.

Báo động tình trạng giết mổ gia cầm tự phát tại các chợ

.
08:42, Thứ Hai, 12/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, tình trạng giết mổ gia cầm ngay tại chỗ diễn ra khá phổ biến, báo động nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và lây nhiễm dịch bệnh gia cầm.

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều khu vực từ chợ lớn đến chợ cóc, chợ tạm tại thành phố, thị xã hoặc huyện đều có những điểm giết mổ gia cầm tự phát. Các chủ cơ sở vừa giết mổ gia cầm do mình kinh doanh, vừa mở dịch vụ giết mổ gia cầm cho người dân có nhu cầu, chủ yếu là gà, vịt, ngan, ngỗng với giá từ 20 đến 60 nghìn đồng/con.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (Nam Lý, TP. Đồng Hới) cho biết: "Mỗi lần trong nhà có việc hay muốn ăn gà, vịt hoặc bất cứ con gì tôi đều mua ở người quen rồi đem ra chợ nhờ người ta làm giúp". Khi được hỏi tại sao không mua gia cầm làm sẵn ngoài chợ, chị cho biết: "Gia cầm làm sẵn mình không biết được nguồn gốc nên tôi luôn chọn mua ở chỗ người quen".

Không riêng gì chị Quỳnh mà đa phần người tiêu dùng đều làm theo cách này, một phần do quỹ thời gian hạn hẹp, một phần giá tiền công giết mổ cũng rất phải chăng. Có cầu thì ắt có cung, vì người mua có nhu cầu nên những người bán sẵn sàng đáp ứng, do đó, dịch vụ này ngày càng hút khách. Việc giết mổ gia cầm tại chợ đem lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhiều người, tuy nhiên, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ làm tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và lây nhiễm dịch bệnh gia cầm.
Hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ làm tăng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và lây nhiễm dịch bệnh gia cầm.

Có mặt tại chợ Đồng Hới, chúng tôi nhận thấy có đến 5, 6 người bán gia cầm có kèm theo dịch vụ giết mổ. Đây là chợ đầu mối lớn của tỉnh, thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan, mua sắm. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong diện tích chừng mươi mét vuông, phía trước người ta kê kệ bán gà, vịt đã giết mổ sẵn bên cạnh những chiếc lồng đựng gà, ngan, vịt sống.

Điểm chung giữa các điểm giết mổ gia cầm tại chỗ là ẩm thấp, nhếch nhác. Người kinh doanh, giết mổ gia cầm tại chợ vẫn chưa ý thức bảo vệ sức khoẻ cho bản thân. Một số người không đeo găng tay, khẩu trang khi bắt, giết mổ gia cầm. Không riêng gì ở chợ Đồng Hới mà các chợ khác trên địa bàn tỉnh đều có chung thực trạng. Mặc dù các ban quản lý chợ đều khẳng định đã chú trọng đến việc thực hiện tốt vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực kinh doanh gia cầm sống...

Luật Thú y năm 2015 quy định, với các thành phố lớn, khu vực thành thị, việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Các địa phương phải quy hoạch điểm bán gia cầm sống riêng, gia cầm sau giết mổ riêng biệt. Việc quản lý, kiểm soát giết mổ gia cầm tại các chợ do thẩm quyền của địa phương và các ban quản lý chợ thực hiện.

Cũng theo quy định của Luật Thú y, động vật có trong danh mục động vật thuộc diện phải kiểm soát giết mổ được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy trình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, gần như khâu kiểm soát thú y đối với gia cầm giết mổ tại chợ đang bị bỏ ngỏ.

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở đăng ký hoạt động giết mổ động vật tập trung được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tính đến 1-10-2018 có 116/681 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết, để công tác kiểm soát giết mổ thực hiện đúng luật thú y và để thuận lợi cho việc xử lý các hộ giết mổ gia súc, gia cầm không chấp hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y dừng đóng dấu kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đủ điều kiện từ ngày 1-11-2018 (riêng huyện Quảng Ninh là đến ngày 15-11-2018, huyện Lệ Thủy đến ngày 30-11-2018). Bên cạnh đó, đơn vị yêu cầu các ban, nghành liên quan thực hiện tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Giết mổ gia cầm tự phát tại các chợ trên địa bàn tỉnh có thể sẽ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh gia cầm, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng sản phẩm thịt gia cầm.

Vì vậy, để bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị các cấp, các ngành cần có các giải pháp chấn chỉnh kịp thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền cho người buôn bán giết mổ gia cầm cam kết thực hiện nghiêm những quy định, nội quy để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Phạm Hà
 

,
  • Xã Đức Hóa: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp

    (QBĐT) - Những năm qua, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) luôn tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong đó, chính quyền và người dân xã Đức Hóa xác định công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa là chủ lực.

    12/11/2018
    .
  • Ông Lê "chuyển đổi"

    (QBĐT) - Về thôn Bình An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, hỏi đến cựu chiến binh (CCB) Trương Minh Lê, hầu như ai cũng biết và đều nhắc đến biệt danh "ông Lê chuyển đổi" hoặc "ông Lê chủ nhiệm", "ông Lê giám đốc"...

    12/11/2018
    .
  • ALCII phá sản không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Agribank

    Ngày 11-11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ra thông cáo báo chí trước tin đồn thất thiệt về việc Agribank phá sản sau khi có thông tin liên quan vụ việc của công ty Cho thuê tài chính II (ALCII).

    12/11/2018
    .
  • Ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,55% trong giai đoạn 2013-2017

    Sau 5 năm thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững," sức sản xuất trong nông nghiệp đã tăng lên rõ rệt, đưa ngành trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế cả nước.

    11/11/2018
    .
  • Thị xã Ba Đồn: Phát triển 5 chuỗi sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao

    (QBĐT) - Ngày 9-11, UBND thị xã Ba Đồn tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất hiệu quả và thực hiện chương trình "mỗi xã một sản phẩm" năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019.

    10/11/2018
    .
  • Đầu tư 37 tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất kính cường lực

    (QBĐT) - Thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2018 của Bộ Công thương, chiều 9-11, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ tổng hợp Quang Hùng Phát tổ chức xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất kính cường lực.

    10/11/2018
    .
  • Quảng Trạch: Lãng phí tài nguyên từ các "dự án treo"

    (QBĐT) - Những năm qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để nhận mặt bằng, xây dựng một số hạng mục công trình, hoặc đầu tư dàn trải rồi bỏ hoang, làm lãng phí tài nguyên đất đai, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

    10/11/2018
    .
  • Lệ Thủy: Doanh thu của các HTX đạt 76,5 tỷ đồng

    (QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Lệ Thủy có 3 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX lên 64 HTX; doanh thu đạt 76,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

    10/11/2018
    .