.

Để thủy sản Quảng Bình phát triển bền vững

.
08:22, Thứ Năm, 03/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Quảng Bình hiện đang nỗ lực triển khai Luật Thủy sản năm 2017 cùng các giải pháp cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp nhằm góp phần xóa bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Để hiểu rõ hơn về quyết tâm này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản.

P.V:  Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019 và có nhiều quy định mới so với Luật Thủy sản năm 2013, vậy xin ông cho biết Quảng Bình liệu đã sẵn sàng để bảo đảm triển khai thi hành Luật trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Ngọc Linh:  Luật Thủy sản năm 2017 có nhiều nội dung mới, tiến bộ so với Luật Thủy sản năm 2013. Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển thủy sản trong tình hình mới của nước ta nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Để triển khai hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 832/KH-UBND ngày 31-5-2018 về việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai Luật.

Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương đã tập trung thực hiện nhiệm vụ, như: tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Thuỷ sản năm 2017 đến người dân và cán bộ quản lý, đặc biệt các đối tượng chịu tác động của Luật, như: chủ tàu, ngư dân, cơ sở đóng mới tàu cá, cơ sở nuôi, chế biến thuỷ sản, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, các cán bộ có liên quan đến quản lý thuỷ sản…; rà soát tổng thể các đối tượng chịu tác động của Luật, như: số tàu cá, số cơ sở đóng mới tàu cá, trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản…

Bước đầu tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá về tàu cá, tích hợp các thông tin về số đăng ký tàu cá, chủ tàu, kích thước, nghề,…

Quảng Bình kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghề cá và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Quảng Bình kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghề cá và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU.

Nhờ triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các giải pháp, Quảng Bình đã chuẩn bị tốt và sẽ triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, đưa ngành thuỷ sản của tỉnh phát triển bền vững, hiện đại hơn.

P.V: Vậy thưa ông, các nỗ lực của Quảng Bình nhằm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu trong năm qua có kết quả như thế nào?

Ông Lê Ngọc Linh: Qua 1 năm triển khai thực hiện, Quảng Bình cơ bản đạt được những kết quả khả quan. Trước hết, phần lớn người dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là ngư dân và cán bộ quản lý thủy sản, đã có chuyển biến nhận thức về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU), tác hại "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu và các hoạt động chống khai thác IUU của các cơ quan chức năng.

Những kết quả trên là nhờ vào việc triển khai, tuyên truyền đồng bộ, toàn diện với sự tham gia của các ngành, các tổ chức từ cấp tỉnh đến huyện, xã theo nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, như: tuyên truyền trực tiếp thông qua tổ chức hội nghị, ký cam kết, vận động, phát tờ rơi, tờ dán, sổ tay pháp luật, phát trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương....

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản còn đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ tàu cá, tiến hành ký kết và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp 927/QCPH ngày 2-5-2018 về chống khai thác IUU giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố thị xã ven biển để tăng cường năng lực, hiệu quả chống khai thác IUU; thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra nghề cá để thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu xuất, nhập bến và thực hiện nghiêm, thực chất công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác không vi phạm IUU theo đúng quy định...

Hiện Trạm bờ Chi cục Thuỷ sản đang tiến hành nâng cấp để giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển tự động 2 giờ/lần bảo đảm chính xác theo khuyến nghị của EC; rà soát, tổng hợp số liệu tàu cá, bao gồm các thông tin về chủ tàu, kích thước tàu, nghề khai thác, hạn đăng kiểm..., báo cáo Tổng cục Thủy sản để cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Tiếp theo, đơn vị tăng cường thanh tra và xử lý vi phạm khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan ban, ngành liên quan trong tỉnh đã tổ chức trên 50 cuộc, phát hiện và xử lý 121 trường hợp vi phạm, xử phạt 741 triệu đồng, tịch thu 20 bộ kích điện.

UBND tỉnh đã xử lý kiên quyết, cắt hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg đối với các chuyến biển vi phạm với tổng số tiền 275 triệu đồng, đồng thời, buộc các chủ tàu ký cam kết không tái phạm. Chính nhờ triển khai công tác kiểm soát chặt chẽ mà hoạt động khai thác IUU và tình trạng tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác thuỷ sản trái phép tại vùng biển ven bờ đã giảm.

P.V: Trong thời gian tới, Quảng Bình có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, góp phần tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" nhằm phát triển nghề cá “lành mạnh”?

Ông Lê Ngọc Linh: Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng trên thực tế, tình trạng vi phạm khai thác IUU chưa được ngăn chặn triệt để. Trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được giao trong công tác chống khai thác IUU và xem đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị, địa phương.

Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật về khai thác thủy sản, phòng chống khai thác IUU; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nghề cá và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU; ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tàu nước ngoài khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản gắn với thực hiện tốt các quy định về khai thác IUU.

Và để tăng cường hơn nữa khả năng chống khai thác IUU, tỉnh đã đề nghị với các bộ, ngành Trung ương bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh đầu tư đóng mới tàu kiểm ngư công suất trên 1.000CV để phục vụ công tác thanh tra, kiểm soát và tham gia cứu hộ, cứu nạn vùng biển; bố trí nguồn kinh phí để xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vùng Bắc Sông Gianh đã được Chính phủ cho chủ trương thực hiện.

Hiền Phương (thực hiện)
 

,