.

Quảng Ninh: Đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới

.
08:35, Thứ Sáu, 17/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền thông qua những cách làm sáng tạo, linh hoạt, huyện Quảng Ninh đang từng bước nỗ lực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Để phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong phong trào xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chương trình MTQG về xây dựng NTM; đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, làm tốt việc quán triệt, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa, nhiệm vụ xây dựng NTM.

Nhờ đó, nhân dân trên địa bàn đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công, chung tay xây dựng NTM. Đến nay, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; an ninh chính trị xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện…

Theo số liệu báo cáo từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh, tính đến nay, tổng số tiêu chí của 14 xã là 217 tiêu chí; đạt trung bình 15,5 tiêu chí/xã và cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh.

Trong đó, có 6 xã đạt 19 tiêu chí (Lương Ninh, Vĩnh Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Võ Ninh); 2 xã đạt 16 tiêu chí (Gia Ninh, Hàm Ninh); 2 xã đạt 15 tiêu chí (Tân Ninh, Vạn Ninh); 1 xã đạt 14 tiêu chí (An Ninh); 1 xã đạt 12 tiêu chí (Trường Xuân); 1 xã đạt 11 tiêu chí (Hải Ninh) và 1 xã đạt 4 tiêu chí (Trường Sơn).

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, so với những năm đầu khi mới triển khai, phong trào xây dựng NTM ở Quảng Ninh thời gian gần đây có chững lại; số tiêu chí tăng thêm ít, một số tiêu chí chất lượng chưa cao.

Hệ thống kênh mương huyện Quảng Ninh được đầu tư xây dựng.
Hệ thống kênh mương huyện Quảng Ninh được đầu tư xây dựng.

Đa số các xã đều tập trung quan tâm thực hiện những tiêu chí không cần nhiều đến nguồn vốn, chính vì vậy, một số tiêu chí còn lại đòi hỏi kinh phí cao, như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học…, có tỷ lệ đạt còn thấp. Bên cạnh đó, các tiêu chí về môi trường vẫn còn gặp khó khăn; ý thức bảo vệ môi trường của người dân một số nơi trên địa bàn còn hạn chế.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện Quảng Ninh đã chú trọng chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực cho chương trình MTQG về xây dựng NTM, xem đây là việc làm cần thiết, thường xuyên.

Huyện đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư, làm cho nhận thức của cán bộ và nhân dân về nông thôn mới chuyển biến tích cực; đồng thời tích cực lồng ghép các chương trình, dự án, đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, các chính sách xã hội, như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề đã được tích cực triển khai.

Nhằm tăng tiêu chí Giao thông, huyện đã triển khai đẩy nhanh tiến độ đường Hà Thiệp – Bảo Ninh, đường cấp 3 Ninh Châu đi trạm bơm Rào Bạc, đường Khe Dây đi Khe Ngang, đường tránh lũ phía nam cầu Trung Quán đến Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh...; đồng thời, hoàn thiện các thủ tục phê duyệt và tổ chức đấu thầu một số công trình xây dựng mới. Huyện cũng đã quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi; tiếp tục hoàn thiện các công trình trường mầm non, nhà hiệu bộ...

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ước tính 88,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện 15,8 tỷ đồng; ngân sách xã 15 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 3,8 tỷ đồng.

Xác định nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời có những chủ trương đúng đắn phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương trong thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 9,5%, hộ cận nghèo 9,2%.

Năm 2018, theo kế hoạch, huyện Quảng Ninh sẽ có 2 xã, gồm: Vạn Ninh và Gia Ninh, sẽ cán đích nông thôn mới. Tại xã Gia Ninh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng xã đã tranh thủ mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí NTM.

Đến nay, toàn xã có 100% hộ sử dụng điện an toàn; 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; 6/7 thôn trong xã đạt chuẩn làng văn hóa; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 29,5 triệu đồng/người/năm.

Riêng tại xã Vạn Ninh, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyền truyền, vận động nhân dân tích cực đóng góp công sức, tiền của vào việc thực hiện chương trình, xã đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đối với các tiêu chí chưa đạt được.

Đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM và đang xây dựng kế hoạch thực hiện, phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm hoàn thành các hạng mục công trình, phần đấu hoàn thiện 4 tiêu chí còn lại, gồm: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường.

“Trong thời gian tới, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng NTM thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, huyện rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM, trong đó ưu tiên 2 xã Vạn Ninh và Gia Ninh để cán đích trong năm 2018 theo đúng lộ trình”, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết thêm.

Th.Hải
 

,