.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Xây dựng nông thôn mới kiểu... Hàm Ninh

Thứ Tư, 20/08/2014, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hơn 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) đạt được 14/19 tiêu chí. Không nổi trội so với nhiều địa phương khác trong tỉnh, nhưng Hàm Ninh có một cách xây dựng NTM rất lạ, “riêng có” của mình, được nhân dân toàn tâm, toàn ý ủng hộ đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

 

Cổng làng Trần Xá xây dựng từ huy động sức dân.
Cổng làng Trần Xá xây dựng từ huy động sức dân.

Để dân làm chủ

Đó là lời khẳng định mười mươi không phải từ cán bộ xã, thôn mà chính từ miệng những người dân Hàm Ninh mà chúng tôi tiếp xúc trong những ngày về tìm hiểu cách thức xây dựng NTM của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Rựa, cựu trưởng thôn Trần Xá đến 5 nhiệm kỳ nói rằng: “Ở Hàm Ninh không có chuyện xã can thiệp sâu vào chuyện làm NTM của dân. Tất nhiên trên cơ sở quy hoạch NTM, UBND xã định hướng, xây dựng, lựa chọn rồi giao cho dân, nhân dân bàn bạc, lựa chọn ra cách làm vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm”.

Đến cuối năm 2013, xã Hàm Ninh đạt 11/19 tiêu chí NTM gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, chợ, bưu điện, nhà ở dân cư nông thôn, thu nhập, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội. 5 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế đạt từ 70% trở lên. 3 tiêu chí: tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa, môi trường đạt 40 đến 60%. Qua 3 năm, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên 23 tỷ đồng. Ngoài việc hiến đất, tài sản trên đất và hàng nghìn ngày công, nhân dân đóng góp 18 tỷ đồng chung tay xây dựng NTM.

6 tháng đầu năm 2014, xã Hàm Ninh tiếp tục hoàn thành thêm 3 tiêu chí: thủy lợi, môi trường và y tế. Tổng giá trị huy động 15.341 triệu đồng. Vốn huy động trong dân 12.500 triệu đồng xây dựng đình làng Hữu Phan (2.300 triệu đồng) và làm nhà ở (10.200 triệu đồng).

Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh Hà Xuân Tập trao đổi về quá trình xây dựng NTM tại địa phương mình: “Hai tiêu chí khó khăn nhất là xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố nhà ở của dân vì tỷ lệ huy động đóng góp lớn từ sức dân. Đơn cử như bê tông đường giao thông, tỷ lệ đóng góp trong dân lên đến 75%. Có gia đình ngoài hiến đất, hiến tài sản còn đóng thêm rất nhiều tiền, như hộ Nguyễn Văn Sỹ (thôn Hàm Hòa) ủng hộ hơn 10 triệu đồng. Khó khăn nhưng nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân mà chúng tôi hoàn thành”.

Dân tự quản lý tiền đóng góp

Cũng theo lời Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, UBND xã không quản lý tiền huy động trong dân để xây dựng NTM. Xã chỉ tiếp nhận và phân bổ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các thôn. Khi nhân dân triển khai làm đường giao thông, xây dựng nhà, cứng hóa kênh mương, giao thông nội đồng... tùy theo quy mô, tính hiệu quả các công trình, UBND xã sẽ phân bổ vốn này về cho thôn. Tuy nhiên, công trình đó phải hoàn thành, được nghiệm thu và quyết toán”.

Xã Hàm Ninh có 5 thôn: Trần Xá, Hà Kiên, Trường Niên, Hàm Hòa và Quyết Tiến, dân số toàn xã 1.781 hộ, 6.719 khẩu. 5 thôn đều thành lập 5 Ban phát triển thôn, thành phần gồm trưởng thôn, trưởng các đoàn thể. Ban phát triển thôn có chức năng và nhiệm vụ tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền về xây dựng NTM tại cơ sở; họp dân lấy ý kiến với đề án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, cắm mốc giới và quan trọng nhất là vận động nhân dân mở đường, hiến đất, hiến tài sản, đóng góp xây dựng đường giao thông.

Trưởng thôn Trường Niên Nguyễn Văn Doãn nửa đùa nửa thật: “Ngoài chế độ nhà nước chi trả cho trưởng thôn 920.000 đồng/tháng thì tôi nhận 800.000 đồng/năm của dân. Dân trả công, trưởng thôn phải cố gắng khỏi phụ lòng dân. Việc dưới cơ sở không tên không tuổi, nhiều lắm! Xây dựng NTM tại Trường Niên, tôi và Ban phát triển thôn cứ bám lấy chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước mà làm.

Lấy tuyên truyền vận động làm đầu, đảng viên noi gương. Xây dựng NTM là việc chung toàn dân, dân hưởng lợi nên một trăm phần trăm dân đưa tay biểu quyết chúng tôi mới triển khai. Nhiều lúc cũng phải rắn, tôi bảo: bà con hỗ trợ cho tôi chưa đầy triệu bạc/năm, bầu tôi lên thì phải nghe theo lời tôi chứ. Việc xây dựng NTM ích nước lợi nhà thì cứ làm. Làm đúng, hợp tình, hợp lý thì làm”.

Dân đảm nhận thi công các công trình

Cũng câu chuyện về ông cựu trưởng thôn Trần Xá, khi phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn phát triển rầm rộ ở Hàm Ninh theo tỷ lệ huyện hỗ trợ 20%, xã giúp 5% còn lại dân đóng góp 75%.

Nóng vì các thôn khác làm đường rầm rầm, ông Rựa về nhỏ nhẹ thế nào đó với vợ lấy cuốn sổ đỏ gia đình đi cầm, vay 3 chỉ vàng về cho dân mượn góp làm đường. Nhớ lại chuyện này, ông Rựa cười, tâm đắc lắm: “Nhiều gia đình trong xã đều rứa, chứ riêng gì nhà tôi, tất cả vì đại cục. Nhà khá giả giúp nhà hàn vi... nên về Hàm Ninh hôm nay, các anh thấy khắp thôn xóm đường sá bê tông phẳng lỳ. Bây giờ làm NTM chỉ cần mở rộng thêm ra thôi!”.

UBND xã Hàm Ninh không tham gia làm chủ đầu tư các công trình đường giao thông liên xóm, liên thôn. Vấn đề quan trọng nhất, hợp lòng dân nhất, xã không chọn đơn vị thi công, không chỉ định thầu theo cách làm máy móc như một số địa phương khác.

Kiểu thi công công trình đường giao thông nông thôn ở Hàm Ninh cũng rất lạ. Ban phát triển thôn cùng UBND xã thiết kế xong đường, giao cho dân làm. Các tổ thợ nề lành nghề đứng ra nhận thầu. Lao động, giám sát đều là người của làng, của xã. Vì thế 1 mét đường chỉ hết 800 nghìn đồng. Hộ nghèo trong xã neo tiền mặt, Ban phát triển thôn quy trả bằng công lao động, sau khi hoàn thành, quyết toán công trình, nhiều người còn thừa tiền như vợ chồng anh Hoàng Trọng Phú và chị Nguyễn Thị Quýt tại thôn Trần Xá.

Trong 3 năm xây dựng NTM, xã Hàm Ninh làm mới gần 2km đường giao thông nông thôn, trị giá 1.460 triệu đồng, nhân dân đóng góp 672 triệu đồng chưa kể ngày công. Hiện tại các thôn Hàm Hòa, Trần Xá, Hà Kiên, Quyết Tiến tiếp tục triển khai công tác giải tỏa mặt bằng các tuyến đường liên thôn đạt chuẩn NTM, rộng 6,5m.

Bộ mặt nông thôn xã Hàm Ninh ngày càng khang trang.
Bộ mặt nông thôn xã Hàm Ninh ngày càng khang trang.

Trưởng thôn Trường Niên Nguyễn Văn Doãn khẳng định: “Chính cách làm dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng đường giao thông nông thôn mà Trường Niên nói riêng và xã Hàm Ninh nói chung còn có tiền hỗ trợ cho các hộ gia đình hiến đất, hiến tài sản, hiến tường rào giá trị lớn. 360 hộ dân trong thôn đồng ý giúp cho hơn 10 gia đình bị thiệt hại tài sản lớn trên 60 triệu đồng”.

Không máy móc, áp đặt trong thu tiền xây dựng NTM của dân

Mức đóng góp xây dựng NTM tại xã Hàm Ninh được thống nhất thông qua các hội nghị dân chủ, công khai. Ban phát triển thôn là đơn vị tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp từ dân, chịu sự giám sát của tổ thanh tra nhân dân. Tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện.

Các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, những hộ gia đình hiến đất, tài sản trên đất có giá trị lớn... đều được miễn giảm.

Chị Nguyễn Thị Trà (thôn Trường Niên), mẹ đơn thân nuôi ba con nhỏ, trong quá trình xây dựng NTM, UBND xã Hàm Ninh hỗ trợ cho chị một ngôi nhà tình nghĩa 30 triệu đồng. “Trưởng thôn đưa trường hợp của chị ra cho mọi người trong thôn bình xét, ai cũng thương, đồng ý miễn hoàn toàn các khoản đóng góp cho gia đình”- chị Trà xúc động kể.

Hay như gia đình anh Hà Xuân Nguyên (thôn Trường Niên) có hai con là nạn nhân chất độc da cam, mặc dù anh tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng NTM, nhưng bà con trong thôn vẫn biểu quyết miễn giảm. “Bà con bảo, xây dựng NTM trên cơ sở hợp lý, hợp tình. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhưng tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt hơn, đó là điều nên làm”- anh Hà Xuân Nguyên chia sẻ.

Đến năm 2015, xã Hàm Ninh sẽ cán đích NTM. Có đi sâu, đi sát tìm hiểu về phong trào xây dựng NTM ở Hàm Ninh mới thấy hết cái hay, cái “riêng có” trong cách triển khai của xã. Xây dựng NTM chậm, chắc, biết kế thừa và phát huy những cốt vật chất, cơ sở hạ tầng đã có. Xây dựng NTM hoàn toàn dựa vào dân, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân. Xây dựng NTM mang tính bền vững.             

Ngô Thanh Long