.
Chuyện quản lý:

Giám sát cộng đồng đi đâu?

Thứ Sáu, 15/08/2014, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bản tin “Tài chính kinh doanh” của Đài truyền hình Việt Nam trưa 7-8-2014,  BTV Ngọc Trinh nói khá riết róng về những sai phạm trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn  ở Tân Thủy (Lệ Thủy).

Tôi nghe và ngờ ngợ, hình như ở đây (Tân Thủy) thiêu thiếu một cái gì đó trong quy trình xây dựng cơ bản khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mới để xẩy ra những chuyện nhiễu nhương như bản tin vừa nêu. Và rồi tôi cũng nhớ ra, đó là vai trò của nhóm giám sát cộng đồng.

Chẳng là trong chuyến đi cơ sở về xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch) trong tháng bảy vừa qua, tại thôn 4 của xã này chúng tôi đã được ông Từ Ngọc Chung, Bí thư chi bộ thôn nói khá kỹ về quy trình xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn trong Chương trình xây dựng NTM. Có nhiều khâu, nhưng trong đó có khâu giám sát cộng đồng.

Cụ thể của hoạt động này là thôn cử từ 7-10 người có uy tín trong thôn nhưng không thuộc hàng “chức sắc” nằm trong tổ giám sát cộng đồng mà nhiệm vụ của họ là giám sát việc thi công các công trình xây dựng cơ bản, cụ thể là bê tông hóa các tuyến đường trong thôn. Họ có một dụng cụ khá đơn giản mà tạm gọi là cái ngàm, trên đó có các kích thước đo bề rộng, có một số chốt để đo bề dày bê tông. Khi đổ bê tông, người trong nhóm giám sát sẽ dùng ngàm để kiểm tra từng mét bê tông một. Chỗ nào đổ bê tông mỏng hơn dự toán là sẽ phải đổ thêm...

Ngoài việc kiểm tra về kích thước bê tông, họ luôn có mặt tại công trường để giám sát tỷ lệ bê tông bằng những biện pháp trực tiếp như đếm số bao xi măng cho từng mẻ bê tông... Trong biên bản nghiệm thu phải có ý kiến của tổ giám sát cộng đồng, bộ phận thanh toán mới được duyệt chi...

Với cách làm này trong suốt mấy năm qua, Trung Trạch đã không hề có tai tiếng gì, người dân hồ hởi tham gia, tự nguyện đóng góp nhiều tài sản, tiền bạc để xây dựng NTM. Thấy cách làm dù hơi “thủ công” nhưng hiệu quả thiết thực, chúng tôi hỏi ông Chung, đây là sáng kiến của địa phương? Ông Chung nói, cũng có thể nói như vậy nhưng bản chất của những việc làm này là cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, huyện trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mà thôi.

Ngẫm cũng đúng, chủ trương thì cô đọng, mang tính định hướng, thực hiện thì  phong phú, đa dạng nhưng phải có cơ chế giám sát, ràng buộc thích hợp mới hướng đúng đích là vì dân, vì sự phát triển của nông thôn. Còn nếu không tâm huyết, không sáng tạo lại cộng thêm một chút tư lợi, lợi ích nhóm nữa và được thả lỏng khỏi sự giám sát của dân thì lệch đích là điều dễ xảy ra.

Vậy chủ trương đúng đắn chưa đủ. Phải có những cách làm khoa học, phải có cơ chế giám sát thiết thực, hiệu quả mới hạn chế được tiêu cực. Xem ra không chỉ trong xây dựng NTM mà nhiều việc khác cũng cần như vậy!

V.H