.

Đau đáu nỗi lo nhân lực làng nghề-Bài 2: Để "giữ chân" lao động cho làng nghề

.
14:38, Thứ Hai, 25/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Việc “giữ chân” lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao, được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy các làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tỉnh ta và nhất là với những người tâm huyết với làng nghề.

>> Bài 1: Khi người trẻ "quay lưng" với nghề truyền thống

 

Vì đâu nên nỗi?

Sinh ra tại Mai Hồng (Đồng Trạch, Bố Trạch), một làng nghề có truyền thống rèn đúc lâu đời, ngay từ khi còn là thiếu niên, anh Châu Xuân Tính (1988) đã theo ông nội và cha học nghề đúc rèn và trở thành thợ cơ khí từ năm 14 tuổi.

Các nghệ nhân, lao động có tay nghề cao giữ vai trò “rường cột” trong công tác truyền nghề cho lao động trẻ.
Các nghệ nhân, lao động có tay nghề cao giữ vai trò “rường cột” trong công tác truyền nghề cho lao động trẻ.

Tuy nhiên, hai năm nay, anh đã bỏ nghề truyền thống để đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. “Làm nghề này rất vất vả mà công lao động tính ra lại không bằng nhiều nghề khác nên thanh niên trong làng không muốn theo. Bản thân tôi cũng vậy, không muốn quanh quẩn trong làng làm nghề đúc rèn vừa gò bó, vừa vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao”, anh Tính chia sẻ. Đây chính là tâm lý chung của rất nhiều lao động trẻ tại các làng nghề hiện nay.

Huyện Bố Trạch hiện có 9 làng nghề và làng nghề truyền thống với các nhóm nghề, như: chế biến hải sản, đúc rèn, làm nón, sản xuất rượu, hương... Bên cạnh những khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn nguyên liệu, sự thiếu hụt lao động trẻ cũng là vấn đề trăn trở của các nghề truyền thống hiện nay.

Theo anh Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch: “Nguyên nhân khiến nhiều lao động, nhất là các lao động trẻ, không muốn gắn bó với nghề truyền thống là do tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn; đầu ra sản phẩm bấp bênh dẫn đến thu nhập không ổn định. Và một khi mức thu nhập không đủ sức hấp dẫn thì việc các lao động trẻ “quay lưng” với nghề truyền thống là điều không khó để lý giải”.

Không riêng gì Bố Trạch, đây là thực trạng chung tại hầu hết các địa phương tỉnh ta. Ngoài vấn đề thu nhập, rào cản đáng ngại trong công tác phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề là khâu đào tạo nghề cho lớp thanh niên và đội ngũ lao động làng nghề.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg là 2.924 người, (chiếm 58% so với kế hoạch); trong đó lao động học nghề nông nghiệp 1.464 người (chiếm 49,9%), nghề phi nông nghiệp 1.460 người (chiếm 50,1%). Tỷ lệ lao động nông thôn toàn tỉnh được hỗ trợ học nghề có việc làm sau đào tạo đạt 79,5% (2.324/2.924 người).

Như vậy, có thể thấy, so với tiềm năng, con số lao động tham gia học nghề ở tỉnh ta còn khá khiêm tốn. Và có một thực tế là lâu nay quá trình truyền nghề cho lớp trẻ chưa được coi trọng đúng mức, việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối “cầm tay chỉ việc”, truyền nghề trong các gia đình hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày cho con em trong địa phương. Rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản dẫn đến hiệu quả chưa cao; số lượng lao động trong các làng nghề học ở trường dạy nghề rất thấp.

Theo khảo sát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhu cầu học nghề của người dân tỉnh ta vốn không nhiều, nhu cầu học nghề truyền thống lại càng ít hơn, nên hầu như tất cả các lớp dạy nghề cho nông dân đều vắng bóng lớp trẻ hoặc họa hoằn lắm cũng chỉ được vài người. Hơn nữa, quy mô dạy nghề truyền thống còn quá ít về số lượng, chất lượng cũng chưa cao, chưa thu hút được đông đảo các nghệ nhân cao tuổi tham gia truyền nghề truyền thống cho thanh niên.

Việc dạy nghề truyền thống thường chưa gắn với nhu cầu của sản xuất, kinh doanh, do đó, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận phải tốn thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại… Đây chính là những lý do khiến công tác phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề luôn gặp phải vướng mắc.

Nâng cao vai trò nghệ nhân làng nghề

Để giữ chân lao động, nhất là lao động trẻ, tránh nguy cơ mai một làng nghề, việc tổ chức các hoạt động nhằm thu hút thanh niên và phát triển nghề truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng. Để người học nghề gắn bó với nghề đầu tiên phải giúp họ sống được bằng nghề.

Muốn vậy, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp trong mối quan hệ giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động đã qua đào tạo. Cần gắn kết và đẩy mạnh phát triển các “bà đỡ” hợp tác xã, cơ sở sản xuất; phát triển doanh nghiệp tại địa phương làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm làng nghề, từ đó, làm cơ sở vững chắc để thu hút, giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động sau đào tạo.

Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ trong các làng nghề để bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn và khả năng cạnh tranh thị trường tốt.

Có thể nói, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, giới trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất và quảng bá sản phẩm của làng nghề. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề, thu hút đội ngũ lao động trẻ cho các làng nghề sẽ góp phần giải quyết hiệu quả bài toán phát triển bền vững các làng nghề. Và giữ vai trò “rường cột” trong quá trình truyền nghề cho lớp trẻ chính là các nghệ nhân, những người có tay nghề cao tại các làng nghề.

Cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường từ đó tăng thu nhập là giải pháp thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia làm việc tại các làng nghề.
Cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường từ đó tăng thu nhập là giải pháp thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia làm việc tại các làng nghề.

Năm nay đã bước sang tuổi 84, sức khỏe không cho phép cầm đe, cầm búa đúc rèn, nhưng nghệ nhân Châu Đình Huế (Mai Hồng, Đồng Trạch) vẫn luôn tâm huyết với công tác dạy nghề cho các lao động trẻ của làng.

Cả đời gắn bó với nghiệp tổ tiên nên mặc ai quay lưng, ông Huế vẫn “thủy chung” với cái nghề “ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi” này. Việc làm sao để khôi phục nghề truyền thống của quê hương luôn là trăn trở thường trực đối với ông. Có lẽ vì thế mà ông Huế tình nguyện trở thành “thầy giáo không công” dạy nghề cho nhiều bà con trong vùng.

“Rất nhiều thợ rèn trong làng, trong đó có tui, là học trò của ông Huế. Lo lắng nghề của làng sẽ mai một theo thời gian, nên ông không nề hà chỉ dạy tận tình cho bọn tui. Khi đã thành thạo, ông khuyến khích học trò lập mở xưởng riêng để phát triển nghề của làng. Tuy nhiên, hiện nay, tuổi đã cao lại không nhiều thanh niên mặn mà với nghề nên việc truyền dạy nghề của ông Huế chững lại”, anh Trần Thanh Hải, một thợ cơ khí của làng nghề đúc rèn Mai Hồng chia sẻ.

Rõ ràng, để việc truyền nghề và giữ nghề trong các làng nghề truyền thống đạt hiệu quả cao, các địa phương cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc truyền dạy nghề; tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề, biên soạn giáo án dạy nghề theo đặc trưng của từng làng nghề và đối tượng truyền dạy để các nghệ nhân có điều kiện vừa đứng lớp truyền dạy lý thuyết, vừa tổ chức rèn luyện kỹ năng thực hành nghề cho học viên.

Các trung tâm dạy nghề đẩy mạnh liên kết với các nghệ nhân, thợ lành nghề tổ chức giảng dạy, truyền nghề cho lao động trẻ để khai thác bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật truyền thống. Cần thiết phải có chính sách khuyến khích thích hợp, huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp đang kinh doanh, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tham gia đào tạo nghề, có như vậy mới bảo đảm việc dạy nghề gắn với việc làm, bao tiêu sản phẩm sau đào tạo.

Tâm An



 

,