.

Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

.
10:07, Thứ Ba, 26/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công cũng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận và thấu hiểu chủ trương của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).

Năm 2017, được sự quan tâm của Bộ Công thương, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cùng sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ nhân viên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KCXTTM) đã hoàn thành tốt 100% khối lượng công việc được giao.

Các hoạt động khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được triển khai một cách đồng bộ, có phương pháp. Đơn vị khai thác và sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, đúng quy định. Hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

Hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy công nghiệp dệt may phát triển.
Hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy công nghiệp dệt may phát triển.

Trong chương trình khuyến công quốc gia, Trung tâm KCXTTM đã hoàn thành 4 đề án với tổng kinh phí thực hiện là 1.560 triệu đồng. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Bình tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 350 lao động trên địa bàn tỉnh, 100% học viên được cấp chứng chỉ và được Công ty TNHH TCT Dệt May miền Bắc - VINATEX - Chi nhánh Quảng Bình tại Khu Công nghiệp Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp nhận vào làm việc.

Trung tâm hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất CNNT cho 30 cơ sở CNNT trên địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh, kinh phí thực hiện 300 triệu đồng; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Trường Thành Quảng Bình; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm ngói xi măng phủ sơn chống thấm tại Công ty TNHH SX và TM T.H.

Đối với hoạt động khuyến công địa phương, Trung tâm KCXTTM đã hướng dẫn tư vấn cho các đơn vị đăng ký đề nghị hỗ trợ vốn khuyến công với tổng kinh phí 1.955 triệu đồng. Các dự án được hỗ trợ gồm: đào tạo nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu song, mây cho hội viên Hội liên hiệp phụ nữ huyện Lệ Thủy; đầu tư máy móc thiết bị để phát triển sản xuất cho các cơ sở CNNT...

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến cơ chế chính sách về KCXTTM cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực KCXTTM và tư vấn phát triển công nghiệp tại một số tỉnh phía Bắc.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã triển khai 1 mô hình trình diễn kỹ thuật với kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; hỗ trợ 20 đơn vị trong kinh doanh, sản xuất với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng từ kinh phí khuyến công địa phương...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng hoạt động khuyến công vẫn còn một số khó khăn. Nhiều cơ sở CNNT vẫn chưa thật sự hiểu rõ ý nghĩa của các nội dung hỗ trợ. Công tác tiếp cận cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn do doanh nghiệp chưa thực sự phối hợp, ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tư vấn. Công tác sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng còn hạn chế về nội dung và kinh phí thực hiện...

Để nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò, thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN, ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm KCXTTM cho biết, Trung tâm sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp, như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp; bám sát cơ sở, nắm tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của các cơ sở CNNT, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp về pháp luật, kỹ thuật công nghệ đến các thông tin thị trường, giá cả...; nâng cao năng lực công tác tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KCXTTM từ nguồn ngân sách tỉnh, kinh phí hỗ trợ của ngân sách Trung ương...; đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp; hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công lập và định mức kinh tế - kỹ thuật để tạo nguồn thu từng bước đáp ứng lộ trình tự chủ về tài chính.

Nguyễn Hoàng


                                                                                                                             
 


 

,