.

Nông dân-siêu thị: Cần những cái "bắt tay" bền chặt

.
09:03, Chủ Nhật, 03/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Siêu thị không chỉ đơn thuần là kênh bán hàng mà còn là nơi để các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tại tỉnh ta, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã lại có rất ít cơ hội để đưa hàng vào siêu thị, nhất là các siêu thị tầm cỡ quốc gia kinh doanh theo hình thức chuỗi như Co.op mart.

Gian nan đưa hàng vào siêu thị

Ra đời từ năm 2010, Hợp tác xã (HTX) mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả ở tỉnh ta. Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Duế, Giám đốc HTX cho biết, với đầy đủ các mặt hàng từ ruốc quết, nước mắm, tôm khô cho đến các loại cá khô…, trung bình mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường hàng chục tấn ruốc, sản phẩm khô các loại và khoảng trên 500 lít nước mắm.

Siêu thị chính là kênh phân phối và quảng bá hiệu quả nhất các mặt hàng nông sản địa phương.     T
Siêu thị chính là kênh phân phối và quảng bá hiệu quả nhất các mặt hàng nông sản địa phương.

Các sản phẩm thủy hải sản chế biến của HTX Xuân Hồng được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, có mặt ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được các nhà hàng, khách sạn đặc biệt ưa chuộng. Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, sau 8 năm đứng vững trên thị trường, sản phẩm của HTX mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng vẫn chưa thể “qua cửa” để vào hệ thống siêu thị ở tỉnh ta.

Cùng cảnh ngộ với HTX Xuân Hồng là HTX làng nghề truyền thống Tân An. Với hệ thống máy làm bánh được đầu tư mới và đội ngũ xã viên làm việc liên tục, mỗi ngày HTX cho ra thị trường hàng chục ngàn cái bánh tráng, tiêu thụ chủ yếu các tỉnh lân cận, Hà Nội và Sài Gòn.

Tuy nhiên, cũng như trường hợp của HTX Xuân Hồng, các sản phẩm của HTX làng nghề truyền thống Tân An chỉ mới chiếm lĩnh được thị trường chợ truyền thống, cửa hàng chứ chưa thể vào được hệ thống siêu thị chuỗi.

Theo bà Phan Thị Cẩm Tú, Giám đốc HTX, tuy sản phẩm của HTX đã có nhiều cải tiến về mẫu mã, nhãn hiệu và đã khẳng định được thương hiệu từ nhiều năm nay, nhưng do “ngại” những khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ nên dù đã ký các hợp đồng liên kết, sản phẩm của HTX vẫn chưa thể đặt chân vào siêu thị.

Theo số liệu báo cáo của cơ quan chức năng, tỉnh ta hiện có 5.050 doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó có khoảng 4,5% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh có 274 hợp tác xã (HTX), thu hút trên 120 ngàn thành viên và 3.200 lao động trực tiếp; trong đó có 148 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và 51 HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN.

Tuy nhiên, trong số này có rất ít doanh nghiệp, HTX có thể “gõ cửa” được siêu thị; đa phần là tự tìm kiếm thị trường hoặc thông qua các khâu trung gian. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã đưa được hàng vào siêu thị nhưng lại không thể “cầm cự” được lâu như trường hợp của Công ty TNHH Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.

Anh Nguyễn Văn Tuân, cán bộ quản lý của công ty cho biết, thực ra các sản phẩm của Công ty đã có mặt trên kệ của siêu thị Co.op mart từ nhiều năm trước với mức nhập bình quân 50 kg/ngày gồm đầy đủ các loại rau, củ quả và thịt lợn. Năm 2017, Công ty mở rộng mặt hàng, đưa thêm sản phẩm tôm thẻ chân trắng vào siêu thị.

Tuy nhiên, chỉ được khoảng 4 tháng thì bị “rớt” ra ngoài dù sản phẩm đã đạt chuẩn VietGAP. Nguyên nhân là do những khó khăn trong hồ sơ chế biến bởi để bảo đảm theo tiêu chuẩn của siêu thị thì cứ 6 tháng công ty phải cung cấp kết quả test một lần. Tuy nhiên, do trên địa bàn tỉnh ta chưa có cơ sở test đạt chuẩn trong khi chi phí cho một lần gửi mẫu test vào Đà Nẵng lại quá cao.

Vai trò đơn vị kết nối

Trao đổi với phóng viên, bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết, tỉnh ta hiện có 10 siêu thị, trong đó có 6 siêu thị tổng hợp. Khi đưa hàng vào siêu thị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ được cung cấp thông tin thị trường, có hợp đồng dài hạn, được bảo đảm khối lượng mua lớn và cơ hội quảng bá thương hiệu; từ đó tăng cường sự hỗ trợ, liên kết, hợp tác từ nhiều đối tác.

Thậm chí, đối với những hệ thống siêu thị lớn hoạt động theo chuỗi như Co.op mart, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn được chuyển đến nhiều địa phương khác nhau trong cả nước góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.

Do đó, đối với các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất ở tỉnh ta, việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị không chỉ góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn là kênh quảng bá sản phẩm rất hữu hiệu.

Tuy nhiên, trong khi phía siêu thị cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận nhiều hơn đối với các sản phẩm nông sản địa phương, mở rộng hơn tại các chi nhánh trên toàn quốc thì với các cơ sở sản xuất ở tỉnh ta, các mặt hàng nông sản vẫn khó qua được cửa siêu thị.

Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, nên mẫu mã, chủng loại nhiều mặt hàng còn thiếu tính đa dạng, chưa hấp dẫn được người tiêu dùng; hàng hóa mới xây dựng được thương hiệu trong tỉnh, được người dân trong tỉnh biết đến và tin dùng, nhưng vẫn chưa phổ biến nhiều ở các địa phương khác.

Nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, hàng năm, Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu nhằm tạo cơ hội gặp gỡ giữa người sản xuất, tiêu dùng và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Tại đây, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh ta có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm thị trường thông qua các hoạt động giao thương, kết nối với các tỉnh, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp định hướng hoạt động cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Các điểm bán hàng
Các điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt" sẽ là bước đệm trước khi nông sản tỉnh ta "tiến" vào siêu thị.

Không chỉ có hội nghị kết nối cung cầu, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm thông qua các điểm bán hàng Việt. Hiện trên địa bàn đã xây dựng thành công 4 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại siêu thị Thái Hậu, Công ty TNHH Diến Hồng, cửa hàng siêu thị đặc sản miền Trung-Tây Nguyên và cơ sở rau sạch Đông Dương.

Chị Lê Thị Bích Thủy, quản lý cửa hàng siêu thị đặc sản miền Trung-Tây Nguyên cho biết: để có cơ sở lựa chọn xây dựng các điểm bán hàng Việt, Sở Công Thương đã đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn hết sức gắt gao; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp bán hàng phải thực hiện tốt khâu tìm nguồn hàng có chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng nhằm bảo đảm hàng hóa kinh doanh tại các cửa hàng đều là hàng Việt có chất lượng.

Hiện tại, cửa hàng siêu thị đặc sản miền Trung-Tây Nguyên đã có nhiều sản phẩm nông sản địa phương chất lượng, như: khoai deo Hải Ninh, các sản phẩm thủy hải sản khô của HTX Xuân Hồng… Và điều đáng mừng là các sản phẩm nông sản địa phương của tỉnh ta được du khách đặc biệt yêu thích và mua nhiều.

Sự ra đời của các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” sẽ tạo kênh giới thiệu các mặt hàng đặc sản của tỉnh; đây cũng là cơ hội để phát triển hệ thống phân phối, xây dựng các chuỗi liên kết nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường.

Và trên hết, các điểm bán hàng này chính là những “bước đệm” cần thiết cho các sản phẩm nông sản địa phương trước khi “đặt chân” vào các siêu thị tầm cỡ; để từ đó, người nông dân, các cơ sở sản xuất và siêu thị thực sự có được những cái “bắt tay” lâu dài, bền chặt”, bà Lưu Thị Thúy Hằng, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại cho biết thêm.

Thanh Hải

 

 

,