Minh Hóa: Gian nan lộ trình cán đích nông thôn mới

Cập nhật lúc 08:25, Thứ Sáu, 15/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một trong những huyện nghèo đang được thụ hưởng các chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm gần đây, Minh Hóa đã nỗ lực vượt khó, vươn lên trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Minh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trên chặng đường cán đích NTM.

Xã NTM sụt giảm 7 tiêu chí

So với các địa phương khác trong tỉnh, Minh Hóa là huyện có xuất phát điểm rất thấp khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM. Sau gần 7 năm thực hiện chương trình, huyện Minh Hóa đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn nhận lại thực tế, con đường xây dựng NTM ở Minh Hóa vẫn còn quá nhiều gian nan, thử thách.

Sau nhiều năm nỗ lực, năm 2016, Quy Hóa là xã đầu tiên và duy nhất của huyện Minh Hóa cán đích NTM. Việc Quy Hóa cán đích NTM là động lực rất mạnh mẽ để khích lệ, cổ vũ nhiều địa phương khác trong huyện sớm vươn lên đạt xã NTM.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Văn phòng điều phối NTM huyện Minh Hóa, tuy được công nhận là xã NTM nhưng so với các xã NTM ở những địa phương khác, NTM ở Quy Hóa mới chỉ mức độ trung bình, thiếu bền vững. Cụ thể, mới đây khi rà soát lại xã đạt chuẩn theo tiêu chí mới của Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020, xã Quy Hóa có đến 7 tiêu bị sụt giảm, chưa đạt. Trong đó, có 2 tiêu chí quan trọng nhất là thu nhập và hộ nghèo.

Ông Đinh Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Quy Hóa cho biết, toàn xã có 336 hộ, 1.354 nhân khẩu; trên 90% dân số của xã sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, toàn xã Quy Hóa chỉ có 30ha diện tích trồng lúa hai vụ, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha và một số diện tích trồng ngô, lạc, rau màu các loại.

Là một địa phương miền núi, nhưng cả xã chỉ có trên 550ha đất lâm nghiệp, trong đó đã có trên 330ha diện tích rừng giao khoán bảo vệ, chỉ còn khoảng 113ha diện tích rừng sản xuất, số còn lại là diện tích đồi núi đá. Chăn nuôi ở Quy Hóa khó phát triển vì không có đồng cỏ để cung cấp thức ăn cho gia súc; tiểu thủ công công nghiệp và dịch vụ cũng khó khăn vì không thể cạnh tranh với địa phương lân cận là thị trấn Quy Đạt.

“Với điều kiện như vậy nên việc nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với Quy Hóa là vô cùng khó khăn. Sau nhiều năm phấn đấu, cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở xã Quy Hóa cũng chỉ đạt 18 triệu đồng/năm; trong khi đó, theo bộ tiêu chí mới thu nhập bình quân đầu người của xã miền núi phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm.

Nhiều công trình nông thôn mới ở Minh Hóa đang được gấp rút thi công.
Nhiều công trình nông thôn mới ở Minh Hóa đang được gấp rút thi công.

Với tiêu chí hộ nghèo, trước đây tính theo tiêu chí nghèo đơn chiều ,Quy Hóa chỉ còn 3,7% hộ nghèo, nhưng hiện nay tính theo tiêu chí nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo ở Quy Hóa đã tăng lên quá 23,6 %; theo bộ tiêu chí mới, xã có số hộ nghèo dưới 6% mới được công nhận đạt chuẩn NTM”, ông Hoàng chia sẻ.

Cam go tiêu chí thu nhập và hộ nghèo

Không riêng gì Quy Hóa, theo Ban chỉ đạo Văn phòng điều phối NTM huyện Minh Hóa, thu nhập và hộ nghèo là hai tiêu chí cam go nhất trên con đường xây dựng NTM của Minh Hóa. Nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% và lộ trình để đạt tiêu chí này là vào năm 2021. Ở những xã này, việc làm thế nào để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo thực sự là một bài toán khó giải khi điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng ở đây quá khắc nghiệt, người dân thiếu việc làm…

Trong chương trình xây dựng NTM, nhiều xã ở huyện Minh Hóa xác định việc nâng cao thu nhập và giảm nghèo là tiêu chí quan trọng bậc nhất, nhưng rất khó để về đích vì “lực bất tòng tâm”. Là một xã biên giới, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khùa, Mày, hiện Trọng Hóa là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo nằm ở tốp cao nhất huyện Minh Hóa (hiện tại 92,31%).

Ông Phạm Văn Bắc, Phó chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, tính đến thời điểm này, Trọng Hóa chỉ mới đạt được 6/19 tiêu chí và trong nhiều năm qua Trọng Hóa không đạt thêm được tiêu chí nào. Theo ông Bắc, một trong những tiêu chí khó khăn nhất, có quan hệ mật thiết nhất đến các tiêu chí khác chính là tiêu chí thu nhập.

Là một xã miền núi khó khăn, trình độ dân trí, nhận thức của bà con còn hạn chế, vì vậy, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì để giúp bà con tăng thu nhập đang là nỗi băn khoăn lớn của Trọng Hóa. Toàn xã Trọng Hóa chỉ có 140ha đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng ngô, lạc và sắn.

Những năm qua, Trọng Hóa xác định trồng rừng kinh tế là hướng đi chính để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương, nhưng gần đây, bão lớn lại liên tục xảy ra, đặc biệt là cơn bão số 10 năm 2017 đã làm thiệt hại 85% diện tích rừng ở Trọng Hóa, dập tắt niềm hy vọng của nhiều hộ dân địa phương.

Sau nhiều năm chăm chỉ, gia đình ông Hồ Đăm ở bản La Trọng 1 đã trồng được 5ha rừng keo. Thế nhưng cơn bão số 10 năm 2017 đã làm gãy đổ hầu như toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông Đăm. Từ chỗ đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, sau cơn bão dữ, gia đình ông Đăm lại trở về hộ nghèo…

Có lẽ không riêng gì Trọng Hóa, tình trạng nêu trên là điểm chung của nhiều xã ở Minh Hóa, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, như: Hóa Sơn, Dân Hóa, Thượng Hóa…Chặng đường đến đích NTM của Minh Hóa là vô cùng cam go, thử thách.

“Không chạy theo thành tích, làm cái gì phải chắc cái đó”

Theo ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM huyện Minh Hóa, trong thời gian tới, huyện Minh Hóa chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong chương trình NTM bởi những nguyên nhân sau: thứ nhất, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân Minh Hóa còn chậm đổi mới; chủ yếu chỉ là sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế hộ gia đình.

Vì vậy, thiếu sự liên kết, manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó thành hàng hóa để bán trên thị trường, tăng thu nhập. Thứ hai, hầu hết các xã ở Minh Hóa đều có xuất phát điểm quá thấp khi bắt tay vào xây dựng NTM; sau 7 năm thực hiện chương trình, đến nay trung bình toàn huyện Minh Hóa mới đạt 11/19 tiêu chí, vẫn có nhiều xã đạt dưới 7 tiêu chí; tuy nhiên hầu hết các xã đều bị sụt giảm tiêu chí khi rà soát lại theo tiêu chí mới. Thứ ba, cấp ủy, chính quyền của một số xã chưa nhận thức đầy đủ về chương trình NTM dẫn đến chỉ đạo không quyết liệt, thiếu cách làm sáng tạo, suy nghĩ còn cứng nhắc, vì vậy, thiếu sự đồng thuận của người dân.

Chương trình xây dựng NTM không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn. Xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, có như vậy, công cuộc xây dựng NTM mới thành công và bền vững.

Cũng theo ông Tuyết, xác định được những khó khăn đó nên trong chặng đường tiếp theo, Minh Hóa sẽ có những chương trình, giải pháp cụ thể hơn để thực hiện; tuy nhiên mục tiêu đặt ra là không chạy đua thành tích trong xây dựng NTM mà làm được cái gì phải chắc chắn cái đó. “Mục đích cuối cùng của NTM vẫn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng nông thôn. Với điều kiện khó khăn như Minh Hóa chúng tôi chọn giải pháp làm được cái gì phải chắc chắn cái đó, không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân và không để xảy ra nợ đọng khi thực hiện các công trình NTM.

Hiện Minh Hóa đang tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; tập trung phát triển 2 ngành kinh tế trọng điểm của huyện là trồng rừng và chăn nuôi; đồng thời, phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”, ông Tuyết chia sẻ.

Phan Phương



 

,
.
.
.