.

Nỗ lực "gỡ" thẻ vàng đối với thủy sản

.
08:01, Thứ Năm, 30/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 13-12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 theo cảnh báo của Liên minh Châu Âu (EC). Với những nỗ lực cùng cả nước khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm "gỡ" thẻ vàng do EC áp dụng đối với thủy hải sản khai thác của Việt Nam, thời gian qua, Quảng Bình đã tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm về khai thác IUU.

Theo ông Hoàng Viết Thông, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, đối với tỉnh Quảng Bình, các hành vi khai thác bất hợp pháp chủ yếu là tình trạng tàu giã cào đôi ngoại tỉnh khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ; tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy hải sản; đặc biệt là hoạt động khai thác thủy hải sản trái phép tại vùng biển Trung Quốc vẫn chưa được chấm dứt.

Do đó, cần đẩy mạnhcông tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu về việc phải khai thác thủy sản hợp pháp, xác nhận nguồn gốc sản phẩm, cam kết không vi phạm vùng biển, lãnh thổ nước ngoài; đồng thời tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác IUU.

Với những nỗ lực triển khai thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra nghề cá cho cán bộ quản lý các xã, phường, ban quản lý cảng cá và các tổ hợp tác, tổ đoàn kết, tổ biển xa và nghiệp đoàn nghề cá; phối hợp với các đơn vị, địa phương cấp phát gần 2.000 tờ rơi, 500 sổ tay pháp luật tuyên truyền cho ngư dân; tổ chức cho hơn 500 chủ tàu khai thác xa bờ bờ ký cam kết không vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không vi phạm ranh giới các vùng biển, lãnh thổ nước ngoài để khai thác hải sản; phối hợp với Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Bản tin Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền về các nội dung phòng, chống khai thác IUU.

Trong tháng 4-2018, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra nghề cá để thực hiện việc kiểm soát tàu cá xuất cảng, nhập cảng. Từ khi thành lập đến nay, Văn phòng đã tổ chức kiểm tra được 419 tàu cá, trong đó 304 tàu xuất bến và 113 tàu cập bến.

Trạm Bờ của Chi cục Thủy sản cũng đã thực hiện thông tuyến với Trạm bờ của Tổng cục thủy sản và các tỉnh ven bờ, nhờ đó, bước đầu theo dõi hành trình tàu cá hàng ngày đối với gần 1.200 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VX1700.

Lực lượng Thanh tra Thuỷ sản (Chi cục Thuỷ sản) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu hành nghề giã cào trên vùng biển tỉnh ta.
Lực lượng Thanh tra Thuỷ sản (Chi cục Thuỷ sản) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các tàu hành nghề giã cào trên vùng biển tỉnh ta.

Dữ liệu của trên 1.000 tàu cá xa bờ cũng đã được Chi cục chuyển cho Tổng cục Thủy sản cập nhật trên hệ thống dữ liệu quản lý tàu cá Quốc gia VNFishbase. Từ đầu năm đến nay, Chi cục cũng đã thực hiện 4 giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu sang Châu Âu với khối lượng gần 62.000kg, bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Chi cục Thuỷ sản còn phối hợp với bộ đội Biên phòng và các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác bất hợp pháp tại vùng biển.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát gần 1.000 lượt tàu cá, phát hiện và lập biên bản xử lý 82 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính gần 440 triệu đồng; tịch thu 20 bộ kích điện. Đối với tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, theo thông báo của Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Bình có 14 tàu cá/16 lượt vi phạmvùng biển Trung Quốc.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh 12 tàu cá/13 lượt thì có 9 tàu cá/10 lượt chỉ đi qua vùng biển Trung Quốc, không có hoạt động khai thác thủy sản và có 3 tàu cá/3 lượt có hoạt động khai thác thủy hải sản trái phép tại vùng biển Trung Quốc.

Đối với các tàu cá có hoạt động khai thác trái phép, ngoài việc thông báo về địa phương để tuyên truyền, răn đe và yêu cầu ký cam kết không tái phạm, UBND tỉnh còn không thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48/2010-QĐ-TTg đối với các chuyến biển vi phạm này. 2 tàu cá/3 lượt vi phạm vùng biển nước ngoài còn lại đang được kiểm tra, xác minh theo quy định.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, nên sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, tình hình tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, đặc biệt đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ.

Tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 (6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 14 tàu cá/16 lượt vi phạm, cùng kỳ năm 2017 là 25 tàu/22 lượt vi phạm, cả năm 2017 có 40 tàu cá/ 43 lượt vi phạm).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của tỉnh ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, như: công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến tại cảng cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu gặp nhiều khó khăn do mới lần đầu triển khai thực hiện, trong khi điều kiện, tập quán của người dân còn hạn chế, cần thời gian tuyên truyền, vận động người dân chấp hành; vùng biển từ đường đóng cửa Vịnh Bắc bộ đến quần đảo Hoàng Sa chưa rõ ranh giới giữa nước ta với Trung Quốc nên khó phổ biến cho ngư dân, dẫn đến tình trạng tàu cá vô tình vi phạm vùng biển Trung Quốc.

Bên cạnh đó, lực lượng, phương tiện, kinh phí phục vụ công tác ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp còn hạn chế, Chi cục Thuỷ sản hiện chỉ được trang bị 1 tàu tuần tra công suất nhỏ 385CV, đóng năm 1999 nên đã cũ và lạc hậu so với thực trạng tàu cá của ngư dân phát triển nhanh, công suất lớn; lực lượng của các đơn vị chức năng mỏng, không thể thực hiện kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục trên biển mà chỉ có thể tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các điểm nóng vi phạm...

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 45/CT-TTg, trong thời gian tới, Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về hoạt động khai thác thuỷ sản, Luật Thuỷ sản 2017, khai thác IUU cho ngư dân, trong đó tập trung vào quy định về ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, đánh dấu tàu cá, cấm sử dụng xung điện, chất nổ... để khai thác thuỷ sản, đặc biệt nghiêm cấm đưa tàu cá đi khai thác thuỷ sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; tổ chức cho chủ tàu cá xa bờ ký cam kết không khai thác IUU, không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó, cần tiếp tụcđẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá vùng biển, cảng cá và xử lý các vi phạm về khai thác IUU, không thực hiện các chính sách hỗ trợ cho chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm trên vùng biển, lãnh thổ nước ngoài; phối hợp với các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển của tỉnh.

Đồng thời, lực lượng chức năng thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước không vi phạm quy định về đánh bắt bất hợp pháp; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng dẫn tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, sản lượng lên bến, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định...

Theo ông Hoàng Viết Thông, để nâng cao hiệu quảhoạt động của thanh tra thủy sản, ngăn chặn và giảm thiểu vi phạm về khai thác IUU, Cục Kiểm ngư cần có văn bản hướng dẫn cụ thể vùng biển nào ngư dân được tự do khai thác thủy sản, vùng biển nào không được phép đánh bắt, đặc biệt tại vùng biển từ đường đóng cửa Vịnh Bắc bộ đến quần đảo Hoàng Sa; đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh đầu tư đóng mới tàu kiểm ngư công suất trên 1.000CV để phục vụ công tác thanh tra, kiểm soát và tham gia cứu hộ, cứu nạn vùng biển...

P.Hiền-Ng.Lan
 

,