượng cao.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, đã có một số công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường.

Điển hình là các công nghệ tưới phun mưa, tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu, trồng rau, cây ăn quả; xây dựng nhà màng sản xuất rau, quả, hoa... trong lĩnh vực trồng trọt; áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động, thức ăn ủ men vi sinh, xử lý chất thải bằng biogas... trong lĩnh vực chăn nuôi; nuôi tôm trong nhà màng theo quy trình sinh học, VietGAP, lắp đặt máy dò cá ngang, sử dụng đèn led, hầm bảo quản composite... trong lĩnh vực thủy sản; ứng dụng phần mềm Formis II để theo dõi diễn biến rừng, sử dụng giống cây lâm nghiệp giâm hom, nuôi cấy mô theo hướng rừng gỗ lớn... trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 100ha. Trong đó, có 2 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT cấp chứng nhận; 3 doanh nghiệp sản xuất các loại nông sản; 2 doanh nghiệp sản xuất rau, củ, quả sạch; 2 doanh nghiệp trồng, chế biến các loại cây dược liệu và 2 doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt vỗ béo.

Ngoài ra, một số mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình... tại các địa phương trong tỉnh bước đầu phát huy hiệu quả.

Theo ông Phan Văn Khoa, những thành tựu bước đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh thời gian qua.

Năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 37,5 triệu (vượt 4,2% kế hoạch); giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 8.500 tỷ đồng, tăng 4,15%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5% so với năm 2017; có 62 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đạt 45,6% số xã...

Tập trung phát triển công nghệ cao...

Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghệ cao là xu thế tất yếu và cần thiết đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Phan Văn Khoa, hạn chế lớn nhất là trên địa bàn tỉnh ta hiện chưa có quy hoạch khu sản xuất, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít nên việc thúc đẩy ứng dụng, phát triển gặp nhiều khó khăn; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn tự phát, chủ yếu đang triển khai dưới dạng mô hình trình diễn ở các trang trại, gia trại, hộ gia đình; công nghệ cao đưa vào sản xuất chưa đồng bộ nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao...

Thời gian tới, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 và nông nghiệp hữu cơ.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đạt ít nhất trên 550ha; trong đó ngô 150ha, khoai lang 190ha, cây ăn quả 100ha, hồ tiêu 15ha, rau củ quả các loại 27ha, nông sản hữu cơ 20ha, cây dược liệu 60ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh sẽ tập trung hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi theo hình thức khép kín từ khâu giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị... với khoảng 10 hộ, tổ hợp tác, 35 trang trại, 2-3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực thủy sản phấn đấu có ít nhất trên 40ha nuôi cá nước ngọt, 50ha nuôi tôm trên cát, 30ha nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính... tập trung ở TP. Đồng Hới, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh...

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Phan Văn Khoa, cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường; chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, từ đó ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ các khâu và hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đối với một số sản phẩm có lợi thế.

Sở Nông nghiệp-PTNT cũng sẽ tập trung tham mưu thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị trong việc thiết kế bao bì, tem nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản công nghệ cao...

Ngọc Lan
 

,