.

Ngư dân quyết tâm ra khơi bám biển

Thứ Năm, 15/05/2014, 07:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù hiện nay tình hình trên biển Đông đang hết sức phức tạp khi Trung Quốc ngang nhiên đặt dàn khoan trái phép vào lãnh hải Việt Nam, nhưng những ngày qua bà con ngư dân ở các địa phương trong tỉnh vẫn không hề nao núng, trái lại họ vô cùng phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Để thể hiện ý thức tự tôn dân tộc và sự đoàn kết, một lòng quyết tâm bám biển, những con tàu lớn của ngư dân vẫn ra khơi để đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân kiên cường bám biển...

Qua các cuộc gặp gỡ với nhiều ngư dân ở các xã biển như: Bảo Ninh (Đồng Hới), Đức Trạch (Bố Trạch), Quảng Phúc, Cảnh Dương (Quảng Trạch)... chúng tôi đều nhận thấy hầu hết các ngư dân đều tỏ ra quyết tâm ra khơi bám biển dù biết Trung Quốc đang ngang ngược gây hấn trên vùng biển của chúng ta.

Anh Đồng Hùng Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, trong những ngày qua ngư dân trong xã vẫn đi biển bình thường vì đang vào mùa cá vụ nam, đây được xem là mùa “ăn nên làm ra” của bà con ngư dân. Đặc biệt, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ vẫn kiên trì và đoàn kết hơn trong lúc ra khơi bám biển trong suốt những tuần qua. Trung bình mỗi chuyến biển, ngư dân trong xã lại khai thác được từ 10-12 tấn, sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu gần 100 triệu đồng.

Không chỉ riêng ngư dân xã Cảnh Dương, tại TP. Đồng Hới, Liên đoàn Lao động thành phố cũng đã phối hợp với chính quyền thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh tổ chức lễ cầu mùa và phát động các đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá trong xã lên đường ra khơi bám biển. Trong buổi lễ, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố đã kêu gọi đoàn viên các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân trong xã Bảo Ninh tiếp tục ra khơi bám biển, khai thác thủy hải sản, góp phần cùng các lực lượng chức năng của Việt Nam kiên quyết đấu tranh, phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Hoàng Quang Hiếu, chủ tàu có công suất 410CV ở thôn Hà Dương, xã Bảo Ninh và các thuyền viên trên tàu cùng chung quyết tâm “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt. Tàu của ta, biển của ta thì ta đánh bắt hải sản chứ sợ gì ai". Do đó, những đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh của xã Bảo Ninh với trên 230 tàu (trung bình mỗi tàu giải quyết việc làm cho khoảng 12 lao động) vẫn đang kiên định đánh bắt hải sản trên vùng biển khơi của Việt Nam.

Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai thác được tổng sản lượng trên 15 nghìn tấn hải sản các loại, trong đó khai thác biển chiếm trên 95% tổng sản lượng và riêng cá đạt trên 10 nghìn tấn. Điển hình trong tháng 4, ngư dân tích cực bám biển nên sản lượng đạt gần 5 nghìn tấn. Hiện có trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh đều hăng hái ra khơi. Với quyết tâm bám biển của ngư dân như hiện nay thì sản lượng khai thác sẽ đạt cao.

...Và sát cánh cùng bà con ngư dân

Theo ông Lê Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợ thủy sản cho biết, trong khoảng một hai tuần trở lại đây, nhất là tranh thủ vào những ngày ngư dân đang nghỉ trăng, các địa phương ven biển đã thực hiện công tác tuyên truyền và vận động ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, khai thác hải sản đạt kế hoạch năm đã đề ra.

Đại diện lãnh đạo tỉnh thăm và động viên ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường.
Đại diện lãnh đạo tỉnh thăm và động viên ngư dân bám biển, giữ vững ngư trường.

Bên cạnh, Chi Cục cũng đã giải quyết tốt và hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác và dịch vụ khai thác ở vùng biển xa như: lắp đặt máy thông tin liên lạc, mua bảo hiểm thân tàu... Đáng kể, các tàu đang khai thác ở vùng biển xa cũng đã được đơn vị cung cấp và trao đổi những thông tin về tình hình biển Đông thông qua hệ thống thông tin trạm bờ mỗi ngày hai lần vào lúc 8 giờ sáng và 3 giờ chiều với tổng lượng thời gian khoảng 3 giờ/ngày với mục đích củng cố tinh thần cũng như động viên ngư dân yên tâm sản xuất. Như vậy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng luôn sát cánh và đồng hành cùng với bà con ngư dân để động viên, khích lệ ngư dân can trường bám biển, giữ vững ngư trường.

Cũng theo ông Lê Văn Lợi, vào thời điểm này, một trong những động lực góp phần đưa các đội tàu hùng mạnh ở các địa phương vững vàng ra khơi vừa khai thác hiệu quả cao vừa bảo đảm an toàn, nhất thiết các nhóm tàu của ngư dân phải luôn sát cánh bên nhau trong quá trình hoạt động. Điều này đòi hỏi các chủ tàu phải tiếp tục củng cố và xây dựng tổ, đội đoàn kết trên biển để phát triển kinh tế biển bền vững đi đôi với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Cùng với đó, ngư dân cần chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng nhu yếu phẩm cũng như thiết bị máy móc và phương tiện hỗ trợ nhằm phục vụ đánh bắt và tự ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên biển. Đáng lưu ý, trong các trường hợp khẩn cấp, các tàu cần chủ động thông tin liên lạc với các tổ, đội đoàn kết, với cơ quan quản lý, lực lượng biên phòng và cảnh sát biển để sẵn sàng đối phó với những bất trắc xảy ra.

Mặt khác, để hạn chế tối đa thiệt hại khi bị va chạm trên biển và thực hiện lộ trình hiện đại hóa tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh, Chi cục cũng đã kết nối ngư dân với đơn vị đóng tàu là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam để thực hiện chương trình đóng mới tàu cá bằng vỏ thép cho ngư dân.

Theo đó, dự kiến trong năm 2014, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy sẽ hỗ trợ ngư dân trong tỉnh đóng 4 chiếc tàu vỏ thép, trong đó có 3 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ thủy sản và có 4 địa phương tham gia gồm: Bảo Ninh (2 tàu), Đức Trạch (1 tàu) và Quảng Phúc (1 tàu).

Đến nay, sau một thời gian vận động, khảo sát và lựa chọn, chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên trong tỉnh đã được thiết kế sơ bộ, đồng thời đã tìm được chủ nhân. Người tiên phong trong lộ trình hiện đại hóa tàu cá cho ngư dân chính là chủ doanh nghiệp tư nhân Phước Sang, chuyên thu mua các mặt hàng hải sản ở xã Đức Trạch- anh Tôn Thất Vỹ. Theo đó, tàu bằng vỏ thép sẽ được thiết kế với phương án chiều dài tàu là 38m, chiều rộng 8m với tổng giá trị trên 15 tỷ đồng với chức năng chính là phục vụ khai thác bằng nghề chụp kết hợp với thu mua và dịch vụ trên biển.

Về cơ chế tài chính, ngư dân sẽ bỏ vốn 20%, số còn lại Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy sẽ cho nợ và trả trong 5 năm. Như vậy, không chỉ là người có điều kiện về vốn, có kinh nghiệm về nghề mà anh Tôn Thất Vỹ còn là người tâm huyết với biển, quyết tâm sát cánh cùng ngư dân để vươn ra biển lớn, làm giàu từ biển và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Rõ ràng, chỉ trong nay mai thôi, từ những bản vẽ trên giấy, những ký kết văn bản, mô hình  sẽ trở thành hiện thực và trên vùng biển Quảng Bình sẽ hiện hữu những chiếc tàu cá bằng vỏ thép giúp ngư dân bảo đảm an toàn, tăng khả năng khai thác thủy sản xa bờ và tăng cường bảo vệ biển, đảo quê hương. 

Có thể nói, đây thực sự là bước đột phá và là một bước tiến quan trọng đánh dấu cách làm ăn mới của ngư dân trong tỉnh trong xu thế hiện nay. Bởi ngư dân hôm nay ra khơi không chỉ để đánh bắt hải sản mà còn mang theo quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

N.L