.

Tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

.
08:46, Thứ Sáu, 04/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh dao động từ khoảng 12 đến 20 độ C, có nơi xuống thấp 8-11 độ C. Do đó, đàn vật nuôi phải tiêu tốn năng lượng, giảm sức đề kháng, nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm và chết rét cao; cây trồng cũng có nguy cơ bị thiệt hại do mưa rét. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 35.375 con trâu, 105.845 con bò, 334.065 con lợn và trên 3,7 triệu con gia cầm. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò.

Cùng với đàn vật nuôi, cây trồng cũng đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng lớn do mưa rét, nhất là diện tích lúa gieo trong vụ đông-xuân 2018-2019. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo được khoảng 4.000 ha/29.500 ha kế hoạch.

Người dân gia cố, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn bò.
Người dân gia cố, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn bò.

Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là địa phương có núi đá vôi bao quanh, nhiệt độ thường thấp hơn những vùng khác trong tỉnh từ 3 đến 5 độ C. Trong khi đó, bà con chăn nuôi gia súc chủ yếu bằng hình thức chăn thả. Để phòng, chống rét cho đàn gia súc, người dân đã chủ động cắt thêm cỏ để cho trâu bò ăn.

Anh Phan Văn Hùng, xã Tân Hóa cho biết: “Mấy hôm nay trời rét đậm nên tôi phải nhốt bò ở trong chuồng, đồng thời cho bò ăn thêm cỏ, bột ngô, muối để tăng sức đề kháng và che kín chuồng trại”. Huyện Minh Hóa là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt rét đậm, rét hại. Những ngày này, nhiệt độ ở đây chỉ ở mức từ 10 đến khoảng 15 độ C, thậm chí có ngày xuống dưới 10 độ C.

Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa, cho biết, để hạn chế thiệt hại khi nhiệt độ xuống thấp, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày gió rét dưới 15 độ C, cho ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Đối với cây trồng, huyện cũng hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét và giảm thiểu tối đa thiệt hại, đồng thời, triển khai gieo trồng bảo đảm thời vụ, đạt kế hoạch đề ra.

Với tinh thần chỉ đạo, theo dõi và bám sát cơ sở, trong những ngày qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Phòng Kinh tế TX. Ba Đồn… cũng đã có các công văn chỉ đạo kịp thời giúp bà con phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, TX. Ba Đồn, cho biết: “Phòng Kinh tế thị xã đã có các công văn tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi, đồng thời, cử cán bộ về tận cơ sở kiểm tra tình hình, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét và tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tránh tình trạng chết đói cho đàn vật nuôi; phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng…”.

Trao đổi về công tác chỉ đạo phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã có công văn tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác phòng, chống tác động của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đối với đàn vật nuôi. Trong đó, Chi cục nêu rõ các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi để các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các địa phương tập trung áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói rét cho vật nuôi; cử các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, đặc biệt, chú trọng khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói rét.

Các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Các diện tích lúa đã gieo trồng được người dân chăm sóc và thực hiện biện pháp phòng, chống rét.
Các diện tích lúa đã gieo trồng được người dân chăm sóc và thực hiện biện pháp phòng, chống rét.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống đói, rét cho vật nuôi trên các phương tiện thông tin, đại chúng đến các cộng đồng dân cư, người chăn nuôi biết để áp dụng.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện một số nội dung phòng, chống rét cho cây trồng.

Đối với những diện tích đã gieo cấy, người dân chủ động tiêu thoát nước kịp thời cho những vùng ruộng có nguy cơ bị ngập úng cục bộ, vùng thấp trũng; thực hiện phòng, chống rét cho ruộng lúa mới gieo (bổ sung phân chuồng hoai mục, tro bếp, kali).

Những ruộng chủ động nước, ban đêm cho nước vào, ban ngày tháo hết nước trên ruộng; không dặm tỉa, bón phân đạm, phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ thấp dưới 150C. Những ngày nắng ấm, người dân cần tranh thủ đẩy nhanh tiến độ gieo trồng, đồng thời, có kế hoạch dự trữ giống ngắn ngày để gieo bổ sung kịp thời diện tích lúa có thể bị chết, tuyệt đối không để hoang ruộng…

Lê Mai



 

,