.

Bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa

Thứ Năm, 22/05/2014, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh ta hiện có 145 hồ chứa nước (trong đó hầu hết là hồ chứa vừa và nhỏ, dung tích hồ chứa lớn nhất là 82,26 triệu m3, hồ nhỏ nhất có dung tích khoảng 50.000m3). Qua khảo sát thực tế cho thấy, toàn tỉnh hiện có nhiều công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng chưa được nâng cấp, sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm 2014. Do đó, việc nỗ lực bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa nước đang là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương...

Nguy cơ từ một số hồ chứa

Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho thấy, khá nhiều công trình hồ chứa ở tỉnh ta được xây dựng từ trước những năm 1990 bị xuống cấp . Các công trình này chủ yếu được đầu tư theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, công nghệ thi công lạc hậu lại thiếu sự duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, đồng bộ đã dẫn đến chất lượng bị hạn chế, nhất là tại các công trình hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý...

Theo nguồn tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cung cấp, toàn tỉnh hiện có 66 hồ chứa bị hư hỏng thân đập (trong đó có 16 hồ chứa bị hư hỏng nặng). Các hư hỏng này chủ yếu xảy ra ở mặt đập bị lún, xói mòn dẫn đến cao độ mặt đập không đồng đều; mái đập thượng, hạ lưu có hiện tượng sạt trượt hoặc bị sóng nước gây xói lở; đá lát mái đập xáo trộn, bong rời; nước thấm qua đập với mức độ nhẹ...

Ngoài ra, cả tỉnh hiện có 93 hồ chứa bị hư hỏng tràn, tiêu năng và thiết bị đóng mở (trong đó 19 hồ bị hư hỏng nặng). Những hư hỏng này chủ yếu do tràn xả lũ bằng kênh đất bị xói mòn, sạt lở làm thấp dần cao trình đáy, hố xói cuối kênh tiến dần về phía đập...

Bên cạnh đó, có 81 hồ ở tỉnh ta cũng bị hư hỏng cống lấy nước dưới đập (trong đó 37 hồ bị hư hỏng nặng), chủ yếu do cửa van và thiết bị đóng, mở hư hỏng, xuống cấp; bê tông ống cống bị xâm thực; hư hỏng khớp nối giữa các ống cống...

Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hồ chứa nước trong tỉnh hiện đang bị bồi lắng lòng hồ nhưng không được nạo vét thường xuyên dẫn đến giảm dung tích chứa của hồ. Tiếp đó, phần lớn các hồ chứa do chưa đáp ứng đủ điều kiện cho các phương tiện, máy móc, thiết bị lưu thông thuận tiện nên việc kiểm tra, ứng cứu trong công tác PCLB đối với hồ đập gặp rất nhiều khó khăn...

Tỉnh ta nỗ lực kiên cố hoá hệ thống hồ chứa.
Tỉnh ta nỗ lực kiên cố hoá hệ thống hồ chứa.

Nhìn chung, việc hư hỏng xảy ra chủ yếu đối với các hồ đập được xây dựng trước những năm 1990 và do địa phương quản lý. Đối với các công trình hồ chứa được xây dựng sau thời điểm nói trên, nhờ đầu tư xây dựng cơ bản tuân thủ đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật... nên chất lượng công trình khá tốt, ít hư hỏng hơn. Công tác quản lý, vận hành hồ chứa ở tỉnh ta cũng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do điều kiện nguồn vốn khó khăn, các chủ hồ đập chủ yếu tập trung lập quy trình vận hành cho các hồ lớn, các hồ còn lại vẫn để tràn tự do, chưa được quan tâm đúng mức. Khi công trình hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa lớn thì ngân sách địa phương không đủ nên càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

Điều đáng quan ngại, hiện nay ngoại trừ các hồ đập do Công ty TNHH MTV KTCT Thuỷ lợi quản lý thì năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ trực tiếp làm công tác quản lý, khai thác ở các địa phương quản lý vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều chủ đập ở địa phương không có cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, công nhân có chuyên môn...     

Nỗ lực bảo đảm an toàn cho các hồ chứa

Trước thực trạng nhiều công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp khá nghiêm trọng chưa được nâng cấp, sửa chữa kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa bão năm 2014, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh ta đã có báo cáo đánh giá về tình hình an toàn các hồ chứa nước gửi Bộ NN-PTNT...      

Báo cáo này cho biết, trong số các hồ chứa mà tỉnh ta hiện có, Công ty TNHH MTV KTCT Thuỷ lợi quản lý 15 hồ (dung tích từ 3 triệu m3 trở lên), số cò lại chủ yếu do các xã, phường quản lý. Từ năm 2009 đến nay, bằng việc huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, toàn tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp được 36 hồ chứa nước có dung tích từ 40.000 m3 đến 52 triệu m3 (trong đó có nhiều hồ chứa hữu ích trên 10 triệu m3 như hồ Vực Tròn, Cẩm Ly, Vực Sanh, Vực Nồi...) nhằm bảo đảm an toàn công trình theo yêu cầu kỹ thuật quốc gia, ổn định cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ đời sống dân sinh và góp phần bảo đảm an toàn vùng hạ du các hồ chứa. Tổng kinh phí đầu tư cho các hồ chứa nói trên là hơn 750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí để cải tạo, nâng cấp các hồ chứa còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế cần sửa chữa nên nguy cơ mất an toàn vẫn đang còn ở mức cao... Do đó, tỉnh ta đã đưa ra kiến nghị với Bộ NN-PTNT: Tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cho tỉnh để tập trung sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa, trước mắt cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các hồ chứa đã bị hư hỏng lớn, thiếu an toàn khi xảy ra mưa lũ; tăng cường hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí điều tra, khảo sát, khôi phục hồ sơ kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ chứa trên toàn tỉnh nhằm phục vụ cho công tác quản lý, vận hành...

Văn Minh