.
Mô hình trồng cà gai leo ở Quảng Trạch:

Thay đổi tư duy nông nghiệp truyền thống

.
08:34, Thứ Sáu, 15/02/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Trạch về "dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi", thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã lồng ghép các nguồn kinh phí để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Trong đó, mô hình trồng cà gai leo trên vùng đất gò đồi được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao.

Tháng 10 năm 2018, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch, gia đình anh Đặng Xuân Thành, thôn Tiền Tiến, xã Quảng Châu và 2 hộ dân ở xã Quảng Tiến đã nhận 1,5 ha đất gò đồi tại xã Quảng Tiến để trồng cây cà gai leo. Gia đình anh Thành và các hộ dân đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ 100% cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Do thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất này, nên chỉ sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, những cành cà gai leo đã vươn dài phủ kín mặt đất. Đến nay, các hộ gia đình đã thu hoạch lứa cà gai leo đầu tiên.

Anh Đặng Xuân Thành cho biết: "Được sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, nên từ khi bắt đầu làm đến nay, chúng tôi luôn yên tâm và đã  thu hoạch lứa cà gai leo đầu tiên. Sản phẩm đem lại năng suất khá cao, thu nhập ổn định, chúng tôi rất vui mừng".

Vụ thu hoạch cà gai leo đầu tiên sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm trên vùng gò đồi tại xã Quảng Tiến mang lại kết quả khả quan.
Vụ thu hoạch cà gai leo đầu tiên sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm trên vùng gò đồi tại xã Quảng Tiến mang lại kết quả khả quan.

Sản phẩm cà gai leo sau khi thu hoạch sẽ được Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Tân Vĩnh Phát, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa thu mua trực tiếp. Nhờ vậy, bà con giảm được chi phí thuê nhân công sơ chế cây cà gai leo. Với diện tích 1,5ha, thu hoạch lứa đầu được khoảng 60 tấn cà gai leo, bán với giá 7 nghìn đồng/kg tươi, doanh thu đạt khoảng 420 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp Tân Vĩnh Phát cho biết: "Trong năm 2019, Hợp tác xã sẽ đồng hành với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch phát triển khoảng 10 ha cây dược liệu này. Bởi, thực tế từ vụ vừa qua cho thấy, cây cà gai leo rất phù hợp với thổ nhưỡng của Quảng Trạch. Bên cạnh đó, quy trình của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đạt quy chuẩn thu mua sản phẩm chất lượng của Hợp tác xã".

Để cây cà gai leo phát triển theo hướng tự nhiên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch đã hướng dẫn các hộ dân không sử dụng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu hay chất độc hại, chỉ sử dụng nguồn phân bón hữu cơ và phủ kín đất bằng nilon để chống cỏ dại và sâu bệnh. Nhờ vậy, sản phẩm cà gai leo đạt chất lượng cao.

Đây là mô hình đầu tiên được lựa chọn làm điểm để nhân rộng. Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Trạch cho biết: "Ngoài mô hình trọng điểm này, chúng tôi đang xây dựng trên địa bàn huyện một số mô hình khác tại các xã Quảng Trường, Quảng Lưu. Ngay tại địa bàn xã Quảng Tiến cũng có 3 mô hình khác. Tất cả các mô hình này chúng tôi đều hỗ trợ xây dựng theo quy mô tập trung và có ứng dụng công nghệ cao.

Hy vọng rằng, từ mô hình này và các mô hình khác trên địa bàn, trong những năm tới, bà con trên địa bàn huyện sẽ rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư để chuyển đổi đất vườn đồi, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn".

Minh Ánh
(Đài TT-TH Quảng Trạch)

 

,