.

Mùa gặt và những điều đọng lại…

.
08:32, Thứ Tư, 06/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nắng tháng năm trải vàng trên những cánh đồng huyện Lệ Thủy. Có phải đấy là màu của nắng hay màu hạt lúa đã chín tới sau gần trăm ngày dãi nắng dầm mưa trên đồng đất? Những hạt lúa bé nhỏ nhưng là cả một hành trình “thay da đổi thịt” để nương theo sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa gặt, hạt lúa vàng và cả những điều còn phải suy tư trên những cánh đồng…

Chúng tôi lớn lên trên vùng đất chiêm trũng Lệ Thủy vào những năm tháng khó khăn của đất nước trong thế kỷ trước. Nói không ngoa rằng, chẳng có việc gì trên đồng đất mà những đứa trẻ như chúng tôi không đụng tay, đụng chân đến.

Từ chăn trâu, cắt cỏ đến mót lúa, mót khoai cùng những trò chơi bất tận trên cánh đồng làng…Bởi vậy, nói về quê hương là luôn nhớ đến những điều rất cụ thể về hạt lúa, củ khoai, về bạn bè thời chân đất, tóc khét nắng…

Hồ chứa nước An Mã phục vụ cho sản xuất lúa hai vụ ở Lệ Thủy.
Hồ chứa nước An Mã phục vụ cho sản xuất lúa hai vụ ở Lệ Thủy.

Bây giờ, nhắc lại những giống lúa như chùm, ven và đặc biệt là giống lúa su chắc nhiều người cũng khó hình dung. Nó đã không còn trên đồng đất vùng chiêm trũng này từ lâu lắm rồi, nhưng với lứa tuổi như chúng tôi thì vẫn còn mồn một. Giống lúa su, nó được coi là thứ lúa “bọc thép”, bởi ngoài vỏ thóc nó được bao bọc bởi một lớp lụa dày, chắc mà muốn bóc được không dễ với những phương tiện thủ công lúc trước là giã bằng chày trong những cái cối gỗ.

Bao lần bọn trẻ chúng tôi đã trốn việc khi biết trước là sẽ phải xay, giã thứ gạo này… Nhưng đó là thứ lúa tồn tại được trên vùng đất lầy thụt, chua mặn, những vùng đất hoang hóa... bởi những yếu tố có phần “hoang dã” của thứ giống này. Chỉ có điều, giống lúa su cho năng suất ở mức “đói nghèo”, đâu khoảng 20-25 tạ/ha.

Nhưng khi hệ thống đê bao được hình thành có tính liên hoàn, đồng ruộng được cải tạo, điều kiện canh tác được cải thiện, thì những giống lúa “vang bóng một thời” ấy cũng biến mất. Thay vào đó là những giống lúa cho gạo ngon hơn, năng suất cao hơn và cả xay giã cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong hành trình thay đổi giống lúa phải kể đến sự thay thế giống lúa cao cây bằng giống thấp cây.

Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, các giống lúa cao cây (cao ngang tầm người lớn) đã nhường chỗ cho lúa thấp cây như hiện nay. Kéo theo đó việc thu hoạch lúa cũng đã có những thay đổi. Cây hái được thay cây liềm. Cây hái chỉ còn trong chuyện kể vì nó đã vĩnh viễn bị xóa đi trong công việc nhà nông.

Khá lâu rồi, cụm từ “luồn lách thời tiết” được nhắc đến thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất Lệ Thủy, Quảng Ninh. Mà thời tiết thì muôn hình vạn trạng, nhà nông phải luồn lách để tránh những thiệt hại, trong đó có lũ. Lũ thì lắm thứ, nào là lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn… Để tránh được lũ, không có cách gì khác ngoài việc phải rút ngắn thời gian canh tác.

Bởi vậy, một vấn đề mang tính chiến lược trên vùng đất này là sử dụng giống lúa ngắn ngày để gieo trồng, tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố chất lượng gạo ngon, năng suất cao. Một bài toán tưởng là đơn giản, nhưng đây là một hành trình gian nan kéo dài nhiều thập kỷ mới có được thành quả như hôm nay. Trước đây, nếu với các giống lúa dài ngày, vụ đông – xuân sẽ kéo qua lũ tiểu mãn (21-5), tiếp đó vụ hè -thu sẽ nằm trọn trong lũ chính vụ. Lũ tiểu mãn là một vấn nạn, tất nhiên không phải năm nào lũ tiểu mãn cũng gây ngập lụt, nhưng thường thì có mưa lớn, những vùng thấp trũng dễ bị ngập.

Đặc biệt, vụ hè- thu, nếu sử dụng giống dài ngày, rất khó để thoát lũ, đặc biệt là lũ sớm đầu vụ. Ở vùng Lệ Thủy- Quảng Ninh thường có câu "trời cho chộ (thấy) mà không cho ăn", nghĩa là lúa tốt bời bời chỉ vài ngày nữa là thu hoạch, nhưng đêm đến sấm chớp đùng đùng, mưa như trút, sáng ra nước trắng đồng, lúa làm mồi cho cá…Sản xuất vụ hè - thu như đánh bạc với trời là vậy.

Bây giờ, những giống lúa,như: P6, SV 181, LT, TBR223, PC6, HT1...đang chiếm lĩnh trên đồng đất hai huyện. Tại HTX Thống Nhất (xã An Ninh, Quảng Ninh), ông Nguyễn Duy Viên, chủ nhiệm HTX cho hay, vụ này năng suất đạt trên 75 tạ/ha.

Sau thu hoạch sẽ triển khai vụ hè - thu ngay. Không biết những năm bảy mươi của thế kỷ trước nông dân trên đồng đất này có lúc nào “mơ” đến con số đó?…Và điều quan trọng nữa, với các giống lúa ngắn ngày, người nông dân trong khu vực đã làm được điều mà các thế hệ trước từng mơ ước: sản xuất hai vụ lúa ăn chắc trong năm.

Bên cạnh những thành quả của giống, cũng có những điều phải trăn trở. Một thực tế là nhiều giống cũ đã có thời gian gieo trồng trên đồng đất hai huyện quá nhiều năm. Ông Võ Văn Khinh, chủ nhiệm HTX Thượng Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy) cho biết, trên địa bàn có các loại giống X có thời gian tồn tại khoảng 17 năm. Đây là một điều được coi là phi khoa học trong nguyên tắc tạo chọn giống cây trồng vì những yếu tố bệnh tật, chất lượng sản phẩm…

Vì sao có hiện tượng trên? Trao đổi với anh Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình, chúng tôi đã có được những thông tin cần thiết. Anh Kỳ cho biết, tình trạng trên là do nhiều địa phương sử dụng những giống này cho mục đích lúa tái sinh trong vụ hè - thu.

Hiện nay, nhiều giống trung và cực ngắn khác chỉ sản xuất lúa vụ đông- xuân và vụ hè – thu, còn nếu làm lúa tái sinh lại cho hiệu quả thấp. Trong khi đó, những giống lúa X thuộc loại giống khá dài ngày so với những giống mới khác, không tiếp tục được lai tạo nữa. Có thể nói rằng đây là tồn tại chủ quan của người sản xuất.

Trạm bơm chống ngập úng cho lúa đông-xuân ở xã Hồng Thủy.
Trạm bơm chống ngập úng cho lúa đông-xuân ở xã Hồng Thủy.

Nói đến lúa tái sinh, đặc biệt là ở Lệ Thủy, hàng năm, đến 70% diện tích vụ hè- thu là lúa tái sinh, chúng tôi chợt nghĩ đến một điều khác. Lúa tái sinh có khởi nguồn từ xa xưa, với tên gọi khác là lúa chét, lúa con. Lúc trước có thể nói rằng đây là thứ lúa của “kẻ khó”, bởi họ không có đất đai để làm ruộng, đành đi mót lúa chét trên những thửa ruộng đã gặt trước đó…

Nay, cũng với loại hình này nhưng tên gọi đã “hiện đại” hơn: lúa tái sinh. Làm lúa tái sinh sẽ lược bớt đi nhiều công lao động, trong khi lĩnh vực nông thôn hiện nay đang thiếu việc làm. Điều rõ nhất là nhiều công trình lớn được đầu tư để chống hạn trên địa bàn huyện hình như đang “tủi phận” bởi lúa tái sinh đã không cần nhiều đến nước từ các công trình này.

Có gì đó lãng phí trong đầu tư nếu cứ mãi chạy theo lúa tái sinh? Và nếu chọn lúa tái sinh thì việc thu hoạch vụ đông- xuân không thể sử dụng máy gặt mà phải gặt bằng tay. Lại một điểm “nghẽn” nữa trong quá trình thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng có nguyên nhân từ lúa tái sinh.

Không chỉ có vậy, lúa tái sinh lại là vùng trú ngụ, là “trạm khách” khá lý tưởng của các loại dịch bệnh hại lúa và đặc biệt là nạn chuột. Nhiều năm lúa hè thu một số địa phương trong vùng đã mất trắng vì chuột.

Đây là những điều canh cánh trên đồng đất hai huyện, đặc biệt ở vựa lúa Lệ Thủy.

Văn Hoàng

 

,