.

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng - Kỳ 1: "Đánh thức" miền di sản

.
11:13, Chủ Nhật, 25/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Câu chuyện người dân trực tiếp làm du lịch giờ đây không còn hiếm hoi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình du lịch cộng đồng trong những năm gần đây đang tạo nên “cơn sốt” xây dựng homestay, farmstay...

Chính từ mô hình du lịch này, nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá, sung túc hơn, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ rệt và quan trọng hơn, các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán cũng có cơ hội được quảng bá, trao truyền.

Dịch vụ trải nghiệm Organic farm tại các homestay được du khách ưa thích.
Dịch vụ trải nghiệm Organic farm tại các homestay được du khách ưa thích.

Chỉ với những căn phòng nhỏ và một vài nội thất cơ bản, nhưng giờ đây, các mô hình du lịch cộng đồng, như: homestay, farmstay, lại là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách nước ngoài. Còn người dân thì “hái ra tiền” từ các mô hình này, vì lẽ đó, “phong trào” xây dựng homestay trên địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch) ngày càng “nở rộ”.

23 tuổi, Nguyễn Văn Thắng ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) đã có trong tay một homestay cho riêng mình, dù trước đó, Thắng chỉ là một thợ sửa chữa điện nước chonhà nghỉ ở địa phương. Tất cả những kinh nghiệm, kiến thức, am hiểu về loại hình du lịch cộng đồng mà Thắng có được đều học hỏi từ những người đã mở homestay trước đó.

Ngay cả vốn tiếng Anh, Thắng cũng không có. Vợ Thắng là người đảm nhận việc trực tiếp giao dịch với du khách qua trang web và giao tiếp với khách. Vốn tốt nghiệp ngành sư phạm, kinh nghiệm làm du lịch lẫn ngoại ngữ của vợ Thắng có được cũng là nhờ khoảng thời gian gần 2 năm làm việc tại Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis).

Năm 2016, vợ chồng Thắng không ngần ngại đầu tư hơn 1 tỷ đồng góp nhặt, vay mượn để xây dựng nên Rustic Homestay với quy mô 5 phòng. Nằm ngay trung tâm xã Sơn Trạch, vùng cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Rustic Homestay có được địa thế thuận lợi và nhờ cách thức quảng bá hình ảnh, giới thiệu các dịch vụ du lịch trải nghiệm hiệu quả, nhiều du khách đã lựa chọn tìm đến.

Tuy vậy, dịch vụ chủ yếu của Rustic Homestay mới chủ yếu là lưu trú, kết hợp với một số tour du lịch khám phá hang động. Thời gian còn lại, khách tự thuê xe máy hoặc xe đạp khám phá làng quê xung quanh khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Vào mùa du lịch cao điểm, bình quân lượng khách lấp đầy homestay của Thắng khoảng 80%, còn bình thường khoảng 40-50%, mang lại nguồn thu đáng kể, trên dưới 150 triệu đồng/năm.

Với một cơ sở lưu trú còn non trẻ như Rustic Homestay, đây là thành công bước đầu, đủ để vợ chồng Thắng tin tưởng vào sự đầu tư của mình. Thắng chia sẻ: “Ban đầu, khi homestay mới được đưa vào hoạt động, em cũng bỡ ngỡ vì không biết bắt đầu từ đâu, nhất là việc làm sao để thu hút khách du lịch đến với homestay của mình. Giờ thì cũng tạm ổn. Khách đã đến và hoạt động cũng khá ổn định.Vợ chồng em luôn nỗ lực vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm thôi”.

Chỉ cần chút ít kinh nghiệm, số vốn đầu tư không nhiều như đầu tư xây dựng các nhà nghỉ, khách sạn và đặc biệt mang lại lợi nhuận cao, nhiều người dân không ngần ngại xây dựng các homestay. Không chỉ xây mới, mà nhiều homestay, sau một thời gian ngắn hoạt động ổn định, còn tiếp tục được đầu tư mở rộng quy mô để đón nhiều khách hơn.

Sau khi 6 phòng mới được đưa vào sử dụng, Sy’s Homestay của anh Lê Văn Sỹ ở thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch, sẽ là một trong những homestay được xây dựng khá quy mô và bài bản ở đây. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế, anh Sỹ còn có trong tay chứng chỉ Hướng dẫn viên quốc tế và Chứng chỉ đầu bếp Âu. Thế nhưng, với anh chừng đó vẫn chưa đủ “vốn” để mở homestay.

Anh phải mất một thời gian dài đến Huế, Quảng Nam, thậm chí ra đến Sa Pa để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Chính những chuyến đi này đã mang lại cho anh hình dung ban đầu về cách thức làm du lịch cộng đồng.

Anh cho biết, homestay không chỉ đơn thuần làm dịch vụ lưu trú, mà còn phải biết kết nối và tổ chức các sản phẩm, dịch vụ du lịch tạo thành một tour tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, anh luôn chú trọng việc tổ chức, sắp xếp chương trình, nhằm làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ cho khách du lịch.

Hầu hết các địa điểm ăn uống, giải trí, như: Bamboo cafe, Capure Bar ở Phong Nha, dịch vụ giải trí, như: đến thôn Bồng Lai (xã Hưng Trạch) để cưỡi trâu, tắm sông, tham quan vườn thực vật Phong Nha-Kẻ Bàng...,đều được anh giới thiệu, kết nối và lên lịch trình cụ thể cho khách. Và trong khi, nhiều homestay khác phải chật vật vì “bài toán” thu hút khách du lịch như thế nào, anh đã tìm ra lời giải cho riêng mình. Ngay từ đầu năm nay, anh chủ động liên kết với các đơn vị lữ hành để bảo đảm nguồn khách ổn định.

“Với 3 phòng hiện nay, chỉ cần quảng bá qua trang web, anh cũng sẽ chủ động được khách, nhưng khi số lượng phòng tăng lên gấp 3 lần hiện tại, đòi hỏi phải có nguồn cung ổn định hơn. Vì vậy, sự kết hợp giữa các homestay và các công ty lữ hành sẽ rất có lợi. Bởi, các công ty lữ hành chính là “cầu nối” trung gian và mang đến nguồn cung khách ổn định nhất”, anh tâm sự.

Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến các homestay, farmstay.
Ngày càng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến các homestay, farmstay.

Phải nói rằng, dù phát triển tự phát, nhưng sự “nở rộ” của các loại hình du lịch cộng đồng, như: các homestay, farmstay, đã khẳng định được chỗ đứng của một loại hình du lịch mới trên đất di sản. Giờ đây, khách du lịch đến với Phong Nha-Kẻ Bàng không chỉ để tham quan “Vương quốc hang động” nổi tiếng thế giới mà còn có dịp được hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt và văn hóa. Và chắc chắn, Sơn Trạch trong mắt của du khách không còn là một trạm dừng chân trước khi bước vào thế giới hang động, mà còn là nơi để sống, để khám phá và trải nghiệm.

Dưới góc nhìn của một người làm du lịch, ông Nguyễn Châu Mỹ, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis) cho biết, trong những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng đang ngày càng phát triển tại Quảng Bình, đặc biệt là khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.

Tuy nhiên, các homestay hiện nay chủ yếu chỉ phục vụ du khách các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, còn đối với du lịch khám phá trải nghiệm thì vẫn phải đăng ký ở các đơn vị bên ngoài. Vì vậy, chất lượng dịch vụ vẫn chưa cao.

Còn theo ông Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh, hiện nay, các homestay và farmstay tại Quảng Bình đa số phát triển theo kiểu tự phát. Homestay chưa phải là homestay đúng nghĩa, mà đó chỉ là điểm lưu trú cho du khách. Về lâu dài, với tình trạng phát triển tự phát nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp và thiếu tổ chức như hiện nay, các homestay, farmstay khó có thể phát triển bền vững.

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Để cả cộng đồng chung tay!




 

,