.

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Vẫn còn vướng mắc

.
09:09, Chủ Nhật, 21/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP “về một số chính sách phát triển thủy sản” (sau đây gọi tắt là Nghị định 67) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định. Ngư dân có điều kiện đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, vừa tham gia phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc cả về khách quan lẫn chủ quan mà ngư dân và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang gặp phải rất cần có sự phối hợp đồng bộ, giải quyết kịp thời của chính quyền địa phương.

Những kết quả nhất định

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cho 117 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Các ngân hàng thương mại cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng cho 87/117 tàu.

Trong đó, có 55 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite và 31 tàu vỏ thép. Các huyện có số lượng tàu đóng mới nhiều nhất là Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới. Tổng mức đầu tư đóng tàu là hơn 1.265 tỷ đồng, trong đó ngân hàng cho vay hơn 989 tỷ đồng.

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Trạch hoạt động kém hiệu quả.
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Trạch hoạt động kém hiệu quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ bảo hiểm cho chủ tàu với tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu thu mua thủy sản 1,1 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ thực hiện Nghị định 67, các ngành, địa phương đã hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức 7 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho 214 ngư dân, trong đó có cả những ngư dân không thuộc những tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67.

Ngoài ra, 81 tàu cá đóng mới, nâng cấp trên toàn tỉnh tham gia hoạt động trên các vùng biển xa cũng đã được hỗ trợ chi phí nhiêu liệu chuyến biển với tổng số tiền 48 tỷ đồng. Rõ ràng, các chính sách hỗ trợ nói trên đã góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển, nâng cao hiệu quả sản xuất và chủ động trả nợ cho các ngân hàng.

Liên quan đến việc hỗ trợ ngư dân khắc phục tàu vỏ thép đóng mới không bảo đảm chất lượng, các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại cũng đã phối hợp tuyên truyền cho ngư dân được biết.

Cụ thể là khi tàu bị hư hỏng thì các chủ tàu nên trực tiếp liên hệ với cơ sở đóng tàu để thống nhất giải quyết theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp-PTNT, các ngân hàng thương mại để được hướng dẫn, tư vấn giải quyết.

Thực tế thời gian qua cho thấy, có 11 tàu bị hư hỏng, chủ tàu đã làm việc với các cơ sở đóng tàu để thống nhất biện pháp khắc phục và đã thực hiện. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng đã phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết; đồng thời, phân định rõ những chủ tàu thực sự khó khăn trong việc trả nợ để tìm biện pháp hỗ trợ hợp lý.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Đến ngày 1-10-2018, trong tổng số 87 tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 chỉ có 18 tàu trả nợ ngân hàng bình thường, 25 tàu cá vẫn trả được nợ nhưng có nguy cơ chuyển sang nợ quá hạn, 23 tàu cá thường xuyên quá hạn trả nợ cả gốc lẫn lãi, đặc biệt có 21 tàu không được nợ gốc và lãi. Điều này phản ánh thực tế hiệu quả khai thác thủy sản của các tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 không cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các ngân hàng thương mại không kiểm soát được dòng tiền thu, chi lợi nhuận của các chủ tàu cá trong quá trình hoạt động sản xuất. Đa số các tàu cá hoạt động không hiệu quả. Cá biệt có một số chủ tàu cá hoạt động có hiệu quả nhưng chây ỳ, cố tình không trả nợ cho ngân hàng.

Về mặt khách quan, giá thành đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 cao hơn so với đóng tàu thông thường do phải tuân thủ các quy định hiện hành, như: thuê xây dựng, thẩm định dự toán, hóa đơn chứng từ… Hơn nữa, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngư dân do sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ, giá bán thấp.

Nói về hiệu quả khai thác của các tàu vỏ thép, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc thiết kế tàu cá chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến phải điều chỉnh, sửa chữa lại làm tăng giá thành; một số chủ tàu chưa có ý thức trong việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tàu cá vỏ thép một cách thường xuyên theo quy định dẫn đến hư hỏng, kéo theo đó là hiệu quả sản xuất thấp.

Trong một buổi làm việc mới đây của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh với các sở, ngành liên quan, có ý kiến cho rằng nhiều tàu cá của ngư dân bị mất hết hoặc mất một phần ngư lưới cụ nhưng không được bồi thường bảo hiểm đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Tàu cá của ông Ngô Xuân Cảnh ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) là một ví dụ điển hình khi phải nằm bờ từ tháng 8-2017 đến nay.

Những con tàu đóng mới theo Nghị định 67 thường có kinh phí khá lớn.
Những con tàu đóng mới theo Nghị định 67 thường có kinh phí khá lớn.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Tài chính tại Công văn số 18759/BTC-QLBH về việc chấp thuận thay thế quy tắc, điều khoản, phí bảo hiểm theo Nghị định 67 thì việc bồi thường bảo hiểm ngư lưới cụ chỉ được thực hiện trong trường hợp ngư lưới cụ bị mất khi tàu mất tích, chìm hoặc hư hỏng toàn bộ.

Anh Trương Ngọc Tú, ngư dân ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) chia sẻ, theo quy định tại Nghị định 67, nếu các chủ tàu không trả nợ đúng theo thời hạn đã được hai bên ký kết tại hợp đồng tín dụng thì sẽ không được hỗ trợ lãi suất, dẫn đến lãi phải trả từ 1%-3%/năm tăng lên 7%-10%/năm.

Điều này cũng gây khó cho ngư dân, bởi bà con sản xuất theo mùa vụ, thuận lợi và khó khăn luôn đan xen. Nếu gặp thời điểm khó khăn, không kịp trả được nợ đúng thời hạn thì sau đó phải trả thêm phần lãi suất không được hỗ trợ. Mặt khác, hiện nay, việc thiếu lao động nghề đi biển dẫn đến giá thuê lao động rất cao.

Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, các chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định 67 đã được thay đổi tại Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Cụ thể là giảm mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu từ 70% - 90% theo công suất xuống còn 50%, dừng thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu thu mua thủy sản.

Rõ ràng, thực hiện Nghị định 67 đã góp phần tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế nhưng cũng nảy sinh những khó khăn vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Điều này đòi hòi phải có sự hợp lực của chính quyền địa phương, các ngành liên quan và ngư dân.

Nguyễn Hoàng
 

,