.

Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ

.
08:50, Thứ Hai, 09/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước tình trạng thiếu lao động nghề cá, các địa phương và chủ tàu cá cũng đã băn khoăn, trăn trở tìm ra nhiều giải pháp để ổn định tình hình. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này lại không hề đơn giản khi giữa chủ tàu và lao động không có bất cứ sự ràng buộc nào. Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc xuất khẩu lao động đã và đang thu hút người dân bởi thu nhập cao hơn nhiều so với mưu sinh từ “đi bạn”. Vì vậy, để giải quyết tình trạng thiếu lao động nghề cá, cần sự chung tay từ nhiều phía.

Nỗ lực của ngư dân

Anh Hồ Thanh Toàn, chủ nhân của chiếc tàu vỏ thép 900CV đầu tiên tại xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho biết, thiếu lao động luôn là nỗi lo của nhiều chủ tàu, trong đó có cá nhân anh. Hiện tại, 50% lao động trên tàu anh là người Đức Trạch, 50% còn lại là lao động từ các địa phương lân cận.

Bến cá xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)
Bến cá xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)

“Trước đây, khi lượng tàu cá còn ít, nhân công chủ yếu là người địa phương. Nay chúng tôi phải kêu gọi lao động từ các xã khác đến. Nếu không có nguồn này chắc cũng gay!”. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện Đức Trạch có khoảng trên 500 lao động nghề cá là người từ các địa phương khác đến.

Thu hút lao động nghề cá từ các địa phương lân cận cũng là giải pháp của các xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) với khoảng 900 lao động và Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) là 600 lao động. Đây là một trong những giải pháp phù hợp với tình hình chung của các địa phương.

Tuy nhiên về lâu dài, nỗi lo mất lao động vẫn thường trực khi giữa chủ tàu và người “đi bạn” không có bất cứ một sự ràng buộc nào. “Làm ăn thuận lợi thì họ gắn bó, vài chuyến lỗ dầu, thu nhập thấp thì họ bỏ đi. Muốn giữ chân lao động cũ, thu hút lao động mới, chủ tàu phải cho ứng tiền lương, khi người “đi bạn” gặp khó khăn phải giúp đỡ. Đối với một số lao động đến từ các xã làm nông nghiệp, đến mùa gieo, mùa gặt, chủ tàu phải linh động cho nghỉ, chấp nhận tàu đi thiếu người.

>> Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờ

Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp sau khi ứng tiền lương của chủ tàu này lại bỏ ngang đi làm cho tàu khác, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến công việc và cả tình cảm. Thế nhưng dù khó cũng phải cố gắng tìm cách giữ chân họ, nếu không nguy cơ tàu nằm bờ vì không có lao động là rất lớn!”, ông Hồ Quang Hường, chủ tàu cá tại xã Cảnh Dương chia sẻ.

Bên cạnh những giải pháp thu hút lao động nghề cá nêu trên, trao đổi về những giải pháp của địa phương, anh Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương khẳng định: “Với khả năng của địa phương thì hiện khó có giải pháp khả thi cho vấn đề này.

Đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản ở những ngư trường xa, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã và đang mang lại lợi ích cho nhiều ngư dân. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả khai thác, không đầu tư tràn lan dẫn đến việc thừa tàu, thiếu lao động, thì cần xây dựng quy hoạch phù hợp!”.

Ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cũng đồng tình với ý kiến này, đồng thời cho biết thêm: "Hội Nông dân cũng đã tham mưu cho Đảng uỷ xã để khuyến cáo bà con thận trọng trong việc đầu tư đóng mới tàu cá.

Riêng đối với vấn đề xuất khẩu lao động, đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nên việc người dân quay lưng lại với nghề biển và lựa chọn tham gia xuất khẩu lao động phụ thuộc vào lựa chọn của cá nhân nên chúng tôi không thể can thiệp hay có giải pháp nào trong việc này".

Cần sự chung tay

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 1.400 tàu đánh bắt xa bờ, đòi hỏi một lực lượng lao động nghề biển lớn và có tay nghề cao.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của số lượng tàu cá công suất lớn, đã xảy ra tình trạng thiếu lao động. Để bảo đảm nguồn lao động phù hợp với nhu cầu của hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, việc tính toán, quy hoạch số lượng tàu cá cân đối với nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh cũng như nguồn nhân lực là cần thiết, tuy nhiên đến thời điểm này, Quảng Bình vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào liên quan.

“Hiện chúng tôi đang tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy định về số lượng tàu cá phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản và nguồn nhân lực trên địa bàn. Nếu cứ phát triển tàu ồ ạt, trong tương lai tình trạng thiếu lao động sẽ thêm trầm trọng!”, ông Linh cho biết thêm.

Bàn về những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động nghề biển, ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để giải quyết tốt vấn đề này, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và mỗi một ngư dân. Vấn đề cốt lõi của việc giữ chân lao động nói chung, lao động nghề biển nói riêng, vẫn là thu nhập.

Sự nỗ lực, trách nhiệm của các chủ tàu để khai thác hải sản đạt hiệu quả, thù lao tương xứng cho người lao động là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao thu nhập và giữ chân người lao động, đồng thời bảo đảm trách nhiệm đối các khoản vay ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi ngư dân cũng cần học hỏi, nâng cao tay nghề nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và thu nhập. 

Đội tàu đánh bắt xa bờ xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) luôn đối mặt với tình trạng thiếu lao động.
Đội tàu đánh bắt xa bờ xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) luôn đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Về phía tỉnh sẽ xem xét và cân nhắc kế hoạch phát triển tàu cá nhằm bảo đảm cân bằng các yếu tố về nguồn lợi thuỷ sản và nguồn nhân lực. Với quy mô hiện tại của tàu cá nói chung, đội tàu đánh bắt xa bờ nói riêng của Quảng Bình và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong tương lai, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần cân nhắc việc hợp tác quốc tế, mở rộng ngư trường cho ngư dân nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đội tàu cá và người lao động…

Lời kết

Đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi khai thác ở ngư trường xa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã và đang mang lại những tác động tích cực trong đời sống ngư dân.

Trong quá trình triển khai các chính sách nói chung, chính sách ưu đãi đối với nghề biển và ngư dân nói riêng, việc nảy sinh các vấn đề là điều tất yếu. Để bảo đảm hiệu quả của chính sách, hạn chế được những hệ luỵ, sự vào cuộc của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh trong việc xem xét, điều chỉnh các vấn đề liên quan, trong đó có quy hoạch phát triển số lượng tàu cá, là điều quan trọng và cần thiết để đồng hành cùng ngư dân trong đời sống và sản xuất cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Ngọc Mai

 

,
  • Nguy cơ thép Trung Quốc mượn danh hàng Việt để xuất khẩu sang Mỹ

    Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trước những quan ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tìm đường đi vòng sang Mỹ qua Việt Nam hoặc đưa vào Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm nội địa...

    08/07/2018
    .
  • Khi đánh bắt xa bờ thiếu "bạn"-Bài 1: Thiếu "bạn", tàu nằm bờ

    (QBĐT) - "Đi bạn" là từ được dùng để chỉ những lao động làm thuê trên các tàu cá. Nếu những năm trước đây, để có một chân "đi bạn", ngư dân phải có sức khoẻ, kỹ thuật mới được tuyển chọn, thì nay chủ tàu phải tìm mọi cách để tìm kiếm và níu kéo "bạn".

    08/07/2018
    .
  • Vững chắc lộ trình nông thôn mới

    (QBĐT) - Đến nay, TX. Ba Đồn có 5 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt từ 13-16 tiêu chí. Thị xã đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại tăng từ 1-2 tiêu chí.

    07/07/2018
    .
  • Đa dạng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo

    (QBĐT) - Lâu nay, người dân xã Nam Hóa, huyện Tuyên Hóa vẫn luôn giữ tập quán sản xuất lạc hậu, dựa hoàn toàn vào tự nhiên, được mùa hay mất mùa là do thời tiết.

    07/07/2018
    .
  • Bước ngoặt mới của "cơn sốt" đất nền miền Trung

    Có thể nói, năm 2017 là thời "hoàng kim" của thị trường bất động sản Đà Nẵng-Quảng Nam khi giá trị bất động sản (BĐS) liên tục gia tăng và hàng loạt các dự án được quy hoạch đầu tư một cách bài bản. 

    07/07/2018
    .
  • Trên 3.000 lượt khách du lịch khám phá Tú Làn

    (QBĐT) - Năm 2018, huyện Minh Hóa rất chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, trong đó nổi bật là quần thể du lịch sinh thái mạo hiểm Tú Làn tại xã Tân Hóa.

    06/07/2018
    .
  • Bố Trạch: Xã Cự Nẫm nỗ lực về đích nông thôn mới

    (QBĐT) - Thời gian qua, huyện Bố Trạch tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

    06/07/2018
    .
  • Chuyển đổi trên 2.000ha đất lúa kém hiệu quả

    (QBĐT) - Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 2.009 ha đất lúa kém hiệu quả, đạt 80,3% kế hoạch cả năm, bằng 118,4%  so với cùng kỳ năm 2017.

    06/07/2018
    .