Vướng mắc chính sách tín dụng theo Nghị định 67

Cập nhật lúc 08:52, Chủ Nhật, 17/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình (BIDV Quảng Bình) là một trong những ngân hàng tiên phong cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ. Đến nay, quá trình triển khai cho ngư dân vay vốnđã phát sinh các trườnug hợp nợ quá hạn, nợ bị chuyển nhóm làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, việc thu hồi vốn vay gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Gia Hiệp, Giám đốc BIDV Quảng Bình cho biết: "Căn cứ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan và trên cơ sở danh sách các khách hàng đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Nghị định 67, đến cuối tháng 5-2018, BIDV Quảng Bình đã cho vay và giải ngân được 20 tàu cá, chiếm 23% số lượng tàu cá được cho vay trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 đang nảy sinh những khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ.
Việc thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 đang nảy sinh những khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ.

Trong 20 tàu có 6 tàu vỏ thép, 13 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ Composite. Các tàu tập trung chủ yếu ở huyện Bố Trạch (13 tàu) và TP.Đồng Hới (7 tàu). Tổng mức đầu tư đóng mới và nâng cấp số tàu nói trên là 261,6 tỷ đồng, trong đó số tiền BIDV cho ngư dân vay 201,5 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai cho vay vốn, BIDV Quảng Bình đã phối hợp với ngư dân đánh giá nguồn thu dự kiến từng giai đoạn để xây dựng lịch trả nợ phù hợp, góp phần giúp ngư dân khắc phục khó khăn ban đầu khi mới vận hành tàu.

Tuy nhiên, đến thời điểm này đã phát sinh các trường hợp nợ quá hạn, nợ bị chuyển nhóm làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của BIDV, việc thu hồi nguồn vốn gốc gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Một số chủ tàu không có thiện chí trả nợ vay và bàn giao tàu cho ngân hàng xử lý".

Theo số liệu từ BIDV Quảng Bình, dư nợ cho vay đến thời điểm hiện tại là 186 tỷ đồng; trong đó cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 1 tàu, dư nợ 11,8 tỷ đồng và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 19 tàu, dư nợ 174,2 tỷ đồng. Cụ thể, nợ nhóm 1: 146 tỷ đồng (chiếm 78%), nợ nhóm 2: 40 tỷ đồng (chiếm 22%) và nợ xấu: 29,6 tỷ đồng (chiếm 16%).

"...Hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: môi trường biển, thời tiết, mùa vụ...

Do đó, nguồn thu nhập của chủ tàu không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn theo cam kết với ngân hàng cho vay".

Nguyên nhân phát sinh các trường hợp nợ quá hạn là do một số tàu vỏ thép thiết kế không phù hợp với thực tế nên hoạt động không hiệu quả, tàu gặp nạn trong quá trình khai thác, việc khai thác của ngư dân không đủ bù đắp chi phí do đầu tư thiết bị ngư lưới cụ chưa phù hợp với ngư trường đánh bắt, một số ngư dân chưa có kinh nghiệm trong vận hành tàu cá có công suất lớn...

Hiện tại, BIDV Quảng Bình không thể giám sát dòng tiền đối với các chủ tàu khiến việc quản lý nguồn tiền để thu nợ hết sức khó khăn do tập quán đánh bắt và tiêu thụ không tập trung. Phần lớn các chủ tàu cá thực hiện bán thuỷ, hải sản sau khai thác trực tiếp trên biển hoặc bán tại các cảng cá cách xa địa bàn cư trú nên việc khai báo doanh thu phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và sự trung thực của chủ tàu.

Qua trò chuyện với các chủ tàu, chúng tôi được biết, hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: môi trường biển, thời tiết, mùa vụ... Do đó, nguồn thu nhập của chủ tàu không ổn định, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn theo cam kết với ngân hàng cho vay.

Ông Trương Ngọc Tú (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) chia sẻ: "Đầu năm 2015, tôi làm thủ tục vay trên 15 tỷ đồng từ chính sách tín dụng theo Nghị Định 67 để đầu tư đóng tàu vỏ thép phục vụ đánh bắt thuỷ, hải sản xa bờ. Ngoài số tiền lãi phải trả hàng tháng cho BIDV Quảng Bình, đến nay tôi mới trả được khoảng 200 triệu đồng tiền gốc.

Mặc dù vay vốn theo Nghị định 67 lãi suất thấp, nhưng do nguồn vốn vay đầu tư quá lớn nên nguồn thu từ hoạt động đánh bắt không đủ trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, tôi và các chủ tàu khác còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu lao động (phần lớn ngư dân sau sự cố môi trường biển chuyển đổi nghề khác hoặc đi xuất khẩu lao động nước ngoài), thiết kế tàu vỏ thép chưa phù hợp với điều kiện khai thác thực tế phải căn chỉnh và thay thế, trong quá trình hành nghề trên biển gặp nhiều rủi ro... nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác".

Nói thêm về những khó khăn ảnh hưởng đến việc trả nợ theo Nghị định 67, anh Hồ Mỹ Quốc (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cho hay: "Tôi vay 7,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định 67 để đóng tàu võ gỗ công suất lớn và đến nay đã trả nợ gốc trên 1 tỷ đồng.

Với tình hình thực tế hiện tại trong quá trình vận hành tàu cá, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả tiếp nợ gốc cho ngân hàng. Hoạt động khai thác trên biển xa nên chúng tôi không thể thường xuyên nắm bắt được giá cả thị trường của hải sản ở đất liền.

Vì vậy, để kịp thời cho chuyến khai thác tiếp theo, chúng tôi phải bán sản phẩm cho các tàu dịch vụ trên biển và việc mua bán chỉ dựa vào giá cả thương lượng giữa 2 bên. Giá dầu tăng lên, giá bán hải sản thấp, tiền trả lương cho thuyền viên ngày càng cao... dẫn đến tổng chi phí 1 chuyến ra khơi khoảng 100 triệu đồng. Nếu khai thác không đúng mùa vụ hoặc gặp rủi ro trên biển, chúng tôi không đủ tiền bù chi phí chứ chưa nói đến việc trả nợ ngân hàng".

Tại Điều 5 Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ hàng năm 90% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro đối với thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu. Tuy nhiên, theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP, chỉ hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu. Chính sách bảo hiểm không nhất quán làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân.

Hạ thuỷ tàu vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67.
Hạ thuỷ tàu vỏ thép được hỗ trợ theo Nghị định 67.

Theo phản ánh của một số chủ tàu cá, việc xem xét, định giá con tàu khi chi trả tiền bồi thường cho ngư dân trong trường hợp có xảy ra sự kiện bảo hiểm của Công ty bảo hiểm Bảo Minh Quảng Bình quá thấp so với chi phí quyết toán con tàu đóng mới. Hiện tại, số lượng tàu cá công suất lớn được nâng cấp, đóng mới từ chính sách tín dụng theo Nghị Định 67 tại các địa phương ngày càng nhiều nên việc neo đậu, tránh trú khi bão lũ gặp nhiều khó khăn.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành dự án nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.

Để giúp ngư dân yên tâm khai thác, nâng cao sản lượng đánh bắt thuỷ hải sản và trả nợ đúng hạn theo cam kết với ngân hàng cho vay, tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương ưu tiên ngân sách đầu tư đồng bộ các hạng mục trên địa bàn, như: cầu cảng, kè bờ, nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu, công trình neo buộc tàu, các trung tâm nghề cá lớn; điều chỉnh, sửa đổi chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá sang chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá theo hình thức hỗ trợ một lần sau đầu tư, tăng hạn mức cho vay tối đa một chuyến biển, sửa đổi và bổ sung thêm cơ chế cho vay, cơ chế xử lý rủi ro cho tổ chức tín dụng.

Về Chính phủ, cần có hướng dẫn cụ thể về khoản hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu vỏ thép theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 8 Nghị định 67/2014/NĐ-CP để ngư dân có căn cứ thực hiện. 

Hiền Chi

         

 

,
.
.
.