.

Quảng Trạch: Nỗ lực khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển

.
09:39, Thứ Sáu, 03/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tính đến tháng 7-2018, việc chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân sau sự cố môi trường biển trên địa bàn huyện Quảng Trạch cơ bản đã hoàn thành, đạt kết quả cao. Hai năm sau sự cố môi trường biển, nhờ nỗ lực khôi phục sản xuất của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các xã ven biển huyện Quảng Trạch đã ổn định trở lại và có sự khởi sắc.

Cơ bản hoàn thành việc chi trả, đền bù thiệt hại

Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động khai thác, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Các phương tiện khai thác ngừng hoạt động, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Qua khảo sát, tại địa bàn huyện Quảng Trạch có 14/18 xã chịu ảnh hưởng từ sự cố nói trên.

Ngay sau khi có Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền huyện Quảng Trạch đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức đoàn thể khẩn trương bắt tay vào triển khai thực hiện.

Ngư dân huyện Quảng Trạch đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt sau sự cố môi trường biển.
Ngư dân huyện Quảng Trạch đóng tàu cá công suất lớn để vươn khơi đánh bắt sau sự cố môi trường biển.

Huyện đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn kê khai, thẩm định, phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại, từng bước giúp người dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình sản xuất...

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, chính quyền, huyện Quảng Trạch đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp, ban hành văn bản chỉ đạo để giúp dân tập trung khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và vươn lên trong cuộc sống. Huyện đã tích cực đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại.

Ông Tưởng Xuân Hải, Phó Chủ tịch HĐND huyện Quảng Trạch cho biết, sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, UBND huyện Quảng Trạch đã thành lập Hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại gồm 32 đồng chí theo đúng hướng dẫn của cấp trên và chia thành 2 tổ thẩm định (mỗi tổ phụ trách 7 xã).

Tiếp đó, huyện tích cực chỉ đạo các xã thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định thiệt hại cấp xã; in ấn, sao gửi đầy đủ các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành để gửi cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã để áp dụng triển khai thực hiện.

Đồng thời, huyện giao Chủ tịch UBND các xã chịu trách nhiệm về kê khai, xác định thiệt hại, phê duyệt, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định.

Ngoài ra, UBND huyện Quảng Trạch còn chỉ đạo các phòng, ban theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên bám sát cơ sở, thành lập các đoàn liên ngành về ngay tại cơ sở để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, huyện tăng cường chỉ đạo các địa phương huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia từ khâu thống kê, công khai, kiểm tra giám sát; đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với việc xử lý hậu quả sự cố môi trường biển.

Đối với những địa phương có tình hình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm hoặc có nhiều vướng mắc, UBND huyện thành lập tổ công tác đặc biệt do 1 đồng chí lãnh đạo huyện làm tổ trưởng về trực tiếp tại xã, thôn để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ hướng dẫn giải quyết những phát sinh, vướng mắc ngay tại cơ sở (như ở Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Phú, Quảng Đông...).

Đến nay, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Quảng Trạch là 509.759 triệu đồng, trong đó đã giải ngân được trên 508.877 triệu đồng, bằng 99,8% so với số tiền đã phê duyệt...

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, báo cáo giám sát việc chi trả, đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 29-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ của HĐND huyện Quảng Trạch đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại,hạn chế, như: việc triển khai thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ ở giai đoạn đầu còn chậm; công tác kiểm soát hồ sơ đền bù của các đối tượng chưa được chặt chẽ nên cò để xảy ra tình trạng trùng tên hoặc nhận đền bù không đúng đối tượng quy định; nhận thức của một số người dân còn thấp, mang tư tưởng cào bằng; một số không thuộc đối tượng đền bù vẫn đấu tranh, khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người để gây áp lực đòi được đền bù; tinh thần, thái độ, trách nhiệm của một số cán bộ xã, thôn chưa được phát huy...

Khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển

Song song với việc thực hiện đền bù, hỗ trợ người dân khắc phục sự cố môi trường biển, thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và khôi phục sản xuất cho người dân, đặc biệt nhất là những người dân ven biển, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển gây ra.

Ông Đậu Minh Ngọc, Bí thư Huyện uỷ Quảng Trạch cho biết, Quảng Trạch là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự cố môi trường biển. Khi xảy ra sự cố môi trường, nhiều phương tiện khai thác thuỷ, hải sản ngừng hoạt động, hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn gặp nhiếu khó khăn trong cuộc sống.

Nghề nuôi trồng thuỷ sản ở xã Quảng Tùng được khôi phục mạnh mẽ.
Nghề nuôi trồng thuỷ sản ở xã Quảng Tùng được khôi phục mạnh mẽ.

Trước thực tế đó, thời gian qua, Huyện uỷ đã chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch đẩy mạnh triển khai các biện pháp, giải pháp để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân bằng các việc làm, như: triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”; tăng cường vận động nhân dân tích cực thực hiện theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thuỷ sản; chú trọng thực hiện có hiệu quả Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động...

Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhiều người dân ở các xã biển của huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, tạo việc làm và bước đầu cho thu nhập khá, như: mô hình nuôi chim yến ở thôn Xuân Hoà (xã Quảng Xuân), mô hình nuôi vịt biển ở xã Quảng Tùng; mô hình phát triển kinh doanh, dịch vụ, du lịch ở xã Cảnh Dương cùng nhiều mô hình trồng rau, chăn nuôi gà, vịt đàn…

Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản tại huyện Quảng Trạch đã trở lại bình thường. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư, cải hoán phương tiện để vươn khơi đánh bắt hải sản. Các chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản đã tu sửa, cải tạo ao hồ để thực hiện việc nuôi trồng...

Nhờ đó,  năm 2017, giá trị nông-lâm-thuỷ sản trên địa bàn huyện tăng 7,9% so với năm 2016; tổng sản lượng lương thực đạt 39.527 tấn, tăng 1,3% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị nông-lâm-thuỷ sản trên địa bàn tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thuỷ, hải sản đạt 6.102 tấn, tăng 7,31% ...

Văn Minh

 

,