.

Nhân lực phục vụ du lịch: Chuyện chưa bao giờ cũ - Bài 2: Hướng đi đã mở

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 12-3-2016, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi đối thoại với đại diện gần 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhằm lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và giải pháp để phát triển du lịch tỉnh nhà. Trong số này có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Quảng Bình.

>> Bài 1: Thực trạng và nguyên nhân

Những tín hiệu vui

Sự kiện trên là một tín hiệu vui cho những tổ chức và cá nhân đang tham gia hoạt động du lịch nói riêng và du lịch Quảng Bình nói chung. Giải đáp những kiến nghị, đề xuất liên quan đến vấn đề nhân lực, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh đang giao cho Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổng hợp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, trước mắt là nhân lực trong hệ thống nhà hàng để xem xét và hỗ trợ kinh phí.

Về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bên cạnh sự định hướng, quan tâm của tỉnh, các doanh nghiệp cần có sự liên hệ chặt chẽ với các trường đại học, cơ sở đào tạo có uy tín để tuyển dụng.

Trước đó, vào tháng 12-2015, Trường trung cấp kinh tế Quảng Bình đã phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đào tạo nguồn nhân lực du lịch với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn. Hội nghị đã phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của nguồn nhân lực du lịch hiện nay.

Trường trung cấp kinh tế Quảng Bình, với sự đầu tư khá quy mô cho đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cùng sự nắm bắt nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn, đã tiến hành ký cam kết với các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Có thể nói, tại thời điểm quan trọng này, cung và cầu đã gặp nhau, tránh tình trạng đào tạo tràn lan gây lãng phí. Chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế là vấn đề đang được quan tâm đặt lên hàng đầu.

Về phía Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, trong những năm qua cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch...

Ký kết biên bản ghi nhớ đào tạo nhân lực phục vụ du lịch giữa Trường trung cấp Kinh tế và doanh nghiệp
Ký kết biên bản ghi nhớ đào tạo nhân lực phục vụ du lịch giữa Trường trung cấp Kinh tế và doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng trong hai năm 2014 và 2015, Sở đã phối hợp với Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) do Liên minh châu Âu tài trợ tổ chức hơn 10 khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho khoảng 1.200 học viên...

Những hoạt động nói trên đã thể hiện sự quan tâm đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch khẳng định: Thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực để từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, các cơ sở kinh doanh du lịch, tăng cường đầu tư của Nhà nước và đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn nhân lực du lịch, gắn công tác đào tạo với nhu cầu xã hội.

Theo định kỳ sẽ tổ chức các lớp đào tạo cho giám đốc, nhà quản lý các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân sự trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường phối hợp với các dự án quốc tế để triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao nhận thức, vai trò của ngành du lịch, phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững trong cộng đồng dân cư.

Cuối năm 2015, trên cơ sở đề nghị của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ đổi mới, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 23-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020.

Mới đây nhất, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã xác định phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây chính là những tiền đề thuận lợi để du lịch Quảng Bình từng bước phát triển, trong đó có các hoạt động quan trọng đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Hướng đi đã mở

Song song với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và cơ quan chức năng, về phía các doanh nghiệp cũng đang trong tâm thế sẵn sàng đồng hành để cùng nhau phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Chị Lê Thị Thu Nga, quản lý khách sạn Năm Long (thành phố Đồng Hới) cho biết: Cơ sở sẵn sàng tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, đối với Trường đại học Quảng Bình và các trường trung cấp chuyên nghiệp đóng trên địa bàn hiện đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, cần quan tâm hơn nữa đến kỹ năng thực hành của sinh viên. Cụ thể, trong quá trình đào tạo, sinh viên, học viên phải được cọ xát với thực tế để rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm.

Còn anh Phạm Xuân Trung, Chủ nhiệm câu lạc bộ "Du lịch trách nhiệm" chia sẻ: Hy vọng với những giải pháp mang tính đồng bộ nêu trên cùng sự hưởng ứng, nỗ lực của doanh nghiệp, du lịch Quảng Bình sẽ khắc phục được tính mùa vụ, từng bước trở thành một nền du lịch chuyên nghiệp. Đây chính là điểm mấu chốt để nguồn nhân lực phục vụ du lịch có điều kiện gắn bó lâu dài và đầu tư sâu cho chuyên môn, đồng thời tránh được tình trạng "chảy máu chất xám" nguồn nhân lực du lịch.

Đồng hành cùng tỉnh và cơ quan chức năng, Câu lạc bộ "Du lịch trách nhiệm" cũng đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có Gala kết nối du lịch Quảng Bình năm 2016 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong khu vực.

Đồng tình với ý kiến của anh Trung, chị Phan Thị Thắm, Giám đốc điều hành Phong Nha Lake House bổ sung: Tăng cường đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực là hướng đi mà có lẽ tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động du lịch trong tỉnh đều mong chờ.

Về phía doanh nghiệp cũng cam kết sẽ nỗ lực trong công tác tham gia đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên được cọ xát với thực tế để rèn luyện các kỹ năng thực hành; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, bảo đảm quyền lợi để người lao động yên tâm gắn bó dài lâu và có cơ hội đầu tư sâu cho chuyên môn.

Với tiềm năng sẵn có, dù vẫn còn không ít khó khăn, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, với những định hướng đúng đắn, trong đó bao gồm các hoạt động đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, du lịch Quảng Bình sẽ từng bước đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. 

Ngọc Mai