.
Xã Trường Sơn:

Đổi thay từ chính sách tín dụng ưu đãi

.
11:00, Thứ Năm, 29/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh hiện có 4 thôn, 15 bản, trong đó có nhiều bản ở xa trung tâm xã, như: Dốc Mây, Pờ Loang, Rìn Rìn… Đời sống của người dân rất khó khăn, bấp bênh, nhất là các hộ gia đình dân tộc Bru-Vân Kiều. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã cũng được đẩy mạnh, bà con có điều kiện vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống người dân có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ gia đình mạnh dạn mở thêm nghề dịch vụ, phát triển trồng trọt và chăn nuôi, từng bước giải quyết việc làm và tăng thu nhập…

Nhiều hội viên, các tổ chức hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) đã tích cực đồng hành với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Ninh trong công tác “giảm nghèo” của địa phương.

Đến nay, trên địa bàn xã Trường Sơn có 12 tổ TKVV hoạt động hiệu quả, trong đó có 5 tổ do Hội Phụ nữ đảm nhận, 5 tổ do Hội Nông dân và 2 tổ được Đoàn thanh niên quản lý. Tính đến cuối tháng 10-2018, xã Trường Sơn có 526 hộ được vay vốn của NHCSXH huyện với tổng số tiền 13.850 triệu đồng; trong đó, vốn vay trong hạn đạt 13.827 triệu đồng, vốn quá hạn 17 triệu đồng, khoanh nợ 7 triệu đồng; tỷ lệ nợ quá hạn: 0,013%. Huy động tiết kiệm tại các tổ có số dư là 334 triệu đồng.

Các tổ TKVV xã Trường Sơn đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa người dân và tổ chức tín dụng.
Các tổ TKVV xã Trường Sơn đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa người dân và tổ chức tín dụng.

Kết quả này có sự nỗ lực không nhỏ của cấp ủy, chính quyền xã, Ban giảm nghèo xã, các tổ chức hội, mà trực tiếp là các tổ trưởng tổ TKVV. Ông Hoàng Xuân Ninh, sinh năm 1956, là một trong 12 tổ trưởng tổ TKVV đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương. Lớn lên từ núi rừng, nhiều năm gắn bó với dân bản, ông Hoàng Xuân Ninh luôn thấu hiểu nỗi khó khăn của việc thoát nghèo khi không có nguồn vốn.

Chính vì vậy, khi được NHCSXH huyện Quảng Ninh tín nhiệm giao trọng trách làm Tổ trưởng Tổ TKVV, ông đã rất nhiệt tình, tích cực với công việc. Ông được giao phụ trách địa bàn các thôn, bản Tân Sơn, Hôi Rấy, Nước Đắng…

Mặc dù điều kiện giao thông không mấy thuận lợi, địa bàn đồi núi, sông suối chia cắt, nhưng nhờ nỗ lực công tác, đến cuối tháng 10-2018, ông Hoàng Xuân Ninh đã quản lý 41 khách hàng, trong đó có 20 hộ người Vân Kiều với số vốn ủy thác lên tới gần 1,2 tỷ đồng, huy động tiết kiệm được 20 triệu đồng. Đối với các hộ vay vốn, ông luôn quan tâm, gần gũi để giúp bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Ông Hoàng Xuân Ninh chia sẻ, bà con ở xã Trường Sơn, đặc biệt là bà con dân tộc Vân Kiều ở các bản xa trung tâm, có cuộc sống hết sức khó khăn, do đó, bà con chủ yếu vay các khoản nhỏ để chăn nuôi lợn, gà hay trồng trọt ngắn ngày.

Tuy nhiên, nhờ được sự tư vấn và hỗ trợ của NHCSXH huyện và các cấp hội, những năm gần đây, bà con xã Trường Sơn đã mạnh dạn vay số tiền lớn để phát triển kinh tế, như: trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc, trong đó tại tổ vay vốn do ông Ninh quản lý có đến 9 hộ vay số tiền 50 triệu đồng/hộ, 13 hộ vay từ 20-48 triệu đồng/hộ, còn 2 hộ vay thấp nhất là 2 triệu đồng/hộ…

Ngoài tổ TKVV do ông Hoàng Xuân Ninh quản lý, phần lớn các tổ TKVV còn lại trên địa bàn xã Trường Sơn cũng đã phát huy hiệu quả trong việc làm “cầu nối” giúp bà con phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Các tổ trưởng tổ TKVV đã luôn tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; chấp hành các quy trình nghiệp vụ của NHCHXH huyện; đồng thời, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các thành viên trong tổ, cũng như nắm chắc tình hình sản xuất của các hộ gia đình vay vốn được giao phụ trách. Nhờ đó, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn xã Trường Sơn từng bước đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, giúp cho người dân từng bước vươn lên trong cuộc sống…

H.Phương-L.Hương
 

,